Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Nội lực hay FDI?

V.Thắng - M.Loan 22/10/2015 22:11

Ngày 22/10, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Nội lực hay FDI?

ĐBQH Đinh Thị Bạch Mai (đoàn TP HCM) phát biểu tại tổ, ngày 22/10. Ảnh:Lã Anh.

Đánh giá rõ thành tựu, yếu kém

Cùng ngày Quốc hội cũng thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước (bao gồm việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế) và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016. Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội đã nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên ĐBQH Võ Thị Dung (TP HCM) cho rằng báo cáo vẫn chưa thật đầy đủ về thực trạng kinh tế 5 năm qua cũng như năm 2015.

Bà Dung đặt ra 3 vấn đề khi sản xuất công nghiệp khu vực trong nước giảm, FDI chiếm tỷ trọng cao. Theo bà Dung, trong ổn định vĩ mô thì vai trò của FDI như thế nào? Chính phủ phải giải trình thêm cho Quốc hội trong điều hành kinh tế có chấp nhận quan điểm dựa vào FDI hay không để thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu?

“Đề nghị làm rõ vì vai trò khu vực này ngày càng lớn. 70% sản xuất công nghiệp, 67% xuất nhập khẩu. Chúng ta dựa vào đâu: Nội lực hay FDI? Ngành nông nghiệp có đóng góp lớn, xuất siêu nhưng giảm cả sản lượng và giá trị thì phải làm rõ vì sao nông dân được mùa mất giá, xuất khẩu khó khăn. Chính phủ cần nêu rõ hơn để đánh giá rõ thành tựu, yếu kém, nguyên nhân vì sao”- bà Võ Thị Dung đặt vấn đề.

Chỉ ra báo cáo của Chính phủ và báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư có số liệu khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu băn khoăn khi tình trạng “đô la hóa”, “vàng hóa” tăng làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng đánh giá trong báo cáo của Chính phủ lại chưa đầy đủ.

Theo ông Giàu, lần này rất lo khi dùng ngân sách trả nợ hàng năm cao hơn, đầu tư không trọng điểm. “Nợ xấu chuyển qua VAMC thực ra chỉ là “dồn về một chỗ”, nhưng trong báo cáo của Chính phủ về nợ xấu không tính những khoản nợ đã được VAMC mua về nên tỷ lệ nợ xấu giảm”- ông Giàu nêu.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đặt câu hỏi: “VAMC mua nợ xấu có phải chỉ để tạo cho ngân hàng một bộ mặt “sạch ảo”, tạo ra những khoản nợ xấu mới?”.

Từ đó ông Bình đưa ra dẫn chứng thực tế xử lý các vụ việc liên quan đến các khoản thế chấp. Nợ xấu đang là vấn đề của nền kinh tế; nhưng việc giải quyết nợ xấu chưa triệt để, mà chỉ “lấy chỗ này gom vào chỗ kia”- ông Bình nêu.

Xã hội không lành mạnh, phát triển sẽ không có ý nghĩa

Thẳng thắn chỉ ra an toàn xã hội đang có nhiều vấn đề, tội phạm xã hội tăng cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) dẫn ra một loạt các vụ thảm sát tại nhiều địa phương khác nhau, mà nguyên nhân có yếu tố xã hội như: thù ghét nhau, mâu thuẫn cá nhân.

“Điều đó cho thấy vấn đề liệu đạo đức xã hội và phòng ngừa xã hội có đi vào thực chất hay không? Gần 90% tội phạm có liên quan đến các vấn đề xã hội nên cần xem xét đạo đức xã hội. Ra đường là đánh nhau, va chạm nhỏ rồi chống người thi hành công vụ, đó là do đạo đức xã hội chưa được quan tâm”- ông Thực phân tích.

Chính vì vậy mà theo ông, trong xây dựng luật phải siết chặt chứ đừng nới lỏng. Phải cương quyết đấu tranh chống tội phạm để nhân dân yên tâm, đó mới là sự ưu việt chứ không phải “thả anh này, tha anh kia”. Tất cả phải vì số đông, dân chủ với số đông và nghiêm khắc với tội phạm, không thể để tội phạm chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng làm nguy hại đến người dân là số đông.

Dẫn chứng có quá nhiều lễ hội, cắt băng khánh thành, khởi công tiêu tốn tiền của, ông Thực ngán ngẩm khi “năm nào cũng chỉ đạo tiết kiệm nhưng toàn phình ra”. Cần thắt chặt lại thì kinh tế- xã hội mới đảm bảo và phát triển tốt hơn- ông Thực đề nghị.

Cần tăng lương theo lộ trình

ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM) cho rằng, đúng là kinh tế khó khăn nhưng Chính phủ cần xem lại việc tăng lương theo lộ trình. Bởi theo ông Minh, tăng lương ở đây không phải giải quyết vấn đề kinh tế mà là đời sống.

Ông Minh phân tích: Từ năm 2014 đến nay lương không tăng, trong khi những cái khác tăng thì người lao động sống bằng gì? Dù khó khăn nhưng phải tăng lương theo lộ trình, chúng ta đã dừng tăng lương trong 2014-2015, nên năm 2016 phải tăng.

“Sáng nay thấy báo chí nói nhiều đến tăng học phí. Sắp tới tăng phí, lệ phí, ví như giáo dục, y tế, đưa vào giá, vì vậy cần phải đặt ra vấn đề này. Cũng cần thiết giảm một số phần chi khác để đảm bảo điều chỉnh lương theo lộ trình. Năm nay theo dự kiến của Chính phủ bố trí cắt 10% chi thường xuyên của các Bộ. Như vậy là cắt 30%, kể từ năm 2011.

“Có những đơn vị phải cắt nhưng những đơn vị đặc thù, như chăm sóc sức khỏe, giáo dục thì phải đảm bảo. Phải tính toán lại bài toán kinh tế, chiến lược”- ông Minh bày tỏ.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cũng đề nghị, tăng trưởng kinh tế nhưng cũng cần phải giải quyết các vấn đề xã hội, như lao động, việc làm. Sinh viên học xong nếu không có việc làm thì học làm gì?- ông Kim băn khoăn đặt vấn đề.

Theo ông Kim, hiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi Bộ trưởng Tài chính nói nếu nợ công không vượt quá 60% thì an toàn; nhưng hiện đã quá 60% rồi khiến dư luận bức xúc. Hay như đầu tư công không có trọng tâm, trọng điểm, tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp, nảy sinh nhiều vấn đề làm “hư hỏng cán bộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Nội lực hay FDI?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO