Quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Cần chế tài mạnh hơn để xử lý

Lê Bảo 20/05/2019 08:00

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 4/2019, các địa phương có số lượng rác, chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh nhiều là Hà Nội (6.500 tấn/ngày), Thanh Hóa (2.246 tấn/ngày), Hải Phòng (1.715 tấn/ngày), Bắc Ninh (870 tấn/ngày)... Trong khi tỷ lệ thu gom hiện nay tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình chỉ đạt khoảng 85,5%.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Cần chế tài mạnh hơn để xử lý

Chất thải rắn sinh hoạt ngày càng nhiều và gây ô nhiễm.

Chồng chéo về quản lý

Theo Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ TNMT được giao chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện hoạt động quản lý chất thải nói chung; các Bộ: Xây dựng, Y tế và GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ TNMT tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về môi trường trong phạm vi, lĩnh vực ngành quản lý. Trách nhiệm cụ thể của từng bộ được quy định trong các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật. Tuy nhiên, các văn bản dưới luật như Nghị định số 36/2017/NĐ-CP, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Nghị định 38/2015/NĐ-CP… lại đang có sự phân đoạn và không rõ ràng trong phân công chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về CTR; chưa quy định, phân luồng quản lý CTR một cách thống nhất; giao trách nhiệm cho nhiều bộ, ngành khác nhau hướng dẫn việc thực hiện. Trong khi đó, hiện công nghệ xử lý CTR hiện nay chủ yếu là chôn lấp; rác chưa được phân loại tại nguồn; kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý CTR sinh hoạt chủ yếu dựa vào ngân sách tại các địa phương. Trong khi đó, mức thu phí vệ sinh hiện nay còn rất thấp nên chỉ bù đắp một phần chi phí thu gom, vận chuyển…Chính vì vậy công tác quản lý CTR đang gặp không ít những khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân, lượng CTR sinh hoạt phát sinh hiện nay tại các khu đô thị vào khoảng 38.000 tấn/ngày và tại khu vực nông thôn vào khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải tại khu vực đô thị đạt khoảng 85%; tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40-55%. Công tác vận chuyển hiện còn gặp nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường thu từ các hộ gia đình hiện nay mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển. Phương pháp xử lý CTR sinh hoạt hiện nay chủ yếu là chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, trên cả nước hiện có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost) và gần 300 lò đốt CTR sinh hoạt (chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã). Việc đầu tư và xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới chỉ được thực hiện ở một số tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn.

Sớm thống nhất quy trình xử lý

Thực tế, dù đã có nhiều công nghệ xử lý CTR được giới thiệu để áp dụng như: Tận dụng khí từ bãi chôn lấp để phát điện, đốt bỏ thông thường trực tiếp, đốt tầng sôi, plasma, sản xuất viên nén năng lượng, sản xuất phân vi sinh… Nhưng đến nay, hầu hết tại các địa phương, kể cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vẫn xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức phổ biến là chôn lấp. Các địa phương và chủ đầu tư chưa lựa chọn được công nghệ nào phù hợp với rác thải sinh hoạt tại Việt Nam nên không xử lý triệt để và để phát sinh ô nhiễm thứ cấp ra môi trường.

Để giải bài toán về rác thải sinh hoạt, tại Hội thảo “Quản lý nhà nước về chất thải rắn” do Bộ TNMT tổ chức, nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng, mặc dù tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại nước ta tăng lên nhưng do lượng thải phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức chưa được nâng lên, khiến tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, quản lý CTR là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, tiềm ẩn nguy cơ an ninh trật tự. Do đó, việc đề xuất được mô hình thống nhất quản lý CTR cũng như giải pháp quản lý công nghệ xử lý CTR nhằm kiểm soát, giải quyết có hiệu quả… là thách thức mà ngành TNMT đang đối diện. Chính vì vậy, Chính phủ cần có chế tài mạnh hơn như đóng cửa các bãi rác gây ô nhiễm, không chỉ định các công ty môi trường xử lý rác mà cần xã hội hóa công tác xử lý rác ưu tiên các công nghệ không phát sinh ô nhiễm thứ cấp và giảm khối lượng đến 85 – 90%...

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09 ngày 3/2/2019 giao Bộ TNMT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về CTR trên cả nước; giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Thực hiện Nghị quyết số 09 của Thủ tướng Chính phủ hiện, Bộ TNMT đã ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về CTR, trong đó tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chiến lược, kế hoạch về CTR; tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác quản lý CTR trên phạm vi cả nước; chuẩn bị nội dung để tổ chức Hội nghị toàn quốc về CTR; hoàn thiện Đề án truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về CTR. Bên cạnh đó Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng các Đề án: Tăng cường năng lực quản lý CTR tại Việt Nam, tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Cần chế tài mạnh hơn để xử lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO