Quản lý hiệu quả vốn vay

Hoàng Mai 25/05/2017 08:00

Hôm nay (25/5), Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)- vấn đề đang được nhiều cử tri và ĐBQH hết sức quan tâm. Việc sửa đổi luật tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý nhà nước về kế hoạch vay trả nợ công; huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ Chính phủ; quản lý cho vay lại; cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; quản lý nợ chính quyền địa phương; đảm bảo khả năng trả nợ công; công tác kế toán, kiểm toán, thống kê, báo cáo và công bố thông tin về nợ công…

Theo như Dự thảo sửa đổi được cơ quan soạn thảo quy định thì nợ công được hiểu trong Luật này bao gồm: nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ chính quyền địa phương.

Và, Luật này sẽ được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng nợ công. Thực ra, Luật Quản lý nợ công đã được QH khóa XII thông qua từ năm 2009, trải qua hơn 7 năm thi hành, với sự phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay thì việc sửa đổi là khá cần thiết.

Còn nhớ, trong Báo cáo của Chính phủ trình tại QH hồi cuối năm 2016, Chính phủ cho biết: Ước bội chi ngân sách nhà nước năm 2016 là 254 nghìn tỷ đồng. Với mức bội chi này dư nợ công là 64,98% GDP sát ngưỡng 65% GDP. Nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP, vượt ngưỡng cho phép là 50% GDP.

Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này còn cao hơn, nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu ngân sách nhà nước, nếu tính cả trả nợ gốc bằng trên 26%. Chi trả nợ giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018. Đến thời điểm này tăng trưởng GDP khó đạt mục tiêu 6,7% như Quốc hội đề ra.

Việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, thậm chí xuống 4,1 triệu tỷ đồng nếu tăng trưởng ở mức 6,3% dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra. Như vậy, nguy cơ mất an toàn cho nền tài chính công đang thực sự xảy ra.

Vào thời điểm ấy, ĐBQH Phùng Đức Tiến đã bày tỏ lo lắng: Nợ công có khả năng vượt trần 65% GDP trong năm 2016. Lo lắng ấy là có cơ sở khi giới hạn ngưỡng nợ công đang ngày càng được đẩy lên cao từ mức 47% - 48% là ngưỡng an toàn, sau đó tăng lên 54%, 61% và hiện nay là 65%.

“Giới hạn an toàn nợ công thường nhắc đến với tiêu chí tổng nợ công không quá 65% GDP và tổng số nợ hàng năm phải trả không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Song tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại, trên tổng thu ngân sách có xu hướng tăng nhanh. Năm 2013 là 21,7%, năm 2014 tăng lên 28,2%, đến năm 2015 là 29,2% vượt trần 25%. Trong khi chặng đường trước mắt Việt Nam vẫn tiếp tục vay nợ để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa”- ông Tiến phân tích.

Khi tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trong khi tốc độ tăng GDP thấp, nghĩa vụ trả nợ và các khoản chi phải trả hàng năm tăng nhanh, khả năng cân đối nguồn để trả nợ gặp nhiều khó khăn. Bố trí chi trả nợ hàng năm chưa tương xứng với nghĩa vụ trả nợ đến hạn, dẫn đến việc vay đáo nợ với khối lượng lớn, năm sau cao hơn năm trước.

Chính vì thế, lo lắng của ĐBQH là hoàn toàn có lý; nhất là khi cơ cấu nợ công chưa hợp lý trong điều kiện vốn vay trong nước ngắn hạn chiếm tỷ lệ cao, lãi suất vay khá cao nhưng được sử dụng cho các công trình, dự án hạ tầng kinh tế xã hội có thời hạn thu hồi vốn dài, dẫn tới áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước.

Thực tế trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cho thấy, nợ công tăng trước hết do nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, gia tăng đột xuất nhu cầu chi tiêu công nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, hạn chế trong nguồn thu ngân sách nhà nước do giảm thuế, nợ đọng thuế, trốn thuế, chuyển giá. Do sự gia tăng chi thường xuyên, ngân sách nhà nước chiếm tới 65% tổng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2016 đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh hỗ trợ doanh nghiệp...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách khóa XIV, ông Hoàng Quang Hàm cho rằng, trong điều kiện nợ công gia tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn Chính phủ cần cân nhắc bổ sung thêm các chỉ tiêu giám sát chi phí vay để dừng vay hoặc cơ cấu lại đồng tiền vay khi không đạt mục tiêu chi phí thấp. Cân nhắc lợi ích mang lại để quyết định việc vay hay không vay, cần thiết phải điều chỉnh giảm kế hoạch vay kể cả vay ODA, ưu đãi có điều kiện ràng buộc.

Đưa ra ý kiến ấy bởi ông Hoàng Quang Hàm cho rằng, thực tiễn đã chứng minh nhiều dự án bị ràng buộc điều kiện vay như mua thiết bị đấu thầu hạn chế chỉ định thầu, về lâu dài chi phí bỏ ra có thể lớn hơn vay thương mại.

Cũng vì thế, rất có thể nếu không xem xét một cách nghiêm túc, chúng ta có thể bị cuốn vào vòng xoáy nguồn thu ngân sách sau khi trả nợ xong còn hạn hẹp, không đủ để bố trí cho nhiệm vụ chi cần thiết, mất cân đối ngân sách.

Chỉ cần đưa ra vài con số để thấy, chi trả nợ năm 2015 bằng 27,4% tổng thu trong khi trần nợ Quốc hội cho phép là 25%. Lãi suất bình quân huy động trái phiếu Chính phủ 9 tháng đầu năm 2016 khá cao khoảng 6,48% trên năm, dự toán 2017 chi trả nợ gốc là 136 nghìn tỷ trả lãi được 98 nghìn tỷ…

Dự thảo Luật Quản lý nợ công lần này đưa ra những nguyên tắc cụ thể trong quản lý nợ công trong đó nhấn mạnh đến yếu tố kiểm soát chặt chẽ, công khai, minh bạch trong quản lý nợ công và gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công

Bên cạnh đó đã đề cập đến vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và việc chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nợ công theo quy định của pháp luật.

Dự thảo luật sửa đổi sẽ còn được góp ý tại QH. Nhưng, một quan điểm chung là cần bàn thảo cặn kẽ, xem xét thấu đáo để sửa luật sao cho nâng cao mục tiêu công khai, minh bạch về quản lý để tạo đà tốt cho quản lý ngân sách phục vụ mục tiêu tăng trưởng và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý hiệu quả vốn vay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO