Quên xây trường

Lê Anh Đức 07/07/2017 09:30

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp HĐND TP Hà Nội sáng 5/7, nhiều đại biểu bức xúc yêu cầu Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội giải trình về việc hiện Thủ đô có nhiều địa bàn quá tải về trường học. Tại một số nơi có những lớp mầm non, tiểu học, sĩ số học sinh lên tới 50-60 em mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Nhiều trường học ở Hà Nội quá tải.

Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Lê Vinh khẳng định, mọi dự án được quy hoạch đều yêu cầu xây dựng trường học, song các chủ đầu tư không chấp hành mà chỉ lo xây nhà để bán rồi “quên” mất việc xây trường học.

Thực tế thì đa số các khu đô thị mới, nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua đều không tính toán đầy đủ việc phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm. Chẳng có ai, cơ quan nào có thời gian, hay đủ kiên nhẫn để đi tìm hiểu từng dự án đã phê duyệt có hạng mục bắt buộc là xây dựng trường học hay không.

Nếu thực sự tất cả các dự án khu đô thị, nhà chung cư đều được phê duyệt khi bắt buộc phải có hạ tầng cơ sở là trường học thì càng chứng tỏ chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước buông lỏng quản lý trong việc nghiệm thu đưa vào sử dụng các công trình trên.

Nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội cho rằng, theo quy định thì mỗi phường phải có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường THCS công lập. Song, hiện có quá nhiều nơi trên địa bàn thành phố quy hoạch phát triển rất nhiều chung cư, nhà cao tầng, với số dân tương đương với một phường mà không có bất cứ nhà trẻ, trường tiểu học nào chứ đừng nói đến THCS công lập.

Đó là lý do mà ở nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô, các phụ huynh phải “chen vai thích cánh” xếp hàng để xin nhập học cho con mà vẫn không có cơ may được nhận. Nhiều địa phương do quá đông học sinh mà phải xếp lịch học luân phiên, thậm chí học cả thứ 7, chủ nhật mới có thể tạm “tải” được nhu cầu của các phụ huynh.

Và cái lẽ tất nhiên là khi các trường công lập không có, hoặc thiếu không đáp ứng được nhu cầu của người dân thì việc các trường học tư mọc lên thế chỗ không có gì lạ. Đương nhiên trường công hay trường tư không quan trọng, vấn đề ở chỗ có đảm bảo được quy chuẩn giáo dục các bậc học mầm non, tiểu học hay THCS hay không mà thôi.

Điều đáng nói là các cấp chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước của TP Hà Nội lại không thể kiểm soát chất lượng của các trường tư thục mọc lên như nấm sau mưa. Nhiều trường mầm non tự phát mọc lên mà không có sự cho phép của bất kỳ cơ quan chức năng nào.

Chính quyền địa phương ở nhiều nơi dù biết nhưng cũng đành phải để các cơ sở giáo dục này tồn tại, vì đây chính là “cứu cánh” cho sự quá tải trường học trên địa bàn. Đó là lý do giải thích vì sao trẻ em không được dạy dỗ đúng đắn theo các quy chuẩn, dẫn đến sự phát triển có phần lệch lạc.

Vì sao nên nỗi? Theo lý giải của Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội thì nhiều chủ đầu tư đã không chấp hành, chây ỳ không chịu xây cơ sở vật chất trường học tại các khu đô thị sau khi đi vào sử dụng. Thậm chí có chủ đầu tư còn quy hoạch xây dựng trường học trên đất ao làng, nghĩa trang... dẫn đến việc khó triển khai trên thực tế.

Và cũng theo Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội thì hiện chưa có chế tài để buộc các chủ đầu tư phải thực hiện cam kết. Tuy nhiên, lý giải đó không thuyết phục. Nếu thực sự trong quy hoạch các khu đô thị, nhà chung cư cao tầng có các hạng mục cơ sở hạ tầng trường học, lẽ nào nó có thể được nghiệm thu đưa vào sử dụng khi chưa hoàn thành?

Đặt giả thiết đúng như lời giải thích của Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội là các chủ đầu tư không chịu hoàn thành xây dựng trường học như dự án được phê duyệt, càng chứng tỏ các cơ quan quản lý đã buông lỏng quản lý, chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí có sự “đi đêm”, “nhấm nháy” với chủ đầu tư để đưa các công trình chưa hoàn thành các hạng mục xây dựng được phê duyệt vào sử dụng, dẫn đến tình trạng quá tải trường học như đang diễn ra.

Theo quy định của pháp luật thì một dự án khi chưa hoàn thành các hạng mục xây dựng thì khó có thể đưa vào nghiệm thu, sử dụng. Vậy thì vì sao hầu hết các khu đô thị, chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội các chủ đầu tư lại có thể hồn nhiên bán nhà cho người sử dụng mà không cần hoàn thành nghĩa vụ xây dựng cơ sở hạ tầng của mình?

Thay vì đổ lỗi cho khách quan là sự phát triển đô thị nóng, lỗi chủ quan của các chủ đầu tư, những người có trách nhiệm hãy tự nhận lấy trách nhiệm của mình khi để tình trạng quá tải trường học trở thành vấn nạn. Nhân ra thiếu sót, lỗi lầm của mình mới có thể đưa ra hướng khắc phục, sửa chữa hiệu quả.

Hàng triệu cử tri Thủ đô hy vọng trong thời gian tới, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước Hà Nội sẽ có những giải pháp cụ thể để chấm dứt vấn nạn quá tải trường học, thay vì chỉ tìm cách giải thích tại mỗi kỳ họp HĐND.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quên xây trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO