Các tư lệnh ngành nhận trách nhiệm

M.Loan- H. Vũ 01/11/2018 08:00

Ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục phần chất vấn và trả lời chất vấn. Các tư lệnh ngành đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện của ngành mình, đồng thời đề ra các giải pháp để ngăn chặn không tái diễn.

Các tư lệnh ngành nhận trách nhiệm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng: ODA là nguồn ngân sách nhà nước, Quy trình thực hiện rất phức tạp vì bên cạnh quy trình trong nước phải thực hiện yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài.

Chỉ 100 dự án, nhà nước mất khoảng 50-100 triệu USD/năm vì thủ tục

“Nếu mỗi dự án có kinh phí trung bình là 1-2 triệu USD, chỉ với 100 dự án thì nhà nước đã mất khoảng 50-100 triệu USD/năm vì thủ tục, Bộ trưởng bình luận như thế nào về ý kiến này?”- ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề, đồng thời bày tỏ những băn khoăn về chi phí cơ hội do thủ tục đầu tư đặt ra trong bối cảnh ngân sách khó khăn nên vốn ODA càng quý hơn.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Về nguyên tắc, ODA là nguồn ngân sách nhà nước nên việc sử dụng phải đảm bảo hiệu quả và phải nằm trong trần nợ công, bội chi, nợ Chính phủ được Quốc hội cho phép. Quy trình thủ tục được thiết kế hết sức chặt chẽ, bên cạnh quy trình trong nước phải thực hiện yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài.

“Thời gian chuẩn bị dự án, không phải chỉ 6 tháng mà trung bình khoảng 2-3 năm, có dự án lớn, phức tạp phải 5 năm mới xong. Chúng ta chuẩn bị dự án càng kỹ càng tốt, chất lượng càng cao thì khi triển khai thực hiện thì càng nhanh, càng hiệu quả, không làm phát sinh chi phí. Nếu chuẩn bị dự án không tốt, chi phí đó sẽ phát sinh”- Bộ trưởng Dũng phân trần.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận: “Các bộ ngành, cơ quan tham gia xử lý chưa nhanh, thiếu nhất quán, còn chung chung nên khi tổng hợp báo cáo Thủ tướng còn mất nhiều thời gian, Bộ cam kết sẽ rà soát, đôn đốc để giải quyết thủ tục minh bạch, nhanh hơn”.

Tranh luận lại, ĐB Thuý cho rằng, có những điều luật pháp không quy định nhưng văn bản dưới luật lại tạo ra rào cản. Do đó bộ cần đánh giá xem quy trình thủ tục như vậy trung bình hết bao nhiêu thời gian ở các cấp, gây tốn kém, thất thoát cho Nhà nước bao nhiêu?

Trong khi đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, tại kỳ họp thứ 5 cá nhân ông đã nêu ra vấn đề 400 tỷ đồng vốn vay ODA Hàn Quốc ở nhà máy xử lý rác ở Đồ Sơn không hiệu quả. “Hải Phòng đã è cổ trả nợ 200 tỷ rồi, còn 200 tỷ đồng. Tại sao Bộ trưởng nói chúng ta làm thủ tục chặt chẽ như thế mà vốn vẫn không hiệu quả”? - ông Nhưỡng đặt vấn đề.

Trước vấn đề trên, theo giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện Bộ đã trình Chính phủ về định hướng thu hút ODA, sẽ lựa chọn các doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện để tham gia vào lĩnh vực này trong thời gian tới. Do đó rất cần phải công khai minh bạch thông tin, sự phối hợp giữa các bộ ngành để nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn ODA trong thời gian tới.

Các tư lệnh ngành nhận trách nhiệm - 1

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng): Chỉ với 100 dự án thì Nhà nước đã mất khoảng 50-100 triệu USD/năm vì thủ tục, Bộ trưởng bình luận như thế nào về ý kiến này?.

Trách nhiệm cơ quan quản lý khi ban hành văn bản lỗi

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho rằng, Dự thảo Thông tư ban hành quy chế công tác học sinh sinh viên có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục. Nhiều cử tri nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy giáo dục hiện nay. Vậy trách nhiệm quản lý ở đâu khi thường xuyên nêu quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm song rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để duy trì sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay?

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, quy định trong các văn bản về thông tư trong ngành Giáo dục là rất nhiều và Bộ đang rà soát các văn bản, trong đó có thông tư từ nhiều năm về đây. Quá trình rà soát, thấy có quy định liên quan đến xử lý vấn đề học sinh sinh viên bán dâm. “Quy định về xử lý hành vi bán dâm với học sinh sinh viên được quy định từ năm 2007 trong quy chế học sinh, sinh viên. Sau đó đầu năm 2016 tiếp tục đưa vào Thông tư. Như vậy thực tế, quy định này đã có. Khi rà soát, chúng tôi đã đề nghị tất cả nội dung không còn phù hợp thì phải bỏ, trong đó, có nội dung này” - ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng khi tiến hành sửa, Ban soạn thảo, đặc biệt, cán bộ, cá nhân thực hiện việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém. Quan điểm của tôi với tư cách Bộ trưởng là không cần phải đưa những nội dung này vào trong thông tư nữa.

Ngay sau phần trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội và đề nghị những quy định nào không phù hợp, phản cảm, gây bức xúc xã hội phải sửa ngay.

Chưa hài lòng, ĐB Hiền tranh luận và cho rằng, “ngành Giáo dục đang mang lại những năng lượng tiêu cực” khi bà hỏi về vai trò trách nhiệm của Bộ trưởng là người đứng đầu khi ban hành Dự thảo Thông tư nhưng không thấy trả lời và Bộ trưởng khi trả lời lại nói trách nhiệm cá nhân khác. Bà Hiền đặt vấn đề: “Bộ trưởng cần nhìn thẳng vào sự thật vấn đề, không tránh né để có giải pháp tích cực hơn cho ngành trong thời gian tới”.

Tranh luận với ĐB Hiền, ĐB Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) nêu quan điểm, những người có mặt ở đây đều là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam. Do đó bên cạnh hạn chế cần có cái nhìn khách quan, toàn diện vì cùng với xu thế phát triển chung của đất nước, chất lượng giáo dục của Việt Nam không ngừng nâng cao. Mặt bằng, trình độ dân trí tăng lên, năng suất lao động được cải thiện và Việt Nam có khả năng hội nhập tốt với thế giới. Do đó các ý kiến góp ý cần mang tính xây dựng bởi có thể tác động đến dư luận xã hội, có cái nhìn bi quan, thiếu tích cực về ngành Giáo dục, và có thể làm tổn thương hàng triệu nhà giáo, tạo ra hoài nghi của phụ huynh, học sinh đối với ngành Giáo dục nước nhà.

“Chúng ta cũng không nên lấy một vụ việc cụ thể để phủ nhận tất cả những sự nỗ lực và thành tích của một ngành, một đơn vị, một địa phương. Tất nhiên là ý kiến của đại biểu Hiền có thể đứng ở góc độ khác, đại biểu Thanh Xuân có thể phân tích góc độ khác, đó là quyền của đại biểu, nhưng chúng ta có một đánh giá khách quan sẽ tạo dư luận đúng đắn và tốt hơn cho xã hội” - Chủ tịch Quốc hội chốt lại phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

* Khắc phục nhiều đoàn thanh, kiểm tra cùng một thời điểm
Trả lời ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) về giải pháp nào để khắc phục nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đến thanh tra cùng một thời điểm tại các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Thanh tra nhà nước hoạt động theo Luật Thanh tra, trong đó có Thanh tra Chính phủ, thanh tra của các bộ ngành, địa phương. Còn thanh tra ngoài nhà nước là Kiểm toán Nhà nước. Cho nên có 1 số đối tượng bị thanh tra có thể trùng với Kiểm toán Nhà nước.

Trong Luật có Điều 16 giao cho Thanh tra Chính phủ xử lý những chồng chéo trong hệ thống thanh tra nhà nước. Hàng năm có định hướng thanh tra toàn hệ thống thanh tra và các tỉnh để chọn đối tượng thanh tra cụ thể, trên cơ sở đó các bộ ngành tự xử lý, thỏa thuận với nhau. Nếu các bộ, ngành không xử lý được lúc đó Thanh tra Chính phủ mới vào xử lý để tránh chồng chéo, trùng lắp. Việc thanh tra nhiều lần cũng sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động và nguồn lực cho nên cần xử lý dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các tư lệnh ngành nhận trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO