Phương thức sản xuất cũ, khó hội nhập

Minh Phương 18/12/2015 09:35

Nền kinh tế đang hội nhập ngày một sâu rộng, đòi hỏi, ngành nông nghiệp cần phải có những bước chuyển biến mạnh mẽ hơn, trong đó, nông nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài chuỗi giá trị nông nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, bài toán nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp đến nay vẫn chưa có lời giải.

Phương thức sản xuất cũ, khó hội nhập

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá trị hạt gạo mờ nhạt trên thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm 40% tổng GDP và hơn 30% tổng thương mại toàn cầu. Tham gia Hiệp định này, Việt Nam có nhiều tiềm năng về xuất khẩu nông thủy sản. Khi mở cửa thị trường, các mặt hàng rau quả, thủy sản, cà phê, hồ tiêu điều… có nhiều cơ hội xuất khẩu.

Cơ hội là rất lớn, song nhiều ý kiến cho rằng, nếu chúng ta vẫn giữ phương thức sản xuất như hiện nay – manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự tham gia của khoa học, công nghệ hiện đại – thì các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập. Bởi lúc đó, khi đã không còn hàng rào thuế quan, các sản phẩm nông sản của chúng ta rất khó cạnh tranh với các sản phẩm ngoại về giá.

Để các sản phẩm nông nghiệp có thể nâng cao sức cạnh tranh khi hội nhập cả trên thế giới và khu vực, không còn cách nào khác, chúng ta phải nâng cao được chuỗi giá trị nông nghiệp. Đây có lẽ là điều tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp đều nắm bắt rất rõ, song để tìm được lời giải lại là điều khá khó khăn.

Thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng của ngành nông nghiệp hiện nay, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý trung ương (CIEM) cho rằng, phần lớn các hộ nông dân trên cả nước, nếu cứ đơn thuần làm nông nghiệp thì đều là hộ nghèo. Ngành nông nghiệp của chúng ta rõ ràng đã có những bứt phá song, phương thức sản xuất của chúng ta hiện nay vẫn rất hạn chế.

Theo ông Thành, chúng ta không chỉ hạn chế ở việc tăng trưởng (nông nghiệp –PV) đang chững lại mà còn hạn chế ở chính cách làm của ngành nông nghiệp hiện nay khi chưa đảm bảo được 3 yêu cầu: Một là lợi thế nhờ quy mô qua đó có thể hấp thụ được vốn và công nghệ, thứ hai là chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, đòi hỏi mới của nông nghiệp nói chung và các thị trường nông nghiệp Việt Nam cam kết và thứ ba là mặc dù đóng góp rất lớn vào xoá đói giảm nghèo nhưng cơ bản người nông dân vẫn thiệt thòi, nhất trong quá trình cải cách và phát triển. Những lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp mà bà con nông dân thu được chưa tương xứng với cách thức làm ăn của họ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, một trong những hạn chế hiện nay chính là chúng ta chưa nâng cao được chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp khi mà quy mô sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ khó có thể hấp thụ được vốn và công nghệ, chưa đáp ứng được nhu cầu của các thị trường lớn...

Minh chứng rõ rệt nhất chính là chuỗi giá trị hạt gạo Việt Nam. Chất lượng không ổn định, không thể truy xuất nguồn gốc, lợi nhuận thấp… là những nguyên nhân khiến cho hạt gạo của Việt Nam chưa thể khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Công Thắng, Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam, ngành lúa gạo Việt Nam còn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng, sử dụng quá nhiều giống lúa (260 giống tẻ, 20 giống nếp) dẫn tới thực trạng bất ổn định về về chất lượng… Ngoài ra, tổn thất sau thu hoạch tại Việt Nam còn cao hơn nhiều so với các quốc gia khác do công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến còn lạc hậu.

Và thực tế này không chỉ xảy ra đối với ngành lúa gạo mà nó chính là mối trăn trở lâu nay của phần lớn các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.

“Việt Nam rất cần cải thiện tình hình nói trên để có thể bước chân vào chuỗi giá trị nông nghiệp trong khu vực, từ đó nâng cao sức cạnh tranh để có thể trụ vững trước làn sóng hội nhập” - ông Sisira Jayasurya, chuyên gia Kinh tế học của Đại học Monash, Australia nhìn nhận và cho rằng, Việt Nam cần nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp mới có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính.

Để đạt được điều này, vị chuyên gia này đề xuất, Chính phủ cần hỗ trợ và có những chính sách về việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đỡ các nông hộ nhỏ lẻ, các DN vừa và nhỏ liên kết với các DN lớn để đạt được lợi ích tối đa. Bởi chính sự liên kết này sẽ là cầu nối để DN và nhà sản xuất trao đổi thông tin, biết thị trường đang có nhu cầu gì, từ đó cung cấp những sản phẩm đúng theo nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng “được mùa mất giá” mà Việt Nam đã mắc phải nhiều năm qua. Và tất nhiên, để có được sự liên kết này, bản thân DN và nhà sản xuất – người nông dân rất khó thực hiện nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phương thức sản xuất cũ, khó hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO