Làm rõ cơ sở tăng ngân sách khoảng 545 tỷ đồng/năm

H.Vũ 12/04/2019 08:00

Chiều 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên (DBĐV). Dẫu đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành luật song vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn chính là việc việc tăng ngân sách khoảng 545 tỷ đồng/năm cho chế độ, chính sách xây dựng, huy động lực lượng DBĐV.

Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng DBĐV nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV chưa được thể chế, cụ thể hóa. Một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng DBĐV như: Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ. Do đó việc xây dựng Luật Lực lượng DBĐV là hết sức cần thiết.

Thẩm tra Dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Thường trực Ủy ban này nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng DBĐV nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Đồng thời, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV. Việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật quy định, khắc phục những vướng mắc, bất cập và hạn chế sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh Lực lượng DBĐV, cũng như bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật, nhất là các luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh mới được ban hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để lực lượng DBĐV hoạt động hiệu quả, hiệu lực.

Tuy nhiên, vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn đề nghị làm rõ chính là việc phát sinh thêm ngân sách khi thực hiện luật. Theo ông Việt, một số ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể về tác động của các chính sách trong đề nghị xây dựng luật và tác động thủ tục hành chính, trong đó cần làm rõ hơn tác động về kinh tế, xã hội trong huấn luyện dự bị động viên và khi huy động lực lượng DBĐV thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cần báo cáo cụ thể hơn việc tăng ngân sách khoảng 545 tỷ đồng/năm cho chế độ, chính sách xây dựng, huy động lực lượng DBĐV.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Luật không phát sinh thêm chính sách mới nhưng tăng ngân sách khoảng 545 tỷ đồng/năm cho chế độ, chính sách xây dựng, huy động lực lượng DBĐV. Chưa kể số dự phòng quân số từ 10% đến 15%, đã có quân số thì phải có trang thiết bị vũ khí kèm theo như vậy là chính sách mới và có tăng tiền chứ không phải không tăng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc tăng ngân sách hơn 500 tỷ đồng là số tiền không lớn, tuy nhiên chính sách phải phù hợp với chủ trương mới và tương đồng với chính sách các luật chuyên ngành khác, đừng để cái này gây mâu thuẫn với cái kia.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, ban soạn thảo cần rà soát chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Việc có chế độ chính sách đối với lực lượng DBĐV là cần thiết. Tuy nhiên cần làm rõ các quy định về phụ cấp, chi ngân sách để đảm bảo tính khả thi, tương quan giữa các lực lượng. Việc ngân sách tăng thêm hơn 545 tỷ không phải là lớn nhưng cần làm rõ cơ sở tăng thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm rõ cơ sở tăng ngân sách khoảng 545 tỷ đồng/năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO