Sửa luật: Không thể từ cực nọ sang cực kia

H.Vũ 14/09/2019 07:30

Chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn khi luật “đổi vai” theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Sửa luật: Không thể từ cực nọ sang cực kia

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Điểm mới của luật lần này theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật năm 2015 (Điều 74, 75, 76, 77) theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Theo đó, cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vai trò của cơ quan thẩm tra là phối hợp với cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án, dự thảo trong việc chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết và trong việc tổng hợp ý kiến của ĐBQH, Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Trường hợp cơ quan thẩm tra có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án, dự thảo trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo thì cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết hiện đang có 2 loại ý kiến. Theo đó, hầu hết ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và của nhiều Đoàn ĐBQH tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo luật với những lý do như được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, một số ít ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và ý kiến ở một số Đoàn ĐBQH không tán thành đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay nhằm tránh xáo trộn trong việc tổ chức thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đây là dự án luật quan trọng, luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đến nay chưa được 3 năm đã sửa đổi là điều cần cân nhắc. Phải “chín” mới sửa chứ không thể từ “cực nọ” sang “cực kia”. Chính sách phải vì lợi ích chung chứ không vì lợi ích cục bộ địa phương - ông Hiển nói đồng thời cho rằng, hiện nay có thực tế luật không thực hiện được vì luật phải chờ nghị định, nghị định chờ thông tư hướng dẫn. Bây giờ dự thảo luật lại quy định “nghị định không đi cùng dự án luật”, nếu thế luật phải chờ nghị định đến bao giờ?

Bày tỏ quan điểm không đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, luật mới thực hiện được 3 năm nên cái nào đã chín muồi, có vướng mắc trong thực tế thì sửa, còn vướng do tổ chức thực hiện thì không sửa. Hiến pháp đã quy định rất rõ Quốc hội có quyền sửa đổi Hiến pháp, làm luật và thông qua luật. Thời gian qua, chất lượng luật đã được Quốc hội nâng lên rất nhiều so với giai đoạn trước.

“Khi tiếp thu chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn mời các bộ đến, nhưng có bộ không quan tâm, cử người không đúng thành phần đi dự, mỗi lần đi dự mỗi người nói một ý, trước đây có lúc chỉ cử chuyên viên đi. Bây giờ nếu “đổi vai” cho Chính phủ chủ trì, tiếp thu chỉnh lý liệu có bảo đảm chắc chắn đúng quy định trước khi trình Quốc hội thông qua hay không? Hiện giờ chúng ta đang thẩm tra Luật này (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật-PV) mà tài liệu còn gửi muộn; nếu chuyển qua “vai kia” thì một năm thông qua được mấy luật? Do đó quan điểm của tôi là không “đổi vai” mà cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan trình luật” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa luật: Không thể từ cực nọ sang cực kia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO