Quảng Ninh: Kết quả tích cực trong công tác cải cách tư pháp

PV (theo Báo Quảng Ninh) 26/12/2018 10:22

Theo Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2018, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tư pháp.

Quảng Ninh: Kết quả tích cực trong công tác cải cách tư pháp

Các ban, ngành, đoàn thể huyện Vân Đồn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Đỗ Hiền (Đài Vân Đồn).

Để hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với hoạt động tư pháp, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh do Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban. Hằng năm, Ban Chỉ đạo đề ra chương trình trọng tâm, đồng thời phân công từng thành viên chỉ đạo từng công việc gắn với lĩnh vực công tác chuyên môn và chức trách được giao.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Nổi bật trong năm 2018 đã chỉ đạo triển khai hiệu quả Kế hoạch cải cách tư pháp năm 2018 và Kế hoạch công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021; các kế hoạch kiểm tra, giám sát về công tác cải cách tư pháp, Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 05-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW. Trong đó nhấn mạnh nội dung xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến cải cách tư pháp; triển khai các đạo luật mới ban hành, đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật; tăng cường chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng duy trì nền nếp chế độ giao ban khối nội chính; chỉ đạo trực tiếp thường xuyên sâu sát các cơ quan tư pháp của tỉnh trong việc xử lý các vụ án, vụ việc theo Chỉ thị 15-CT/TW, Chỉ thị 50-CT/TW và Quy định số 07-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Cũng trong năm 2018, tỉnh đã quan tâm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đồng thời, quan tâm công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp.

Các cơ quan tư pháp hai cấp của tỉnh chủ động thực hiện các nhiệm vụ chính trị; chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án từng bước được nâng lên. Việc thực hiện xét xử theo mô hình tranh tụng bước đầu có hiệu quả; công tác hòa giải, đối thoại trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính được chú trọng.

Thời gian qua, tỉnh không để xảy ra án oan, sai nghiêm trọng phải tiến hành bồi thường. Các cơ quan tư pháp tích cực phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết tốt các vụ việc nổi cộm, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, nhất là trong xử lý các vi phạm liên quan đến than, giải quyết các khiếu kiện hành chính liên quan đến đất đai, dự án, bồi thường, giải phóng mặt bằng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong năm qua, tỉnh đã tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, công chứng, thừa phát lại. Đến nay toàn tỉnh đã có 20 tổ chức hành nghề công chứng với 51 công chứng viên, đã công chứng trên 45.000 việc, thu phí trên 24 tỷ đồng, có 33 tổ chức hành nghề luật sư với 83 luật sư, đã thực hiện trên 1.000 vụ việc, doanh thu 6,4 tỷ đồng…

Quảng Ninh: Kết quả tích cực trong công tác cải cách tư pháp - 1

Liên đoàn Lao động tỉnh và Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảnh Ninh phối hợp tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân lao động trên địa bàn Đầm Hà. (Ảnh: Hoàng Giang).

Các hoạt động giám sát, chất vấn của cơ quan dân cử; giám sát, phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tư pháp được tăng cường. Ngoài ra, trong công tác tiếp xúc cử tri, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo đã thường xuyên yêu cầu các cơ quan tư pháp làm rõ, trả lời công dân các vấn đề liên quan hoạt động tư pháp. Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành cuộc giám sát công tác quản lý, giam giữ tại Trại giam công an tỉnh, có nhiều kiến nghị quan trọng.

Cùng với các nội dung trên, trong năm qua, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp cũng ngày càng được mở rộng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động của các cơ quan tư pháp được quan tâm đầu tư, hỗ trợ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đặc biệt, đa số cấp ủy địa phương đã quan tâm ban hành kế hoạch, chương trình công tác cải cách tư pháp hằng năm để triển khai thực hiện. Một số địa phương đã chủ động ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, trong đó có công tác cải cách tư pháp như: Móng Cái, Hải Hà, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên... Ngoài ra, nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp còn được chỉ đạo lồng ghép trong các Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, các văn bản chỉ đạo về công tác nội chính của địa phương.

Từ những kết quả đạt được, theo Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; các đạo luật mới có liên quan đến công tác cải cách tư pháp. Trong đó, trọng tâm là Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; Kế hoạch 38-KH/CCTP, ngày 15/8/2014 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.

Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với các cơ quan tư pháp trong phối hợp hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp; xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án tham nhũng, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp, nhất là công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Kết quả tích cực trong công tác cải cách tư pháp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO