Kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

M.Loan - H.Vũ 06/06/2018 22:26

Chiều 6/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 3 ngày của kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV. Nhiều vấn đề được cử tri, nhân dân cả nước và ĐBQH quan tâm đã được Phó Thủ tướng giải đáp.

Kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu trước Quốc hội chiều 6/6, khép lại 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Vinh.

Chất vấn Phó Thủ tướng, đại biểu (ĐB) Mùa A Vàng (đoàn Điện Biên) cho rằng, thời gian qua cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ sản xuất thuốc giả thuốc kém chất lượng vậy giải pháp của Chính phủ là gì?

Trả lời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tỷ lệ thuốc giả và kém chất lượng trên thế giới trung bình là 10%, còn Việt Nam 2,1%. Tuy nhiên thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt là thuốc ung thư giả. Trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm, riêng vụ này đã tiến hành khởi tố và bắt giam. Chính phủ chỉ đạo đấu thầu thuốc tập trung tại Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. “Đấu thầu thuốc có tác dụng quản lý được chất lượng dựa trên hồ sơ mời thầu minh bạch, và giảm giá thuốc. Vừa qua nhờ đấu thầu đã giảm 15-20% chi phí, còn thuốc biệt dược cũng giảm 13-14%. Đối với các cửa hàng bán thuốc cần tăng cường quản lý chất lượng và quy trình bán thuốc, kê đơn tại các hiệu thuốc. Thủ tướng đã chỉ đạo thí điểm kết nối công nghệ thông tin các cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc để kiểm soát tại 3 tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên. Sau đánh giá sơ bộ diễn ra vào tháng 6 này, sẽ triển khai áp dụng trên toàn quốc. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác chống buôn lậu. Bởi riêng mặt hàng thuốc phải đảm bảo chất lượng và giảm giá thuốc khi mặt bằng đời sống người dân đang còn khó khăn”- Phó Thủ tướng cho hay.

ĐB Giàng A Chu (đoàn Yên Bái) nêu vấn đề: Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN có những chỉ đạo quyết liệt tăng thêm niềm tin của người dân. Vậy quyết tâm của Chính phủ trong thời gian tới như thế nào?

Cho rằng, công cuộc đấu tranh PCTN trong năm qua đạt kết quả to lớn được cử tri cả nước ủng hộ, ngay dư luận quốc tế cũng đánh giá cao, Phó Thủ tướng cho biết, khi đi dự Hội nghị quốc tế Davos, nhiều nước hỏi chống tham nhũng như vậy có ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh hay không? Cá nhân ông đã dứt khoát trả lời là không! Và theo Phó Thủ tướng, vừa qua chúng ta đã thắng lợi cả về kinh tế và PCTN. Đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng nghiêm khắc xử lý các sai phạm trong các lĩnh vực: công tác cán bộ, hải quan, cổ phần hóa, đất đai. Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc và kết quả đã báo cáo Quốc hội. Bộ Công an điều tra khởi tố kịp thời, nhất là các vụ án tham nhũng về kinh tế. “Thời gian tới, Chính phủ nghiêm túc chấp hành nghiêm chương trình của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN do Tổng Bí thư đứng đầu. Rồi kết hợp với giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của các cơ quan tư pháp để đẩy mạnh đấu tranh PCTN”- Phó Thủ tướng cho biết.

“Thời gian qua xảy ra vụ cà phê pin, hồ tiêu nên ảnh hưởng nhiều đến thương hiệu của 2 loại hàng này trong xuất khẩu. Vậy giải pháp nào để bảo vệ thương hiệu cà phê, hồ tiêu và hàng hóa của Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới?”- ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đặt vấn đề.

Trả lời, Phó Thủ tướng cho rằng, vụ cà phê pin qua báo cáo của Bộ Công an cho thấy, thực chất là trộn pin với vỏ cà phê để trộn vào hồ tiêu, chứ không phải để pha chế cà phê. Bộ Công an đã nhanh chóng điều tra kịp thời ngăn chặn. Khi báo chí nêu đã tác động đến thương hiệu cà phê và hồ tiêu của chúng ta. Nhưng dù trộn vào cà phê hay hồ tiêu đều không được- Phó Thủ tướng quả quyết.

Trả lời về biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, có chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm chủ lực của Việt Nam, hoàn thiện văn bản pháp luật, sớm xây dựng quy chuẩn tiêu chuẩn với từng ngành hàng, đồng thời đẩy mạnh an toàn vệ sinh thực phẩm và hiện đang giao cho 3 bộ: Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương.

Kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng - 1

ĐB Vũ Thị Lưu Mai: Tuổi trẻ đang khao khát có việc làm nhưng tới đây chúng ta sẽ tăng tuổi nghỉ hưu. Vậy có làm giảm cơ hội việc làm của người trẻ hay không?

Tăng lương không ảnh hưởng tới trần nợ công

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) hỏi: Tuổi trẻ đang khao khát có việc làm nhưng tới đây chúng ta sẽ tăng tuổi nghỉ hưu. Vậy có làm giảm cơ hội việc làm của người trẻ hay không?

Trả lời, Phó Thủ tướng cho rằng, việc tuổi nghỉ hưu đụng chạm tới hàng chục triệu người. Vấn đề này phải giải quyết chặt chẽ để không tạo cú sốc cho thị trường lao động, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cũng phải dựa vào tăng trưởng của nền kinh tế và vấn đề việc làm. Nếu tăng tuổi mà không tạo thêm được việc làm mới thì không được, chưa kể cơ cấu ngành nghề, già hóa dân số. Các nước đã tăng tuổi lao động nhưng 60 năm nay chúng ta chưa tăng tuổi, chưa kể vấn đề bình đẳng giới khi giữa nam - nữ chênh nhau quá xa đến 5 tuổi, bên cạnh đó còn phải và đảm bảo cân đối dài hạn Quỹ BHXH. Trung ương đã quyết định năm 2021 sẽ thực hiện theo lộ trình, thận trọng và phù hợp để đảm bảo tuổi nghỉ hưu theo xu hướng chung. Sau này sửa Bộ luật Lao động thì Quốc hội sẽ quyết định. Từ năm 2021, mỗi năm chỉ tăng thêm mấy tháng, như vậy còn lâu mới tăng đủ tuổi.

Trả lời vấn đề ĐB Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) đặt ra: Lấy nguồn ở đâu để tăng lương và việc tăng có ảnh hưởng đến trần nợ công hay không? Theo Phó Thủ tướng, dư luận rất phấn khởi khi Trung ương ban hành Đề án Cải cách tiền lương. Về vấn đề lấy đâu ra nguồn để tăng lương và ảnh hưởng đến các chỉ tiêu hay không? Theo Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Cải cách tiền lương đã cân nhắc và báo cáo Bộ Chính trị. Phó Thủ tướng cho biết, trong Đề án, thì tăng lương là cốt lõi cho nên sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Phải xác định được vị trí việc làm để thiết kế lương theo vị trí chức danh và chức vụ lãnh đạo; tinh giản biên chế để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước; rồi những đột phá về tài chính, phát triển sản xuất để tăng thu, chống thất thu thuế, và tiết kiệm 10% chi thường xuyên, dành phần tăng thu của địa phương để dành cho tăng lương. “Trong quá trình cân đối Chính phủ đã tính toán các phương án nhưng vẫn đảm bảo trần nợ công và bội chi, kiểm soát chỉ số lạm phát. Nếu tăng lương gắn với tăng năng suất lao động, giảm biên chế thì tác động lên CPI là không lớn”- Phó Thủ tướng khẳng định.

Lạm phát sẽ dưới 4%

ĐB Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) cho rằng năm 2017 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp dần cuối năm nhưng tháng 5-2018 lại tăng trở lại; CPI bình quân tăng 0,55% so với năm trước. Cử tri lo lắng khả năng lạm phát tăng cao trong năm 2018, Chính phủ có giải pháp gì?

Theo Phó Thủ tướng, vừa qua giá xăng dầu thế giới có lúc lên tới 88 USD một thùng, tăng 25-30%; giá thịt lợn hơi cũng tăng trở lại. Riêng nhóm thực phẩm làm CPI tăng 0,25%; điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thế giới 2 lần cũng đã tác động tới chỉ số giá tiêu dùng 0,16%. Tổng cộng xăng dầu, thịt lợn hơi đã tác động CPI tăng 0,45%. Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan quản lý sử dụng Quỹ bình ổn giá để kìm giữ giá xăng dầu, không tăng mạnh như mức tăng giá thế giới. Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm thế giới đã tăng bình quân 25%, nhưng giá xăng trong nước mới điều chỉnh 9,3%.

Cũng theo Phó Thủ tướng, năm 2018 sẽ không tăng giá điện dù áp lực đầu vào tăng giá điện khoảng 4.600 tỷ đồng. Việc điều chỉnh giá dịch vụ công do Nhà nước quản lý ví dụ y tế sẽ chờ tới cuối năm nếu thuận lợi, không thì để sang năm. “Chính phủ cũng chỉ đạo sửa Thông tư 37 giảm 80 loại dịch vụ y tế và tăng đấu thầu giá thuốc, vật tư y tế để giảm giá thuốc. Với nhiều giải pháp đồng bộ, chúng tôi tin CPI năm nay từ 3,72-3,94% là mức cao nhất nếu không có vấn đề đột xuất xảy ra”- Phó Thủ tướng khẳng định.

Đặc khu là đặc biệt nên cán bộ cũng phải đặc biệt

Nói về tiêu chí lựa chọn cán bộ cho 3 đặc khu được ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đề cập đến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đặc khu là đặc biệt cho nên cán bộ cũng phải đặc biệt. Vừa rồi theo quy trình của luật thì chọn Chủ tịch đặc khu là vô cùng quan trọng, dựa trên việc chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, đưa ra HĐND bầu, và Thủ tướng phê chuẩn thì chắc sẽ chọn được người đủ đức đủ tài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO