Quốc hội quyết GDP năm 2023 khoảng 6,5%

Việt Thắng 10/11/2022 15:16

Ngày 10/11, với 93,37% ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị: Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Quốc hội cũng quyết định các chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la Mỹ (USD); Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0 – 6,0%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%; Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 12 bác sĩ; Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32 giường bệnh; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo đó, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, khu vực, trong nước, kịp thời nhận biết rủi ro để có đối sách phù hợp, điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Rà soát, cập nhật, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, ban hành phương án xử lý có hiệu quả, kịp thời các tình huống, các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; nỗ lực nghiên cứu, tự sản xuất các loại thuốc phòng, chống dịch. Chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra. Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế trong nước.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp tục quán triệt và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ những chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới phương thức chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, tập trung tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2023.

Quốc hội cũng yêu cầu, đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Xây dựng giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để vừa khắc phục những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực, vừa thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; bảo đảm các điều kiện và triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; có giải pháp bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa, sách tham khảo.

Quốc hội quyết nghị, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị. Không ngừng phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội.

Đáng chú ý, giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thường xuyên nắm chắc, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu, xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là chủ trương, đối sách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo. Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân”.

Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại cấp cao năm 2023. Làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác đi vào chiều sâu, thực chất, gia tăng tin cậy chính trị, đan xen lợi ích.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Tập trung thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước. Chú trọng tuyên truyền, cổ vũ gương người tốt, việc tốt. Tập trung đấu tranh, phản bác, chỉnh lý thông tin sai lệch, triệt phá, gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật, xuyên tạc.

Tăng cường và đổi mới công tác quản lý báo chí; xây dựng đội ngũ nhân lực báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, có giải pháp hỗ trợ báo chí phát triển; kịp thời chấn chỉnh sai phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, đoàn thể Nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội quyết GDP năm 2023 khoảng 6,5%

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO