Giám sát sự chuyển động của các tư lệnh ngành

H.Vũ (thực hiện) 27/11/2018 07:30

Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Nhưng làm sao để các tư lệnh ngành phải chuyển động, vươn lên sau lấy phiếu là vấn đề cần được đặt ra.

Giám sát sự chuyển động của các tư lệnh ngành

Ông Bùi Văn Xuyền.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Quốc hội, các ĐBQH, người dân cần tăng cường giám sát hoạt động của các tư lệnh ngành trong thời gian tới.

PV: Thưa ông, vừa qua Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Vậy làm sao để qua đợt lấy phiếu này, các tư lệnh ngành phải có sự thay đổi?

Ông Bùi Văn Xuyền: Trước đây lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong 1 nhiệm kỳ vào giữa và cuối nhiệm kỳ nhưng bây giờ chỉ lấy 1 lần. Lấy 1 lần có thuận lợi là giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt các gánh nặng với các bộ trưởng, trưởng ngành. Sau khi lấy phiếu xong bây giờ các bộ trưởng, trưởng ngành có số phiếu thấp phải cải thiện được tình hình trong bộ. Ngoài các quy định luật pháp hiện nay, tôi cho rằng cần có sự giám sát của ĐBQH, giám sát của nhân dân, xã hội đánh giá về hoạt động của các bộ trưởng, trưởng ngành.

Qua lấy phiếu, các bộ trưởng, trưởng ngành cũng đã nhận thức được vấn đề để có sự chuyển biến theo chương trình, trách nhiệm hàng năm, cuối năm và hết nhiệm kỳ. Giữa nhiệm kỳ chúng ta đã sơ kết lại toàn bộ hoạt động gắn với trách nhiệm của các bộ trưởng trong việc đánh giá, rồi giám sát của Quốc hội, giám sát của từng ĐBQH trong giám sát chuyên đề, giám sát lời hứa của bộ trưởng xem thực hiện đến đâu. Trên cơ sở yêu cầu của ĐBQH, cử tri thì Chính phủ, các trưởng ngành phải xây dựng được lộ trình để khắc phục những tồn tại, hạn chế để hoàn thành chỉ tiêu, yêu cầu mà lộ trình đã đặt ra. Để đánh giá được sự chuyển biến, cuối nhiệm kỳ cần phải có các cuộc đánh giá lại việc thực hiện những lộ trình đã đặt ra.

Mỗi Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm giám sát hoạt động của các bộ, ngành mà mình phụ trách. Như vậy ở góc độ giám sát, các Ủy ban của Quốc hội cũng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy các bộ trưởng, trưởng ngành chuyển động thông qua việc tăng cường các cuộc giám sát chuyên đề, thưa ông?

- Thủ tướng Chính phủ đã nhận thấy yếu kém của từng bộ, từng ngành để xây dựng lộ trình hành động, tổ chức thực hiện,lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy hoạt động lên. Các Phó Thủ tướng phụ trách các mảng cũng phải theo dõi đôn đốc các bộ, ngành và phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội thì mới đạt được hiệu quả. Vừa qua khi lấy phiếu không có bộ trưởng nào có phiếu quá thấp dưới 50%, vì nếu dưới 50% phải nghĩ đến chuyện từ chức. ĐBQH phải theo đuổi những vấn đề mà mình chất vấn, hay vấn đề cử tri đang kiến nghị để xem các bộ, ngành thực hiện như thế nào, để từ đó tiếp tục theo bám, đôn đốc. Giám sát theo chuyên đề phải đưa ra được các lộ trình biện pháp, và thời gian để khắc phục tồn tại hạn chế. Mỗi cuộc giám sát đều có báo cáo đánh giá rõ ràng, các Ủy ban, ĐBQH được giao nhiệm vụ cũng phải bám và theo dõi xem chuyển biến của các lĩnh vực đó như thế nào? Có khắc phục được không? Điều đó nằm ở hai phía là Chính phủ và Quốc hội, nhưng bản thân các bộ trưởng cũng phải có chương trình hành động sát thực tiễn và quyết liệt, thể hiện tinh thần quyết tâm cao mới khắc phục được.

Có nhiều vấn đề mà Báo cáo kiến nghị cử tri được Mặt trận tổng hợp gửi đến tại các kỳ họp vẫn lặp đi lặp lại nhiều nội dung chưa được giải quyết, vậy theo ông có xử lý được trách nhiệm của các tư lệnh ngành hay không? Và đó có nên là một trong những căn cứ để đánh giá các tư lệnh ngành trong chuyển động hay không?

- Nhiều vụ việc được cử tri đề cập đến nhiều lần ví như khai thác cát sỏi trái phép trên các lòng sông. Đây là vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước, không thể thoái thác cho ai được. Nhưng lại không rõ ràng, đổ lỗi cho nhau như việc địa phương đổ cho ngành, ngành lại đổ cho địa phương, trong khi đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người đứng đầu các cơ quan có liên quan. Vướng ở đâu phải có biện pháp xử lý đến đó, không thể để tình trạng đổ đồng cho nhau.

Giống như trước đây, vấn đề an toàn thực phẩm, khi trả lời chất vấn liên quan đến 3-4 bộ mà không biết là bộ nào. Trong khai thác cát sỏi có tình trạng trung ương cấp phép, địa phương quản lý song các cơ quan chức năng làm chưa hết trách nhiệm. Nếu người đứng đầu nghiêm thì sẽ xử lý được tình trạng này ngay, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “không làm được thì đứng sang một bên để người khác làm”. Tôi cho rằng, quan trọng là xử lý trách nhiệm không đến nơi đến chốn, nể nang, không rõ ràng nên cứ lặp đi lặp lại. Đó là do xử lý không nghiêm. Bây giờ làm rành mạch, rõ ràng trách nhiệm thì mọi chuyện sẽ tiến triển ngay.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát sự chuyển động của các tư lệnh ngành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO