Quản lý người nghiện ma túy: Cần giải pháp hữu hiệu

Minh Long 22/10/2016 08:58

Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có hơn 200 nghìn người nghiện, trong đó, chỉ có 1/10 con số này đang cai nghiện tại các trung tâm, số còn lại cai nghiện tại cộng đồng. Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng đều do đối tượng sử dụng ma túy gây ra khiến dư luận cảm thấy bất an.

Nỗi lo mang tên “ngáo đá”

Mới đây, ngày 4/10, tại tầng 1 siêu thị Fivimax, chung cư Vườn Đào, đường Võ Chí Công, khu dân cư 10, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, đối tượng lên cơn ngáo đá bắt cóc một cháu bé 2 tuổi dọa sát hại nếu ai đến gần. Rất may sau đó, cháu bé được công an giải cứu thành công.

Trước đó, tại tỉnh Quảng Ninh, đối tượng Doãn Trung Dũng đã ra tay sát hại 4 bà cháu vào đêm 23/9 trong ngôi nhà ở khu Hợp Thành, phường Phương Nam, thành phố Uông Bí. Đối tượng gây án trong tình trạng nghi bị ngáo đá…

Chị Nguyễn Kim Nhung ở quận Hà Đông, lo lắng: “Người nghiện lên cơn thèm thuốc, bị ảo giác thì có thể làm bất cứ chuyện gì. Ở gần nhà tôi có 2 người nghiện nên tôi rất lo. Tôi không dám đi sớm về tối. Tôi rất mong cơ quan chức năng có những biện pháp giúp đỡ họ, chỉ để họ hòa nhập cộng đồng khi đã chấm dứt tình trạng nghiện”.

Nói về hậu quả của dùng ma túy đá, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những người nghiện ma túy đá thường rơi vào trạng thái mất nhận thức, ảo giác và thời gian này sẽ kéo dài trong vài ngày.

Đây là thời điểm các con nghiện có thể, trở thành mối nguy hại cho cả cộng đồng. Trong khi đó, đối với các loại ma túy tổng hợp vừa xuất hiện thời gian gần đây đều chưa có phác đồ điều trị.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, do rối loạn tư duy, tri giác, bệnh nhân có thể giết những người xung quanh, kể cả bố mẹ, anh chị em ruột thịt hoặc hủy hoại bản thân mình.

Những năm gần đây, bệnh nhân được khám và tư vấn về nghiện ma túy tổng hợp hay rối loạn về cảm xúc hành vi do ma túy nhiều hơn.

Tỷ lệ bệnh nhân rối loạn tâm thần chiếm 15% trong tổng số bệnh nhân sử dụng ma túy tổng hợp. Việc điều trị cần nhiều thời gian.

Linh hoạt thủ tục đưa người nghiện đi cai

Trước đây, những người nghiện ma túy đều bị đưa vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, từ năm 2013, thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020, người nghiện có thể tự nguyện cai nghiện tại các Trung tâm cai nghiện hoặc cai nghiện tại cộng đồng.

Quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bãi bỏ Luật xử lý hình sự đối với những người sử dụng trái phép chất ma túy.

Những người nghiện được xác định là người bệnh, cần điều trị và chỉ bắt giam khi vi phạm pháp luật hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Đây là nguyên nhân gây khó khăn trong công tác quản lý và vận động người cai nghiện chữa bệnh. Trong khi đó, để đưa họ đi cai nghiện vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà.

Đánh giá sau 3 năm triển khai Đề án, ông Nguyễn Trọng Đàm-Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH thừa nhận, việc cai nghiện tại cộng đồng còn lúng túng.

Các dịch vụ xã hội, an sinh xã hội cho người nghiện còn nhiều rào cản. Việc quản lý, giáo dục người nghiện tại cấp xã, phường chưa đến nơi, đến chốn.

Ngoài vấn đề kỳ thị, một bộ phận không nhỏ người nghiện có thể gây nguy hiểm, đe dọa đến an toàn, an ninh trật tự tại cộng đồng nhưng chưa được theo dõi, quản lý sát sao.

Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong công tác cai nghiện chưa tìm tiếng nói chung

Rõ ràng, để việc quản lý người nghiện có hiệu quả hơn, đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh các quy định, trình tự, thủ tục…một cách linh hoạt trong áp dụng các biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cai nghiện tại cộng đồng được nhanh chóng, thuận tiện, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý người nghiện ma túy: Cần giải pháp hữu hiệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO