Quy định quy hoạch xây dựng tỉnh: Căn cứ để địa phương triển khai đầu tư công

M.Loan - H.Vũ 10/11/2018 00:00

Chiều 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Vấn đề quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (nay được đổi tên thành quy hoạch xây dựng tỉnh) vẫn nhận được sự quan tâm của các ĐBQH. Qua thảo luận nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm cần quy định quy hoạch xây dựng tỉnh trong luật này.

Quy định quy hoạch xây dựng tỉnh: Căn cứ để địa phương triển khai đầu tư công

Toàn cảnh phiên họp sáng 9/11. Ảnh: Quang Vinh.

4 lý do giữ quy hoạch xây dựng tỉnh

Liên quan đến vấn đề quy hoạch xây dựng tỉnh hiện đang còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra 4 lý do đề nghị giữ quy hoạch xây dựng tỉnh. Theo đó, việc đổi mới hoạt động quy hoạch là cần thiết tạo ra một sự thống nhất cao trong công tác quy hoạch tránh sự trùng chéo, lãng phí.

Tuy nhiên cũng cần phải đảm bảo tính kế thừa, sự tích hợp khoa học giữa quy hoạch mang tính phi vật thể trước đây (như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội) với quy hoạch mang tính vật thể (như quy hoạch xây dựng và quy hoạch kỹ thuật mang tính chuyên ngành khác). Như vậy, dự thảo luật quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, bao gồm quy hoạch xây dựng tỉnh theo pháp luật về xây dựng là hoàn toàn phù hợp với Luật Quy hoạch 2017.

Thứ hai, quy hoạch xây dựng tỉnh đã được triển khai thực hiện rộng rãi. Đã có 58 quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, 5 quy hoạch chung của thành phố trực thuộc Trung ương được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, có 15 địa phương đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, trong đó có 6 nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt và có 2 đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.

Thứ ba, việc bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh để thay thế bằng quy hoạch tỉnh chưa nhận được sự đồng tình của các chuyên gia, các hiệp hội chuyên ngành vì cho rằng nội dung của quy hoạch tỉnh theo Điều 27 của Luật Quy hoạch là các phương án phát triển ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế; các phương án phát triển ngành của các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tại Phụ lục II của Luật Quy hoạch. Như vậy, nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh không trùng lắp với nội dung quy hoạch tỉnh; quy hoạch xây dựng tỉnh chỉ cụ thể hóa nội dung quy hoạch tỉnh với mức độ cụ thể, chi tiết hơn để đáp ứng yêu cầu quản lý và đầu tư xây dựng.

Thứ tư, với chức năng quản trị quốc gia, Chính phủ cũng cho rằng, quy hoạch xây dựng là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, để cụ thể hoá quy hoạch tỉnh, tuân thủ tính thứ bậc theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, trong dự thảo Luật cũng quy định thẩm quyền phê duyệt đảm bảo thứ bậc này.

“Với 4 lý do trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trân trọng báo cáo và xin Quốc hội cho giữ như quy định tại dự thảo luật”- ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày quan điểm.

Căn cứ để triển khai đầu tư công

Tán thành với các nội dung mà báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, vấn đề quy hoạch xây dựng tỉnh hiện có nhiều ý kiến khác nhau nhưng theo ông Hùng cần có quy hoạch xây dựng tỉnh ngay trong luật này bởi đây là khâu quan trọng trong quy hoạch quốc gia hiện nay.

“Việc quy định quy hoạch xây dựng tỉnh là hết sức cần thiết và cần được quy định trong luật này để làm căn cứ cho địa phương triển khai đầu tư công, đảm bảo theo phát triển mật độ dân cư, lao động, nhà ở và thương mại”- ông Hùng cho hay.

Cùng chung quan điểm cần có quy hoạch xây dựng tỉnh, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đưa ra phân tích: Quy hoạch xây dựng tỉnh có tính đặc thù của vùng đô thị nông thôn trên cơ sở nhu cầu phát triển của vùng, tỉnh. Với chỉ tiêu áp dụng quy hoạch tiêu chuẩn, là công cụ quản lý nhà nước hiệu quả để đầu tư xây dựng ổn định trong thời gian dài. “Như 8 năm thực hiện quy hoạch xây dựng tỉnh, tỉnh Kiên Giang đã định hình không gian gắn với phát triển của 4 vùng trong tỉnh, hình thành phát triển đô thị để tỉnh xây dựng các khu đô thị thành trung tâm kinh tế của tỉnh. Xác định vị trí quy mô của hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của tỉnh đã đem lại hiệu quả đầu tư trong 8 năm qua”- bà Bé dẫn chứng để nói lên việc luật quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) lại có quan điểm khác khi ông cho rằng, việc lập riêng quy hoạch xây dựng tỉnh sẽ dẫn đến cùng một cấp, cùng một nội dung của ngành xây dựng được lập, thẩm định đến 2 lần, tạo thêm thủ tục hành chính, gây lãng phí, trùng lặp, chồng chéo và khó khăn, phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện.

Từ 1/7/2019, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng

Chiều 9/11, với 86,19% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Theo Nghị quyết này, Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.411.300 tỷ đồng (một triệu, bốn trăm mười một nghìn, ba trăm tỷ đồng); Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.633.300 tỷ đồng (một triệu, sáu trăm ba mươi ba nghìn, ba trăm tỷ đồng); Mức bội chi ngân sách nhà nước là 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP); Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 425.252 tỷ đồng.

Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, chấp hành dự toán ngân sách nhà nước đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước. Điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao.

Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.

Tăng cường quản lý, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, nhất là quản lý chặt chẽ về suất đầu tư các công trình xây dựng cơ bản. Bổ sung các định mức kỹ thuật của ngành, lĩnh vực, góp phần giảm chi phí đầu tư. Thực hiện nghiêm quy định về việc giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Cũng tại Nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2019.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình Quốc hội dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ. Thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%.

Theo bà Tiến, các trường hợp không được sử dụng rượu, bia, bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc, uống rượu, bia tại một số địa điểm. Đây là các nhóm đối tượng mà việc sử dụng rượu, bia không chỉ tác động đến bản thân người đó mà còn có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến người khác và cộng đồng, chất lượng lao động và nghiêm trọng hơn đó là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước.

* Luật ra đời phải khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá”

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt. Nhiều ĐBQH cho rằng, luật ra đời cần khắc phục được tình trạng được mùa mất giá, mà theo đó gắn với quy hoạch phát triển trồng trọt cũng như khâu chế biến. ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cho rằng, việc quy định nguyên tắc trong hoạt động trồng trọt là cần thiết.

Do đó, nguyên tắc phát triển trồng trọt phải phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác, đảm bảo an ninh lương thực, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ông Khải, phải gắn với sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên đất đai, đa dạng sinh học, nước và tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nền trồng trọt tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế, cũng như chủ động dự báo, phòng chống thiên tai, sinh vật gây hại cho cây trồng, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tác hại do biến đổi khí hậu gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định quy hoạch xây dựng tỉnh: Căn cứ để địa phương triển khai đầu tư công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO