Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn

H.Vũ 26/10/2019 08:04

Ngày 25/10, Quốc hội cho ý kiến vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) phát biểu tại Hội trường ngày 25/10. (Ảnh: Quang Vinh).

Giao quyền chủ động cho cấp cơ sở

Nhiều ĐB đã tập trung cho ý kiến về việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính. Liên quan đến vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm: Việc giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện vừa bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của trung ương, vừa tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các địa phương căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể và yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế-xã hội đặc thù của địa phương, chủ động quyết định thành lập tổ chức trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Do đó, việc sửa đổi quy định tại Khoản 3 Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ là cần thiết, không chỉ trao thẩm quyền cho Chính phủ mà còn tạo cơ sở pháp lý để phân cấp, trao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn và số lượng biên chế tối thiểu giữa các cơ quan chuyên môn theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực sẽ giúp thu gọn đầu mối hiệu quả. Việc giao Chính phủ quy định sẽ phát huy được tính năng động của các cơ quan trong bố trí cán bộ.

Theo ông Hải, trong phân cấp, phân quyền, ủy quyền cần làm rõ các nguyên tắc, tiêu chí của việc phân cấp phân quyền trong Luật làm cơ sở để các luật chuyên ngành quy định rõ hơn. Đồng thời gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền phân cấp đảm bảo điều kiện về tài chính nguồn lực cho địa phương. Để tránh phân cấp, phân quyền tràn lan, ông Hải nhìn nhận cần quy định cụ thể quyền hạn cái nào của địa phương? Cái nào của trung ương? Tránh nói chung chung.

“Không thể quy định những việc nào cần phân cấp do đó nên quy định những việc không phân cấp”- ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) nêu quan điểm. Từ đó ông Sơn cho rằng, những phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Chính phủ chủ động phân cấp cho địa phương, phân cấp cho đơn vị dịch vụ công. Có nhiều việc quản lý nhà nước có thể phân cấp cho đơn vị dịch vụ công thực hiện nhiệm vụ này.

Theo ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), trong những năm qua sự phàn nàn, kêu than của cấp cơ sở cũng như người dân và doanh nghiệp trong thanh tra, kiểm tra, hay thủ tục rườm rà có nguyên nhân của việc phân cấp phân quyền chưa được đẩy mạnh, hoặc đã phân cấp, phân quyền nhưng văn bản dưới luật chưa quy định. Do đó cái gì cũng phải báo cáo xin ý kiến, xin chủ trương, sinh ra nhiều cấp trung gian và đây là cấp “hành cấp dưới” khi đề ra nhiều quy định rườm rà là nguyên nhân của lãng phí, rào cản của phát triển. Trên cơ sở đó, ông Diến đề nghị Luật quy định giao cho Chính phủ quy định tổ chức đơn vị bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cũng như các đơn vị bên trong thuộc UBND cấp tỉnh.

Nên hợp nhất Văn phòng đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND

Nhiều ý kiến cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương nhằm thực hiện chủ trương hợp nhất Văn phòng đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND và văn phòng UBND.

ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng: Xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta bao gồm hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, có tính thống nhất nhưng cũng có tính độc lập. Do đó các văn phòng tham mưu giúp việc cho hệ thống các cơ quan này cũng cần phải có độc lập rõ ràng, không thể vừa tham mưu, vừa ban hành chính sách lại tham mưu cả việc tiến hành giám sát thực hiện các chính sách đó, vô hình trung không đảm bảo tính khách quan. Do đó hợp nhất Văn phòng HĐND và Văn phòng đoàn ĐBQH sẽ hợp lý hơn. Riêng văn phòng UBND tỉnh có chức năng nhiệm vụ giúp việc cho khối hành pháp nên để độc lập, không nên hợp nhất 3 văn phòng này lại với nhau.

Cùng chung quan điểm, theo ông Nguyễn Thanh Hải, nên hợp nhất Văn phòng đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh, còn giữ nguyên Văn phòng UBND cấp tỉnh. Lý giải cho quan điểm trên ông Hải đưa ra phân tích: Trên thực tế 12 địa phương đã tổ chức hợp nhất 3 văn phòng nhưng việc sáp nhập chỉ mang tính cơ học, chưa thấy hiệu quả của việc sáp nhập các văn phòng. Nguyên nhân là do tính chất đặc thù của các cơ quan khác nhau, Văn phòng đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND là cơ quan dân cử có cùng tính chất phương thức hoạt động, trong khi đó UBND là cơ quan hành chính nhà nước mang tính chất hoạt động khác hẳn với 2 văn phòng trên. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá, tổng kết việc thí điểm trước khi quyết định.

Theo ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), trong thực hiện bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương nhằm thực hiện chủ trương hợp nhất Văn phòng đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND và văn phòng UBND thì nên giữ nguyên như hiện nay nếu sáp nhập cơ học sẽ không hiệu quả, chồng chéo chức năng nhiệm vụ. Nếu phải hợp nhất thành 1 văn phòng nên chăng lập thành văn phòng chính quyền địa phương để có 1 bộ máy giúp việc chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO