Quảng Trị vướng hỗ trợ ngư dân

Thanh Tùng 22/09/2016 09:37

UBND thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, đang vướng mắc trong hỗ trợ, đền bù thiệt hại sau sự cố môi trường biển bởi hướng dẫn của Bộ-ngành chức năng không phù hợp với thực tế của địa phương. Các hộ dân đánh bắt thủy, hải sản ở Cửa Việt không bị ảnh hưởng nhiều trong khi hàng trăm lao động trong lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh thủy hải sản bế tắc, lao đao nhưng lại không nằm trong diện được ưu tiên hỗ trợ, đền bù.

Quảng Trị vướng hỗ trợ ngư dân

Từ tháng 5 đến giữa tháng 9/2016, các cơ sở chế biến ở thị trấn Cửa Việt đã hấp sấy được 4.200 tấn cá nục.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết ngày 21/9, ông Trần Đình Cảm-Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt cho biết, nếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ - ngành thì rất nhiều hộ dân Cửa Việt sẽ bị thiệt thòi.

Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ-ngành Trung ương gửi về địa phương thì đối tượng được hỗ trợ, đền bù phải là hộ gia đình và cá nhân trực tiếp lao động biển. Mức đền bù cũng căn cứ theo thu nhập của từng hộ gia đình và cá nhân.

Tuy nhiên, theo ông Cảm, hộ gia đình và cá nhân trực tiếp lao động biển cũng như các hộ có tàu đánh bắt xa bờ và gần bờ ở Cửa Việt trên thực tế không ảnh hưởng nhiều bằng các hộ gia đình, cá nhân lao động trong lĩnh vực hậu cần, dịch vụ.

Cửa Việt có 800 hộ/1.356 hộ dân trực tiếp lao động biển, với 90 tàu cá công suất từ trên 90 CV đến gần 900 CV, 74 tàu cá công suất dưới 90CV .

Sự cố Formosa xả thải làm cá biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế chết hàng loạt xảy ra từ tháng 4/2016 nhưng từ tháng 5/2016 đến nay, tất cả tàu cá trên 90 CV ở Cửa Việt vẫn hoạt động đánh bắt bình thường.

Sản lượng đánh bắt cũng tăng nhiều lần so với năm trước. Ông Cảm dẫn chứng, đầu năm 2016 địa phương đặt mục tiêu đạt 5.500 tấn thủy, hải sản nhưng chỉ từ tháng 5 đến giữa tháng 9, ngư dân Cửa Việt đã đánh bắt được 4.800 tấn thủy hải sản. Đầu năm 2016, địa phương xây dựng kế hoạch hấp sấy 3.000 tấn cá nhưng chỉ từ tháng 5/2016 đến thời điểm này đã hấp sấy được 4.200 tấn.

Ông Cảm cũng cho biết, giá các loại thủy, hải sản ở Cửa Việt tuy có giảm trong sự cố môi trường biển do Fomorsa xả thải nhưng giảm không đáng kể. Đơn cử giá cá nục khi chưa xảy ra sự cố môi trường biển, dao động từ 12.000 đồng đến 14.000 đồng/kg, chỉ giảm xuống còn từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg và vẫn tiêu thụ mạnh.

Các dẫn chứng này cho thấy lao động trực tiếp trong lĩnh vực đánh bắt hải sản xa bờ và gần bờ ở Cửa Việt không bị thiệt hại nhiều so với các hộ gia đình, cá nhân làm nghề dịch vụ, kinh doanh. Cửa Việt hiện có 46 hộ với trên dưới 200 lao động trong lĩnh vực dịch vụ buôn bán các mặt hàng thủy, hải sản (chủ yếu là hải sản biển).

Ngay khi sự cố môi trường biển xảy ra từ tháng 4 đến nay, các hộ dân làm nghề dịch vụ, kinh doanh mặt hàng thủy, hải sản không thể hoạt động được. Lao động trong lĩnh vực này không biết làm gì thêm để có thu nhập và cũng không thể chuyển nghề khác để duy trì cuộc sống. Thực tế ở Cửa Việt đang khiến địa phương gặp khó khăn trong hỗ trợ, đền bù thiệt hại-ông Cảm nói

Ngày 21/9, chúng tôi đã đến các lò hấp sấy cá nục ở thị trấn Của Việt và được các chủ lò cho biết, sự cố Formosa xả thải không ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ loại sản phẩm này. Ngư dân đánh bắt đến đâu, chúng tôi thu mua đến đấy.

Các chủ lò đều khẳng định như thế. Hoạt động nhộn nhịp của các lò hấp sấy cá nục kéo dài trên chiều dài 5 km trục đường xuyên Á qua thị trấn Cửa Việt phản ánh đúng những gì mà Chủ tịch thị trấn này chia sẻ với chúng tôi. Các hộ dân đánh bắt thủy, hải sản ở Cửa Việt không bị ảnh hưởng nhiều trong khi hàng trăm lao động trong lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh thủy hải sản bế tắc, lao đao nhưng lại không nằm trong diện được ưu tiên hỗ trợ, đền bù.

“Để ngư dân miền Trung tự tin ra khơi bám biển, hải sản đánh bắt được trong vùng an toàn được người tiêu dùng an tâm đón nhận còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc thường xuyên lấy mẫu hải sản để xét nghiệm mức độ an toàn, cần tiến hành đánh giá mức độ phục hồi của các nhóm hải sản (cá, san hô, nhuyễn thể).

Chẳng hạn, để khôi phục trước nhóm cá kinh tế, phải phục hồi bãi đẻ, bãi giống, các khu bảo tồn biển, kết hợp với sản xuất giống và thả tự nhiên… Đối với các loài cá bột, cá nhỏ đã quay lại vùng biển 4 tỉnh miền Trung, trước mắt chưa nên tập trung đánh bắt ngay mà “lợi dụng” điều đó để thu hút các loài cá khác trở về sinh sống. Từ đó mang lại nguồn lợi thủy hải sản an toàn trong một “ngôi nhà mới” bằng cách phục hồi rạn san hô.

Việc đưa rạn san hô tự nhiên đã suy thoái trở về nguyên trạng không đơn giản, có lẽ phải mất 50 năm; vì vậy nên làm rạn san hô nhân tạo. Về công nghệ, trước đây Viện Hải dương học (Nha Trang), Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Hải Phòng) và Viện Nghiên cứu hải sản (Hải Phòng) đã áp dụng công nghệ tạo rạn san hô theo mô hình quốc tế. Có thể phối hợp với các viện nên tập huấn và hỗ trợ địa phương cùng làm” - PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, chuyên gia môi trường biển.

T.Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Trị vướng hỗ trợ ngư dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO