Quản lý di sản văn hóa của Hà Nội: Cái nhìn từ thực tiễn

Minh Quân (ghi) 26/09/2017 08:05

Thành phố Hà Nội vừa hoàn thành kiểm kê di tích và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, là địa phương đi đầu cả nước thực hiện công tác này. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức và để giải quyết được vấn đề này phải chú trọng vai trò, vị trí của cộng đồng.

Việc bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội cần có sự chung tay của cộng đồng và cơ quan quản lý .

Nâng cao ý thức cộng đồng

Lâu nay trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn có những dư luận sai lệch về công tác xếp hạng di tích, tạo ra cảm giác có “hội chứng xếp hạng”, đua nhau xếp hạng vì háo danh, thậm chí cả vì mục tiêu vụ lợi.

Cần hiểu xếp hạng di tích là một hoạt động mang tính pháp lý và khoa học, nhằm tạo ra những tiền đề cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Qua đó, ta thấy rõ mục tiêu của việc xếp hạng di tích là giúp cộng đồng và cơ quan quản lý hiểu rõ giá trị di tích, hiện trạng kỹ thuật, cũng có nghĩa là giáo dục nâng cao nhận thức xã hội về một di tích cụ thể nào đó.

Hồ sơ khoa học về di tích còn phân vùng và cắm mốc xác định các khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của di tích. Đây là cơ sở pháp lý giúp cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng thực hiện chức năng giám sát, kiểm soát việc bảo tồn di sản văn hóa, căn cứ để chúng ta phát hiện, ngăn chặn và cuối cùng là giải tỏa vi phạm nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của di tích và môi trường tự nhiên và kiến trúc bao quanh. Cứ liệu khoa học có trong hồ sơ khoa học di tích có khả năng cung cấp các chứng lý khoa học cho việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo di tích trong tương lai.

Như vậy, không có lý do nào buộc chúng ta hạn chế mặt hoạt động có tính chất pháp lý và khoa học cho việc quản lý có hiệu quả di sản văn hóa trên địa bàn thành phố. Miễn sao sự lựa chọn ưu tiên lập hồ sơ xếp hạng là chính xác, hạn chế tối đa sự nhầm lẫn. Ngoài ra, cần khẳng định việc xếp hạng di tích là sáng kiến từ cộng đồng đưa ra và xuất phát từ nhu cầu của chính họ, còn cơ quan quản lý phải hướng dẫn và đáp ứng nhu cầu đó theo đúng pháp luật.

Đánh giá đúng giá trị di sản

Một vấn đề có tính chất nền tảng cho công tác quản lý di sản văn hóa là phải xây dựng được ngân hàng dữ liệu khoa học về tất cả các di tích lịch sử, văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể có trên địa bàn thành phố. Có thể coi đây là “tổng kho di sản” của cả thành phố - nơi tích hợp mọi nguồn thông tin có liên quan tới di sản văn hóa và hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đã, đang và sẽ được triển khai ở Hà Nội.

“Ngân hàng dữ liệu” đó bao gồm Hồ sơ khoa học về di sản; Bản vẽ kỹ thuật; Ảnh chụp (đen trắng và màu), băng, đĩa ghi hình; Các văn bản pháp lý có liên quan; Các quy hoạch, kế hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Một khi đã được số hóa bằng công nghệ tin học, cho phép dễ dàng kết xuất các báo cáo, thì ngân hàng dữ liệu như trên sẽ được phát huy sức mạnh lớn lao trong đời sống xã hội, phục vụ thiết thực cho công tác quản lý di sản văn hóa.

Cùng với đó, Hà Nội cần nghiên cứu mô hình quản lý di sản văn hóa đang hoạt động, đánh giá đúng các mặt tích cực và hạn chế để đưa ra một số mô hình tiêu biểu và phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Trước hết, cần quan tâm tới mô hình quản lý ở các di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, chúng ta đang có Trung tâm bảo tồn khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích lịch sử thành Cổ Loa trực thuộc UBND TP Hà Nội; Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám trực thuộc Sở VHTT TP Hà Nội; các Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt trực thuộc UBND các quận, huyện.

Trong đó, tham mưu cho Sở VHTT TP Hà Nội có 2 đơn vị chính là: Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội và Phòng Quản lý di sản văn hóa. Việc xác định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp các mô hình quản lý di sản văn hóa của thành phố là vấn đề cần được đặt ra và xử lý thật hài hòa.

Mục tiêu cao nhất đặt ra cho công tác quản lý di sản văn hóa là bảo tồn lâu dài các yếu tố gốc cấu thành giá trị di sản và phát huy giá trị di sản phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong đó có phát triển cộng đồng cư dân nơi có di sản. Đặc biệt là góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Đây là một trong những mũi nhọn kinh tế của thành phố.

Có thể thấy lâu nay chúng ta thiếu cơ chế phối hợp liên ngành để tạo ra sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ cho công tác quản lý di sản văn hóa. Đã đến lúc phải đề xuất cơ chế hợp tác thuận lợi nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước về di sản, các công ty lữ hành du lịch dựa trên nền tảng di sản văn hóa, các doanh nghiệp đầu tư các dự án liên quan tới di sản văn hóa, các cộng đồng cư dân địa phương và các nhà nghiên cứu khoa học - giới tinh hoa của thủ đô.

Đây là những nhân tố tác động tích cực tới hiệu quả quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên ưu tiên xây dựng các quy hoạch, kế hoạch hoạt động và các dự án bảo tồn di sản văn hóa dựa trên cơ sở hợp tác của các nhân tố cơ bản nêu trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý di sản văn hóa của Hà Nội: Cái nhìn từ thực tiễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO