Quảng Nam: Rừng bị tàn phá chẳng khác nào máu mình đã đổ xuống

Thành Nhân - Chi Mai 31/03/2018 14:32

Đó là câu nói thể hiện nỗi xót xa với rừng của ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Trưởng đoàn công tác kiểm tra hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn, huyện Đông Giang.

Quảng Nam: Rừng bị tàn phá chẳng khác nào máu mình đã đổ xuống

Gỗ bị lâm tặc xẻ ra phách bỏ lại trong rừng sâu.

Làm rõ trách nhiệm cấp ủy, chính quyền để mất rừng

Ngày 30/3, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã đi theo đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam. Tại đây một lần nữa chúng tôi chứng kiến cảnh phá rừng tan hoang.

Nơi đây vẫn còn ngỗn ngang cây cối ngã đổ, gỗ, nhánh cành nằm la liệt khắp nơi. Những thân cây 2 người ôm không hết ngả đỗ chưa kịp xẻ thành phách nằm ngổn ngang khắp sườn núi. Cả khoảnh rừng như một đại công trường. Khu rừng tan hoang, xơ xác. Chứng kiến tình cảnh này ông Thanh đã thốt lên: “Mỗi lần nhìn cảnh rừng bị tàn phá, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống”.

Sau khi thị sát thực địa rừng gần hai tiếng đồng hồ ở các vụ vực bị tàn phá rừng thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Jơ Ngây và xã Tà Lu, huyện Đông Giang. Ông Thanh đã có buổi làm việc với các ngành chức năng liên quan để làm rõ nguyên nhân phá rừng.

Ông Đinh Văn Hươm, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, ngay từ tháng 9/2017, cơ quan chức năng phát hiện Vũ Văn Trứng (ở xã Jơ Ngây) có hành vi khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn. Ngày 8/3/2018, lực lượng chức năng bắt quả tang Vũ Văn Trứng và Vũ Văn Cưng (ở xã Jơ Ngây) có hành vi khai thác gỗ trái phép thuộc khoảnh 8, 9, 10, 11 (Tiểu khu 41 xã Tà Lu); khoảnh 1, 3 (Tiểu khu 140 xã Zà Hung). Tại hiện trường, cơ quan chức năng ghi nhận có 33 gốc cây bị chặt hạ với khối lượng hơn 72 m3 (là gỗ chò, xoan đào, trám).

Quảng Nam: Rừng bị tàn phá chẳng khác nào máu mình đã đổ xuống - 1

Ông Lê Trí Thanh kiểm tra vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn.

Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, đã yêu cầu kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã Zà Hung, Tà Lu và cá nhân bí thư, chủ tịch xã trong việc buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng, khai thác lâm sản. Kiểm điểm tập thể lãnh đạo và cán bộ công chức Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Kôn, Hạt Kiểm lâm Đông - Tây Giang, do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý bảo vệ rừng trong lâm phận được giao.

Phát biểu tại đây, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh: “Cần phải làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền khi để mất rừng. Đồng thời đề nghị Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNN tự nhận trách nhiệm”. Ông Thanh cũng khẳng định: “Phải nhanh chóng khởi tố vụ án, xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, có sức răn đe cao”.

Công bố Email kêu gọi tố giác phá rừng

Ông Thanh cho rằng, chính quyền, nhân dân và tất cả các lực lượng đã nỗ lực hết sức để bảo vệ rừng, tuy nhiên trong công tác phối hợp bảo vệ rừng còn khó. Do tỉnh Quảng Nam có diện tích rừng lớn thứ 2 cả nước, nên áp lực lên bảo vệ rừng lớn hơn. Ngoài ra, Quảng Nam là địa phương có địa hình hiểm trở, rừng núi đi lại khó khăn, lực lượng quản lý rừng mỏng mà lâu nay, việc quản lý rừng tại Quảng Nam theo lưu vực, tính chất rừng chứ không quản lý theo ranh giới hành chính, ranh giới trong rừng chưa rõ ràng, việc phối hợp tuần tra bảo vệ rừng còn bất cập.

Quảng Nam: Rừng bị tàn phá chẳng khác nào máu mình đã đổ xuống - 2

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn kiểm tra với huyện.

“Những vụ phá rừng vừa qua, cơ bản xử lý đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, tính răn đe chưa cao. Do đó các đơn vị, địa phương phải xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là việc làm thường xuyên, liên tục. Còn đối với vụ phá rừng ở Sông Kôn, yêu cầu các cơ quan chức năng tích cực làm rõ, đưa ra ánh sáng những cá nhân liên quan vụ phá rừng làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng”- ông Thanh khẳng định.

Theo ông Thanh, để bảo vệ rừng hiệu quả hơn, Quảng Nam cần những biện pháp khoa học hơn, áp dụng công nghệ tiên tiến hơn, nhất là việc triển khai đề án giám sát rừng bằng công nghệ cao và tổ chức lại lực lượng kiểm lâm, tổ chức lại ban quản lý rừng, thay đổi phương pháp tuần tra bảo vệ rừng, cách thức hợp đồng với các nhóm hộ để công tác quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn, chế tài phù hợp hơn trong thời gian sắp tới.

Tại đây ông Thanh đã công bố địa chỉ email cá nhân: thanhquangnam70@gmail.com, với mục địch nhằm kêu gọi quần chúng nhân dân, các cơ quan báo chí, tích cực tố giác các hành vi xâm hại rừng cũng như hiến kế trong việc quản lý, bảo vệ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam: Rừng bị tàn phá chẳng khác nào máu mình đã đổ xuống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO