Quan trọng nhất là ý thức tự giác của người dân

Đức Trân - Phạm Sỹ (thực hiện) 25/12/2021 06:30

Để làm rõ hơn về tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, và những lợi ích của vaccine ngừa Covid-19, cùng các biện pháp phòng, chống dịch như 5K, đặc biệt trong bối cảnh biến chủng mới Omicron xuất hiện, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có buổi trao đổi cùng PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

PV: Ông có thể nhận định về tình hình dịch bệnh tại nước ta hiện nay? Đặc biệt là tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Đầu tiên cần phải hiểu rõ, khi chúng ta nới lỏng, cho phép các hoạt động đi lại của người dân đồng nghĩa với việc tiếp xúc, giao tiếp giữa người với người với nhau, đặc biệt là người bệnh với người không mắc bệnh với nhau sẽ tăng lên, và hệ quả là số người mắc bệnh cũng tăng theo. Tuy nhiên, đây là điều chúng ta cần chấp nhận và đã có dự báo, đã có chuẩn bị để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế.

Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội đang có chiều hướng diễn biến phức tạp với số ca F0 tăng nhanh mỗi ngày. Tôi cho rằng, hiện nay Hà Nội cần có những biện pháp để hạn chế số ca F0 gia tăng. Bởi nếu số ca mắc bệnh tiếp tục tăng cao sẽ dẫn tới hậu quả nhiều F0 không được tiếp cận với y tế khiến tâm lý người dân hoang mang, lo lắng và nguy cơ số ca F0 chuyển nặng, tử vong cũng tăng theo vì không được can thiệp y tế kịp thời. Ngoài ra, tâm lý hoang mang dẫn đến việc người dân tự ý tới các cơ sở y tế không đúng tầng gây nên nguy cơ “quá tải hệ thống y tế ảo” làm cho công tác phân tầng điều trị khó khăn hơn.

“Quá tải y tế ảo” được hiểu là người F0 không có triệu chứng, có thể điều trị được tại nhà nhưng lại tới bệnh viện gây ra tình trạng thiếu giường bệnh cho những bệnh nhân thực sự cần thiết. Khác với quá tải thực sự, đó là khi người bệnh liên hệ với nhân viên y tế nhưng thực tế là đã không còn giường bệnh. Để tránh “quá tải ảo”, cần có sự điều tiết hệ thống y tế cơ sở, hệ thống các trạm y tế lưu động để thực sự đạt được hiệu quả tốt nhất trong điều trị người bệnh.

Ông có thể nói rõ hơn về các biện pháp kiềm chế tốc độ lây lan của Covid-19 mà Hà Nội cần triển khai hiện nay?

- Theo Nghị quyết 128 thì có 3 tiêu chí để đánh giá dịch bệnh, 1 trong số đó là kiểm soát để số ca nhiễm trên 100.000 dân không được quá cao. Theo tôi, Hà Nội cần đánh giá lại cấp độ dịch trên từng địa bàn như xã, quận, huyện để đưa ra các giải pháp kịp thời.

Ở phía chính quyền, có thể xem xét dừng hoặc hạn chế các hoạt động không thiết yếu có nguy cơ lây lan cao, đặc biệt là các hoạt động có tập trung đông người, trong không gian kín hay các hoạt động tiếp xúc gần như hội họp, liên hoan, đám cưới... để hạn chế sự lây lan của dịch.

Ngược lại, ở phía người dân, cần có ý thức hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Quan trọng nhất là không được chủ quan, lơ là thực hiện 5K sau khi đã tiêm vaccine. Đồng thời, người dân cần hạn chế đi lại khi không cần thiết, hạn chế tiếp xúc đám đông và hạn chế tạo ra các đám đông không cần thiết trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Đặc biệt hơn khi các dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang tới gần, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt đối với người dân không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch.

Nếu chúng ta hạn chế được số ca mắc mới thì các cơ sở y tế sẽ không bị quá tải, đồng nghĩa với việc bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ được can thiệp y tế kịp thời và không dẫn tới tử vong.

Ông vừa nói đến tầm quan trọng của vaccine phòng Covid-19 và 5K, ông có thể phân tích sâu hơn về sự cần thiết của những biện pháp này?

- 5K là các biện pháp phòng, chống dịch vô cùng quan trọng để người dân bảo vệ bản thân và gia đình khỏi SARS-CoV-2. 5K cũng giúp người mắc Covid-19 hạn chế nguy cơ lây lan virus ra cộng đồng, đặc biệt là không lây cho những người chưa tiêm vaccine, những người già hay người có bệnh nền.

Ngoài ra, 5K cũng phát huy tác dụng bảo vệ rất tốt trước các bệnh về đường hô hấp khác, chúng ta có thể thấy, nhờ thực hiện 5K mà thời gian vừa qua số ca mắc các dịch bệnh khác như cúm, sởi, ho gà, tay chân miệng, ngộ độc thực phẩm… giảm đi rất nhiều. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khẩu trang có thể hạn chế tới 53% nguy cơ lây lan của virus.

Kể cả đối với biến chủng mới Omicron thì 5K cũng sẽ là một trong những biện pháp rất quan trọng để phòng, chống dịch bệnh.

Đối với vaccine ngừa Covid-19, cần hiểu rõ, vaccine không thể bảo vệ người dân mắc Covid-19 100%, nhưng nó vẫn có thể hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời, tác dụng đặc biệt quan trọng nhất của vaccine ngừa Covid-19 là khiến người dân không chuyển nặng và nguy cơ tử vong sẽ thấp hơn rất nhiều khi nhiễm SARS-CoV-2, phần lớn người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine chỉ có các triệu chứng nhẹ hay không có triệu chứng khi trở thành F0, từ đó, có thể điều trị tại nhà.

Đương nhiên, khi tiêm vaccine người dân cũng sẽ có các phản ứng từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp hiện nay của Covid-19 thì tác dụng mà vaccine đem lại quan trọng hơn rất nhiều, bởi vậy việc tiêm chủng là cần thiết đối với mọi người dân để chống lại các biến chủng của Covid-19.

Hiện nay, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân mang tâm lý chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, theo ông, cần có những biện pháp cụ thể nào để hạn chế tình trạng này?

- Theo tôi cần thực hiện 2 biện pháp, đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân. Thứ hai là chính quyền cần tăng cường kiểm tra, giám sát thậm chí là đưa ra các hình thức xử phạt để giải quyết vấn đề này. Quan trọng nhất vẫn là tinh thần tự giác của người dân, cần hiểu rõ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan trọng nhất là ý thức tự giác của người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO