Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt hiện nay ra sao?

Hoàng Chiến 14/07/2022 15:59

Sáng 14/7, Báo Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt”. Toạ đàm đã đem đến nhiều khuyến nghị với cộng đồng doanh nhân, các nhà đầu tư về cơ hội và rủi ro trong môi trường linh hoạt hiện nay.

Theo đó, toạ đàm diễn ra với sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính và lãnh đạo các doanh nghiệp, trao đổi về thực trạng các kênh đầu tư trong trạng thái bình thường mới, cơ hội và rủi ro trong các kênh đầu tư phổ biến hiện nay: bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, vàng, và các hình thức đầu tư mới xuất hiện.

Quang cảnh toạ đàm.

Nội dung của buổi toạ đàm gồm 2 phiên: Phiên 1 - Nhận diện các cơ hội ở các kênh đầu tư truyền thốngvà phiên 2 - Cơ hội và thách thức các kênh đầu tư mới.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết: “Kinh tế thế giới đang đối diện nhiều nghịch cảnh, nhưng đây chính là thời cơ cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Trong nửa đầu năm, hầu hết các nước phát triển phải thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa kết thúc, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nguy cơ suy thoái vẫn đang hiện hữu. Tất cả điều này tạo nên một giai đoạn bất ổn cho nhiều thị trường đầu tư trên toàn cầu khi các chỉ số biến động rất mạnh trong thời gian ngắn giữa tâm lý “hưng phấn” và “bi quan”.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc tọa đàm.

Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, nhà đầu tư đã phải tìm cách thích nghi và phát triển, tự chuyển đổi về quản trị điều hành, phương thức kinh doanh. Điều đó tạo cơ hội sinh lợi mới cho nhiều kênh đầu tư.

Thực tế cho thấy, dù khó khăn còn bộn bề, nhưng các nhà đầu tư Việt Nam đang xoay chuyển rất tích cực để phù hợp với điều kiện kinh doanh mới với nhiều hoạt động sôi động trong nửa cuối năm 2022, Ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Các chuyên gia thảo luận tại phiên thứ nhất của toạ đàm.

Cơ hội nào cho các kênh đầu tư truyền thống?

Tại phiên thảo luận đầu tiên, TS kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, ngoài các áp lực lạm phát, kinh tế Việt Nam cũng chịu các áp lực khác trong đó có áp lực về suy giảm kênh đầu tư như kênh đầu tư tư nhân chủ yếu trong các năm qua, ví dụ là trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán, bitcoin…

"Đây là những kênh đầu tư chịu áp lực rất lớn từ lạm phát và các bất ổn về chính trị, kinh tế toàn cầu. Đồng thời, cũng phản ánh dấu hiệu quá “nóng” của những kênh đầu tư này, đặc biệt là chứng khoán, bất động sản”, TS Nghĩa khẳng định.

Bên cạnh đó, theo TS Lê Xuân Nghĩa, thị trường tài sản là một thị trường đầu tư có doanh lợi trên vốn rất cao, tuy nhiên, rủi ro cũng rất lớn. Ngoài ra, đây cũng là thị trường rất dễ bị thao túng nếu không được kiểm soát tốt sẽ tạo ra những làn sóng đầu tư bầy đàn có thể làm sụp đổ thị trường một cách nhanh chóng. Vì vậy, đối với từng cá nhân nguồn tài chính có hạn thì việc đầu tiên phải xác định đầu tư tài sản chứ không phải đầu cơ tài sản.

Dưới sự phân tích về kênh đầu tư chứng khoán hiện nay, ông Trần Đức Anh, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô và chiến lược đầu tư, Chứng khoán KB Việt Nam cho biết: Động lực tăng trưởng chính của thị trường trong 6 tháng cuối năm sẽ đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng từ ngoại biên, cũng như đà tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.

"Chúng tôi kỳ vọng thị trường trong Quý 3 sẽ sớm bước vào nhịp hồi ngắn hạn, phản ứng với các chỉ tiêu vĩ mô tích cực được công bố, cũng như mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, đặc biệt sau nhịp điều chỉnh sâu ở nhóm cổ phiếu tính chu kỳ cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và các ngành liên quan”, ông Trần Đức Anh nói.

Còn đánh giá về kênh bất động sản, ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT RB Group nhận xét, thị trường trong 6 tháng và 1 năm tới có thể còn nhiều khó khăn, sẽ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư đã ôm hàng trong giai đoạn mới đây, đặc biệt là các nhà đầu tư đầu tư ngắn hạn, đầu cơ hay sử dụng đòn bẩy ngân hàng quá đà, có nhiều nhà đầu tư có thể phải gồng lỗ hoặc cắt lỗ trong giai đoạn này nếu không có dòng tiền tốt. Tuy thời điểm khó khăn để xuống tiền nhưng chúng ta lại nhìn thấy những điểm tích cực của thị trường trong trung dài hạn.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT RB Group phát biểu tại toạ đàm.

Với sự phát triển của công nghệ, của thanh toán online, đặc biệt qua giai đoạn đại dịch vừa qua đang cho thấy đây mới là thời điểm nở rộ nhất của các kênh đầu tư cá nhân. Bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng, ngoại tệ thì thị trường đã phát triển và hoàn thiện đa dạng các kênh đầu tư mới.

Cơ hội và thách thức các kênh đầu tư mới

Tại phiên thảo luận thứ 2, các chuyên gia tiếp tục phân tích sâu về cơ hội và thách thức về các kênh đầu tư mới. Đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị với nhà đầu tư, doanh nghiệp nhận diện và nắm bắt cơ hội, tính toán rủi ro trong bối cảnh hiện nay.

Các chuyên gia tại phiên thảo luận thứ 2 trong buổi toạ đàm.

Đánh giá về các kênh đầu tư mới xuất hiện, ông Thái Việt Dũng, Giám đốc Exness tại Việt Nam cho biết: Rõ ràng quan trọng nhất trong cuộc chiến giữa công ty tài chính đó là vấn đề liên quan đến đầu tư công nghệ và sử dụng thuật toán tự động thế nào để cạnh tranh với đối thủ của mình. Cuộc chiến bây giờ không phải là cuộc chiến của tài chính tập trung nữa mà sẽ nghiêng về mô hình phi tập trung”.

Còn ông Trịnh Ngọc Đức, Chủ tịch Công ty D.lion Media & Solutions, đơn vị phát triển dự án Game blockchain FOTA vừa IDO thành công trên sàn tài chính phi tập trung, cho hay: “Tôi thấy đây là thời điểm cá nhanh nuốt cá chậm chứ không còn là thời điểm cá lớn nuốt cá bé nữa rồi. Nên những cơ hội đầu tư mới sẽ luôn xuất hiện trong cả thị trường khi đi lên và đi xuống. Đi kèm với sự gia tăng này chính là sự nhiễu loạn thông tin mà nhà đầu tư hàng ngày phải đối mặt".

Ông Trịnh Ngọc Đức, Chủ tịch Công ty D.lion Media & Solutions.

"Đây chính là cơ hội cho những kênh truyền thông chính thống lên tiếng để giúp giới đầu tư có thêm thông tin chuẩn xác hơn và cũng là thách thức không hề nhỏ cho những doanh nghiệp đang phát triển sản phẩm liên quan tới lĩnh vực tài chính, blockchain cần chỉn chu, trau chuốt hơn để các nhà đầu tư tiếp cận thông tin được rõ ràng hơn”, ông Đức khẳng định.

Ông William Đỗ, CEO của Quỹ đầu tư Hobbit Investment.

Dưới góc độ quản lý quỹ đầu tư, theo ông William Đỗ, CEO của Quỹ đầu tư Hobbit Investment nhấn mạnh: “Mối quan tâm và khẩu vị của nhà đầu tư đối với các kênh đầu tư mới rất khác biệt, đặc biệt đối với các kênh đầu tư chịu sự ảnh hưởng nhất định từ biến động không ngừng trong thị trường kinh tế vào những năm trở lại đây.

Chính vì sự khác biệt từ trong nền tảng công nghệ đã khiến các kênh đầu tư này trở nên mơ hồ và khó tiếp cận đối với đại đa số những nhà đầu tư truyền thống. Do vậy, để xoá nhoà được khoảng cách thế hệ về công nghệ và giúp các nhà đầu tư truyền thống có thể tham gia vào thị trường của các kênh đầu tư mới này với những kiến thức cần và đủ, vai trò và nghĩa vụ của những người dẫn đầu là vô cùng quan trọng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt hiện nay ra sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO