Sự phát triển Đà Nẵng luôn gắn với quy hoạch xây dựng

Ngọc Mai 09/11/2018 09:48

Trong phiên thảo luận hội trường mới đây, liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch (dự luật), các đại biểu Quốc hội tranh luận nhiều về việc nên có quy hoạch xây dựng tỉnh hay không có quy hoạch xây dựng tỉnh. Một trong những căn cứ để trả lời câu hỏi trên, chính là vai trò, ý nghĩa của quy hoạch xây dựng tỉnh trong thực tế ra sao?

Sự phát triển Đà Nẵng luôn gắn với quy hoạch xây dựng

Quy hoạch phân khu - Khu vực Trung tâm TP Đà Nẵng.

Phát biểu tại nghị trường trong phiên thảo luận đầu tiên về dự luật, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn đã thẳng thắn kiến nghị Quốc hội và Chính phủ giữ nguyên quy hoạch xây dựng tỉnh là quy hoạch đô thị trong Luật Xây dựng hiện hành để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống.

Dẫn chứng cho đề xuất nói trên, ông Sơn đã phân tích sự ảnh hưởng của quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch đô thị đối với TP Đà Nẵng. Theo đó, sau hơn 10 năm thực hiện đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Đà Nẵng đến năm 2020, năm 2013, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt, TP Đà Nẵng đã tổ chức lập và ban hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch phân khu, cụ thể hóa các định hướng phát triển không gian quy hoạch chung; thực hiện lập và rà soát các quy hoạch chuyên ngành, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch chi tiết, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và quản lý đầu tư xây dựng, tuân thủ theo đúng luật quy định chung.

Quy hoạch chung xây dựng TP là công cụ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định các chính sách, chủ trương trong phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, tác động tích cực đến đời sống của nhân dân địa phương và hình thành diện mạo mới của đô thị, xứng đáng với tầm vóc là một đô thị loại 1 của quốc gia.

Ông Nguyễn Bá Sơn nhấn mạnh: Sự phát triển mở rộng không gian TP luôn song hành và gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP, gắn với sự điều chỉnh về chiến lược phát triển ở TP theo các định hướng của Bộ Chính trị, quy định về quy hoạch tổng thể, hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị cấp trên, quy hoạch phát triển kinh tế TP.

Ông Nguyễn Bá Sơn cho biết, trong quá trình nghiên cứu lập các quy hoạch tổng thể của TP, Đà Nẵng nhận thấy rằng quy hoạch chung xây dựng TP là cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng, hướng dẫn, kiểm soát các quá trình phát triển hệ thống đô thị, làm cơ sở cho việc quản lý quy hoạch đô thị, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, lập kế hoạch sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên, các nguồn lực hợp lý nhằm nâng cao chất lượng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP.

Quy hoạch chung xây dựng TP là quy hoạch tổng thể không gian xây dựng trên địa bàn TP theo hướng tiếp cận, lồng ghép với các quy hoạch chuyên ngành, đặc biệt là với các vấn đề sử dụng đất đại, nông, lâm nghiệp, thủy sản, định hướng đầu tư cho công nghiệp, du lịch. Quy hoạch xây dựng hoạch định các vùng chức năng, phân vùng sản xuất, hình thành và phát triển hệ thống đô thị và dân cư trên toàn TP qua hệ thống bản đồ chuyên ngành được xác lập theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch và các nghị định về quy hoạch xây dựng hiện hành.

Quy hoạch này đã nghiên cứu cụ thể hóa, soát xét một cách tổng thể các khả năng cải tạo, mở rộng đô thị, đặc biệt là vùng trung tâm của đô thị và hình thành phát triển các đô thị mới trong toàn TP cũng như khả năng liên kết lại với nhau giữa các hệ thống đô thị trong vùng ở khu vực miền Trung.

Ông Nguyễn Bá Sơn phân tích, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 có ảnh hưởng tác động đến nhiều luật, nghị định hiện hành, trong đó có liên quan đến quy hoạch xây dựng tỉnh. Quy hoạch tỉnh là quy hoạch về không gian, các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở khớp nối quy hoạch cấp quốc gia, các vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho nhân dân trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị. Quy hoạch đô thị có 3 cấp là quy hoạch chung xây dựng xác lập toàn đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.

Nếu quy hoạch tỉnh thiên về cơ cấu và chuyển dịch kinh tế, định hướng phát triển các ngành lĩnh vực thì quy hoạch đô thị thiên về tổ chức không gian vật thể của đô thị, chúng có quan hệ biện chứng với nhau.

Quy hoạch tỉnh xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung đô thị cụ thể hóa các mục tiêu bằng cách tổ chức sắp xếp lại không gian vật thể của các chuyên ngành.

Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Đà Nẵng cũng như nhiều đô thị ở Việt Nam đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa chưa từng có về quy mô và tốc độ. Sự thay đổi nhanh chóng dẫn tới cấu trúc đô thị có khả năng bị biến dạng và vượt quá sức chịu tải. Những khu đô thị mới không bản sắc tương tự giống nhau tràn ngập khắp vùng. Đất nông nghiệp, ao, hồ, sông, suối, các vùng phụ cận bị chiếm dụng một cách thiếu kiểm soát. Đường xá tắc nghẽn vì lượng xe tư nhân tăng nhanh, cung cấp điện nước sạch không theo kịp nhu cầu. Những vấn đề về cấp thoát nước đô thị, xử lý nước thải, chất thải rắn về môi trường ngày càng gia tăng…

Để giải bài toán tổng thể nói trên thì quy hoạch đô thị cần được tổ chức lập nhằm hoạch định các khu vực, đảm bảo phát triển cân bằng và bền vững. Do vậy, nhu cầu cấp thiết là pháp lý quy hoạch đô thị cần phải xác lập ổn định, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho các phương pháp quy hoạch đô thị đương đại tiên tiến trên thế giới, tiếp cận một cách khoa học để định hướng phát triển đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự phát triển Đà Nẵng luôn gắn với quy hoạch xây dựng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO