Qatar khiếu nại các nước cấm vận lên WTO

Khánh Duy 02/08/2017 09:25

Giám đốc Văn phòng WTO của Qatar, ông Ali Alwaleed al-Thani, hôm 1/8 cho hay nước này đã đâm đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để thách thức lệnh trừng phạt kinh tế mà các nước láng giềng gồm Arab Saudi, UAE và Bahrain đã áp đặt lên họ, yêu cầu các nước này phải đưa ra câu trả lời trước hạn chót.

Qatar hy vọng các nước cấm vận sẽ sớm giải trình về lệnh trửng phạt mà họ áp đặt. (Nguồn: WashingtonPost).

Lệnh trừng phạt gây tranh cãi

Bằng cách chính thức "đề nghị tham vấn" với 3 quốc gia cấm vận nói trên, bước đi đầu tiên trong vụ kiện này, Qatar đã đưa ra một hạn định trong vòng 60 ngày để các nước láng giềng phải đưa ra câu trả lời hoặc đối mặt với đơn kiện của họ lên WTO và khả năng nước này đưa ra các biện pháp trừng phạt đáp trả.

"Chúng tôi đã đặt ra thời hạn đủ để nghe những lời giải thích về mặt pháp lý về việc các biện pháp này có phù hợp với các cam kết của họ hay không" - ông al-Thani nói - "Chúng tôi luôn kêu gọi đối thoại, đàm phán, và đó là một phần chiến lược của chúng tôi để nói chuyện với các bên liên quan và có thêm thông tin về các biện pháp trừng phạt này, tính hợp pháp của chúng và để tìm ra giải pháp cho tranh chấp".

Khối các nước cấm vận Qatar mà Arab Saudi dẫn dầu đã cắt đứt quan hệ với nước này - một nhà xuất khẩu khí tự nhiên lớn của thế giới và là nơi có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực Trung Đông - vào ngày 5/6, cáo buộc nước này rót vốn cho phiến quân ở Syria và là đồng minh với Iran, tất cả cáo buộc đều bị chính quyền Doha bác bỏ.

Trước đó thì khối cấm vận cũng nói với WTO rằng họ sẽ mang vấn đề an ninh quốc gia ra để bào chữa cho hành động của mình đối với Qatar, gây nên một sự việc chưa từng có tiền lệ dưới quy định của tổ chức này.

Cuối tuần trước, các nước này tuyên bố sẵn sàng đàm phán để giải quyết tranh chấp nếu như Qatar sẵn lòng làm theo các yêu cầu của các nước này.

Trong văn bản phàn nàn gửi lên WTO, Qatar đã chỉ ra "các nỗ lực đe dọa và cô lập kinh tế", đồng thời cho rằng các nỗ lực đó đang gây ảnh hưởng tới quyền lợi của họ trong thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và cả tài sản trí tuệ. Văn bản tố cáo Arab Saudi và UAE dài 8 trang, trong khi đối với Bahrain là 6 trang.

Dù chưa hề có phản ứng từ các nước cấm vận Qatar sau khi sự việc này xay ra, nhưng trong tuần tới WTO dự kiến sẽ bắt đầu xem xét vụ việc.

Hy vọng giải quyết bằng tham vấn

Các lệnh trừng phạt kinh tế gây tranh cãi mà các nước láng giềng áp đặt gồm các lệnh cấm thương mại thông qua các cảng biển của Qatar và cấm công dân nước này di chuyển qua nước họ, ngăn chặn các dịch vụ kỹ thuật số và website của Qatar, đóng cửa biên giới đường biển và cấm cửa các chuyến bay của Qatar.

Bức đơn khiếu nại mà Qatar gửi tới WTO không bao gồm ước tính thiệt hại của họ vì chịu lệnh trừng phạt, trong khi ông al-Thani cũng từ chối bình luận về mức thiệt hại ước tính bởi nước này chưa chính thức đâm đơn kiện các nước láng giềng, một tiến tình có thể mất từ 2-5 năm theo hệ thống quy định của WTO.

"Chúng tôi vẫn hy vọng rằng các vòng tham vấn sẽ mang tới kết quả" - ông al-Thani nói.

Được biết đơn khiếu nại của Qatar không bao gồm Ai Cập dù nước này là nước thứ tư có liên quan tới việc trừng phạt chính quyền Doha. Dù cũng cắt quan hệ ngoại giao và cắt tuyến đường di chuyển đối với Qatar, nhưng Ai Cập không trục xuất công dân nước này hay yêu cầu công dân của họ rời khỏi Qatar.

Ông al-Thani cho hay, trong vụ khiếu nại này, Qatar sẽ tìm cách thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về tầm ảnh hưởng của lệnh trừng phạt đối với cả các thành viên WTO khác.

Nhiều nhà ngoại giao chuyên trách thương mại cho rằng việc lấy vấn đề an ninh quốc gia để biện hộ cho hành động cấm vận có khả năng sẽ làm suy yếu WTO bằng cách gỡ bỏ một điều cấm kỵ khiến cho các nước thành viên thoát khỏi các cam kết thương mại quốc tế.

Ngoài WTO ra thì Qatar cũng nêu vấn đề về lệnh trừng phạt mà họ đang phải hứng chịu tại một cuộc họp của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) trong hôm đầu tuần, theo ông al-Thani.

Trong bình luận về điều này trên kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar, Bộ trưởng Giao thông và Thông tin nước này nói rằng, các nước cấm vận đã đối xử phân biệt với họ, vi phạm thỏa thuận quốc tế về bay trên vùng trời của nước khác.

Hồi tháng 6 vừa qua, Qatar cũng đã đề nghị ICAO có trụ sở ở Montreal (Canada) giải quyết vụ tranh chấp, sử dụng một cơ chế giải quyết tranh chấp có nêu trong Công ước Chicago - một hiệp ước năm 1944 đã hình thành nên cơ quan này và đặt ra các quy định cơ bản cho ngành hàng không quốc tế.

Trong khi đó, hôm cuối tuần qua, các nước cấm vận gồm Arab Saudi, UAE, Ai Cập và Bahrain cho hay họ sẽ chỉ cho phép máy bay của Qatar đi qua không phận của họ trong những trường hợp khẩn cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Qatar khiếu nại các nước cấm vận lên WTO

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO