Phải đơn giản hóa thủ tục hành chính

H. Vũ (ghi) Ảnh: Quang Vinh 12/11/2018 16:49

Ngày 12/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Phát biểu tại tổ về dự án luật trên, Bí thư trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã bày tỏ đồng tình về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại trong thực hiện luật Đầu tư công hiện hành trong thời gian qua.

Đồng thời, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tán thành quy định về thời hạn thi hành từ 1/1/2020 để có căn cứ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đề cập đến 5 yếu tố, điều được Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý chính là việc: Nếu không mạnh dạn "tháo gỡ" kịp thời về cơ chế sẽ khó "mở đường" cho nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Phải đơn giản hóa thủ tục hành chính

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ. (Ảnh: Quang Vinh).

Khắc phục kịp thời sự lúng túng ở cả trung ương và địa phương

Về phạm vi sửa đổi của dự thảo luật, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 hoặc sửa toàn diện theo đề nghị của Chính phủ là vấn đề rất quan trọng, cần cân nhắc thật kỹ.

Bởi lẽ, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Hiện nay, khá nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị giữ phạm vi sửa đổi như đã quy định tại Nghị quyết số 57 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và Kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 27. Theo đó chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công vì những lý do khá thuyết phục.

Nhấn mạnh đến việc cơ bản đồng tình Luật đầu tư công năm 2014 là một bước tiến dài so với thời điểm trước khi có luật. Tuy nhiên, người đứng đầu Mặt trận băn khoăn về những nhóm hạn chế, bất cập của luật hiện hành nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, nếu không mạnh dạn "tháo gỡ" kịp thời về cơ chế sẽ khó "mở đường" cho nhiều vấn đề, nhất là các vấn đề mà các đại biểu từ mấy ngày trước phát biểu tại hội trường là “rất nóng".

“Luật Đầu tư công hiện hành mới có hiệu lực được 3 năm và cho đến ngày 2/12/2016 mới hoàn thành việc ban hành các nghị định, đến ngày 14/12/2017 hoàn thành việc ban hành thông tư hướng dẫn. Như vậy là luật mới chỉ đang bước đầu triển khai trong cuộc sống, chưa đủ độ ngấm và yêu cầu sơ kết, tổng kết, đánh giá toàn diện quá trình triển khai luật để thấy được các bất cập, hạn chế tổng thể, để sửa đổi toàn diện. Mặt dù thời gian qua, về khách quan việc tổ chức thực hiện Luật chưa nghiêm, còn lúng túng ở cả trung ương và địa phương” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đưa ra phân tích. Đồng thời nhấn mạnh đến yếu tố cốt lõi đó là: “Bên cạnh việc tập trung nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả luật hiện hành, cần sớm khắc phục kịp thời sự lúng túng ở cả trung ương và địa phương; phải sớm có sự rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, khách quan, nghiêm túc tập trung nghiên cứu đề xuất và mạnh dạn sửa đổi toàn diện một cách tối ưu nhất những vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay”.

Đẩy mạnh phân cấp, tránh rào cản, phức tạp

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, dự thảo luật còn nhiều thủ tục chưa được đơn giản hóa, thậm chí một số quy trình, thủ tục còn phức tạp như: Quy trình xử lý nguồn vốn ODA; quy trình thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm. Phải giải quyết được câu chuyện đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, tránh những rào cản, phức tạp là yêu cầu với việc sửa lần này. Bên cạnh đó hết sức chú ý về tính đồng bộ với một số luật chuyên ngành. Gần 1/3 điều luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn, trong đó nhiều nội dung quan trọng cần được Chính phủ tối đa luật hóa các điều, khoản trong dự thảo luật, để bảo đảm yêu cầu pháp điển hóa.

Đề cập đến việc phân loại các nguồn vốn đầu tư công và quy trình, thủ tục với từng loại nguồn vốn đầu tư công, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng: Dự thảo cần có quy định, phân loại rõ các nguồn vốn đầu tư công và quy trình, thủ tục phù hợp với từng loại nguồn vốn; bổ sung phân loại dự án đầu tư công; điều chỉnh dự án nhóm A đối với dự án thuộc địa bàn di tích quốc gia đặc biệt, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh. Bổ sung các nhiệm vụ, chương trình, dự án không phải thực hiện quyết định chủ trương đầu tư; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án trong trường hợp làm tăng quy mô, vượt tổng mức đầu tư, thay đổi phân loại dự án; sửa đổi quy định về thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; quy định về thời hạn giải ngân; thời hạn trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn.

* Đánh giá kỹ tác động việc sửa đổi quy định về tiêu chí xác định các dự án quan trọng

Liên quan đến tiêu chí phân loại dự án đầu tư quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, theo người đứng đầu Mặt trận: Cần cân nhắc, đánh giá tác động kỹ việc sửa đổi, các quy định về tiêu chí xác định các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, B, C.
“Về phân cấp thẩm quyền của các cơ quan trong thẩm định nguồn vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án, tôi đề nghị: Cần xem xét kỹ hơn về thẩm quyền của cấp huyện trong quyết định đầu tư; thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân. Chú ý tăng cường hậu kiểm, bỏ thủ tục thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn vào bước quyết định chủ trương đầu tư. Với các dự án khẩn cấp nên quy định tiêu chí, phạm vi, thủ tục sử dụng vốn” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh. Bên cạnh đó lưu ý về thẩm quyền, quy trình lập, phê duyệt và giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; bổ sung quy định Kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần đánh giá nhiều chiều về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm theo danh mục, để cơ sở cần thiết bổ sung quy định này bên cạnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và hàng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải đơn giản hóa thủ tục hành chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO