Có nên cho phạm nhân lao động ngoài trại giam?

H.Vũ 19/11/2018 23:00

Ngày 19/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên chiều 19/11, Quốc hội đã gửi phiếu để xin ý kiến ĐBQH và sẽ đưa ra quyết định vào sáng nay (20/11).

Có nên cho phạm nhân lao động ngoài trại giam?

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quang Vinh.

Hướng tới trại giam thân thiện

ĐB Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, về cải tạo người không giam giữ, Luật mới giao cho chính quyền ở xã, phương thị trấn mà không giao cho đơn vị nơi làm việc, nơi học tập, nơi công tác của người bị cải tạo không giam giữ. Cho nên cần bổ sung giám sát tại nơi người đó làm việc, học tập, nơi công tác. Bên cạnh đó, cần kết hợp trừng trị và giáo dục đào tạo. Bởi người bị giam giữ chỉ bị hạn chế một số quyền, còn họ vẫn có quyền công dân. Vì vậy cần xem xét bổ sung thêm nguyên tắc hướng tới trại giam thân thiện, theo đó tại trại giam người bị giam giữ được giao lưu, trò chuyện và được nghe tin tức thời sự chính trị.

Theo ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định), lao động và dạy nghề ngoài trại giam cho phạm nhân là việc quan trọng, lao động không phải hình phạt mà giúp phạm nhân nhận ra lỗi lầm của mình có nghề nghiệp sau khi mãn hạn tù để họ ra tù có thể hòa nhập cộng đồng, lao động và sống bằng nghề để nuôi sống bản thân, gia đình. Tuy nhiên, thời gian qua phạm nhân mới chỉ lao động trong trại giam, và lao động chủ yếu là gia công các sản phẩm thủ công, có giá trị thấp. Do đó việc cho phạm nhân lao động sản xuất ngoài trại giam sẽ giúp họ cải thiện cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho trại giam, có công việc sau khi mãn hạn tù. Song theo bà Hoa, không nên áp dụng đại trà mà chỉ áp dụng đối với người sắp mãn hạn tù, thực hiện tốt quy chế trại giam, có ý thức cải tạo tốt, còn trẻ, có sức lao động và chỉ áp dụng ở những nơi có khả năng thực hiện. Những phạm nhân mà ý thức cải tạo không tốt, mắc các tội nghiêm trọng như giết người, mua bán ma túy thì không đưa ra ngoài trại giam để lao động.

Đề cập đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định trại giam phối hợp với doanh nghiệp cho phạm nhân lao động là quy định mới nhằm huy động các nguồn lực xã hội, tạo công ăn việc làm cho phạm nhân, mở rộng quyền tự do cho phạm nhân cũng như giúp phạm phân sau khi ra tù có thể có được việc làm, ký được hợp đồng lao động với doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay còn ý kiến cho rằng việc đưa phạm nhân đi lao động phải được sự đồng ý của phạm nhân mới tuân theo quy ước lao động của ILO. Ông Chính cho rằng, việc lao động cũng là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ. Do vậy việc phối hợp với doanh nghiệp để phạm nhân lao động không nhất thiết phải được sự đồng ý của phạm nhân.

Tuy nhiên, không đồng tình với việc cho phép phạm nhân lao động ở ngoài trại giam, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị cần cân nhắc quy định trên và cần quy định giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định để đảm bảo căn cứ, điều kiện cụ thể để mang tính khả thi. “Ngay phối hợp với doanh nghiệp cho phạm nhân lao động cũng chưa rõ ràng, vậy ai là người chịu trách nhiệm khi phạm nhân bỏ trốn? Cho nên cần cân nhắc quy định cụ thể, rõ ràng hơn”- ông Tạo đặt vấn đề.

Theo ĐB Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng), qua tiếp xúc cử tri thấy rằng có nhiều vấn đề và xem xét thấy nên chăng thông qua Luật trong 3 kỳ họp. Ông Sơn cho rằng, Luật có quy định hoãn, tạm đình chỉ thi hành án hình phạt tù nhưng chưa quy định rõ cụ thể nên dễ dẫn đến những khoảng trống. Vì luật chưa quy định trường hợp chuyển đến nơi cư trú khác thì quản lý, giám sát thế nào? Các ĐB Bùi Quốc Phòng (đoàn Thái Bình); Vương Ngọc Hà (đoàn Hà Giang); Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) và Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cũng thống nhất quan điểm với ĐB Sơn.

Không nên quy định trẻ em dưới 36 tháng tuổi được theo bố, mẹ vào trại giam

ĐB Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, tại Khoản 3 Điều 50 của Dự thảo Luật quy định chế độ ăn, mặc trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Theo đó, trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng bố, mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ được hưởng chế độ ăn như đối với bố, mẹ; ngày 1 tháng 6, Tết Trung thu được hưởng chế độ ăn gấp 2 lần ngày thường; mỗi năm được cấp 2 khăn mặt, 2 kg xà phòng, 2 bộ quần áo bằng vải thường. Cũng tại Điều 54 quy định khi các em mắc bệnh thông thường thì có thể khám tại bệnh xá, tiền thuốc chữa bệnh cho trẻ em tương đương 4kg gạo/người/tháng.

Tuy nhiên, ông Hiển nhìn nhận, cách tiếp cận này của Dự thảo Luật chưa phù hợp với nguyên tắc lợi ích tốt nhất cho trẻ em, chưa phù hợp với quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm trẻ em. “Theo tôi nhóm trẻ em này không phải là người chấp hành án, mặt khác đây là những trẻ em tuổi còn rất nhỏ, có hoàn cảnh rất đáng thương, rất đặc biệt”- ông Hiển nói, đồng thời cho rằng, Luật Trẻ em hiện nay chưa xếp các em này là diện hoàn cảnh đặc biệt, do vậy những trẻ em này cần được sự quan tâm đặc biệt, ít nhất là đảm bảo theo đúng quy định của Luật Trẻ em.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cũng cho rằng, quy định con dưới 36 tháng tuổi được theo bố vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là quy định cần phải cân nhắc. Bởi Bộ luật Hình sự chỉ quy định cho phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được tạm hoãn thi hành án; còn trong Luật Hôn nhân và gia đình quy định, khi vợ chồng ly hôn về nguyên tắc người mẹ được nuôi con dưới 36 tháng tuổi. “Vì vậy tôi không tán thành việc bổ sung quy định trẻ em dưới 36 tháng tuổi được theo bố vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Vì quy định này không phải vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Việc giải quyết vấn đề này theo nguyên tắc quyền bình đẳng giới giữa nam phạm nhân và nữ phạm nhân là phản cảm. Ở đây phải thấy vấn đề là quyền trẻ em, lợi ích của trẻ em, môi trường giam giữ chưa bao giờ là môi trường thân thiện đối với trẻ em” - ông Cường nói.

Chiều 19/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Trước đó, Quốc hội đã thông qua Luật Đặc xá sửa đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên cho phạm nhân lao động ngoài trại giam?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO