Tinh giản, biên chế chưa giảm

M.Loan - H.Vũ 25/10/2018 07:30

Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019-2021.

Tinh giản, biên chế chưa giảm

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự họp tổ cùng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Giang, Kon Tun, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ.

Băn khoăn thu-chi

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chính phủ ước tính tăng trưởng 6,7% theo chỉ tiêu Quốc hội giao nhưng các tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng quý IV sẽ cao hơn. Như vậy khả năng sẽ cao hơn 6,7%, và sẽ kéo năng suất lao động của năm 2018 cao hơn năm 2017. Tuy nhiên, giải thích cho việc với tốc độ tăng trưởng như vậy nhưng mục tiêu đặt ra trong năm 2019, Chính phủ chỉ trình ở mức từ 6,6- 6,8%, Phó Thủ tướng cho rằng, chưa biết được tình hình gì sẽ xảy ra trong thương mại toàn cầu và có dấu hiệu lan ra các lĩnh vực khác ngoài thương mại. Lãi suất các nước tăng và gây áp lực đối với nước ta. Do đó phải tính toán cẩn trọng, nếu đặt ra cao mà không đạt được thì khó.

Về tình hình phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Phó Thủ tướng nhìn nhận, mặc dù cải thiện môi trường kinh doanh cả nước có nỗ lực, tăng cao nhưng không đồng đều giữa các tỉnh. Nhiều thủ tục chỉ cắt giảm trên giấy tờ. Nhũng nhiễu, “bôi trơn” vẫn còn như trong Báo cáo kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp của UBTƯMTTQ Việt Nam và Ban Dân nguyện phản ánh là đúng. Do đó số lượng doanh nghiệp vẫn tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn rất nhiều so với trước.

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng bày tỏ băn khoăn về thu-chi của ngân sách. Bởi dù kinh tế có sự tăng trưởng nhưng thu ngân sách mới đáp ứng được vấn đề chi thường xuyên. Điều đó khiến cho tình hình tài chính quốc gia chưa vững mạnh. Nếu Chính phủ không điều chỉnh, không có giải pháp mạnh mẽ thì không có nguồn lực để chi cho đầu tư phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, thu ngân sách tại 3 khu vực không đạt dự toán, năng suất lao động thấp hơn so với năm 2017, giải ngân chậm khi 2 dự án trọng điểm quốc gia đến giờ đang rất chậm như Dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc-Nam. “Quốc hội biểu quyết mà sau 8 tháng vẫn chưa giao vốn. Từ đó khiến cho thủ tục đấu thầu chậm. 6 hạn chế mà Báo cáo của Chính phủ chỉ ra đều do việc tổ chức thực thi Luật Đầu tư công chưa tốt. Đầu tư công chậm thì lấy đâu mà tăng trưởng? Nếu giải ngân mà tốt, nhanh có khả năng tăng trưởng của năm nay còn cao hơn nữa”-Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Xử lý tham nhũng vặt

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần quan tâm tới xử lý tham nhũng vặt. Bởi dù là nhỏ lẻ nhưng ăn mòn đời sống người dân. Do đó Chính phủ cần phải quyết liệt và quyết tâm hơn nữa. Đưa ra dẫn chứng “50% tỉnh có lãnh đạo cấp xã không báo cáo được số lần tiếp dân, và chỉ có 25-30% cấp xã tiếp dân”-bà Hải đề nghị phải làm tốt vấn đề tiếp dân để tránh tình trạng khiếu nại vượt cấp.

Đề cập đến những vấn đề nóng của xã hội từ vụ vứt trẻ sơ sinh từ tầng 31; phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại nhiều lần; cháy nổ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà trọ, theo bà Lê Thị Thu Hồng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang, đây là những vấn đề đáng lo ngại cần được quan tâm phân tích rõ hơn để đưa ra giải pháp trong thời gian tới. Bà Hồng cũng cho rằng tình trạng thất thu thuế diễn ra trong thời gian qua là do chưa đưa ra được những giải pháp quyết liệt, bởi nếu quyết liệt thì không đến mức số nợ thuế nội địa tăng 13,3%, và có đến 1/3 địa phương có nợ lớn trên 100 tỷ đồng. Và đó là vấn đề Chính phủ cần làm rõ.

Tinh giản, biên chế chưa giảm - 1

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên thảo luận, ngày 24/10. Ảnh: Quang Vinh.

“Thời gian qua dù vấn đề tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy diễn ra quyết liệt nhưng Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ quá trình tinh giản biên chế vẫn chậm, sắp xếp vị trí việc làm còn lúng túng. Chưa kể biên chế còn tăng ở nhiều cấp, nhiều ngành. Vậy bộ ngành nào, địa phương nào tăng biên chế thì báo cáo phải chỉ rõ địa chỉ để xác định trách nhiệm thuộc về ai?”-bà Hồng đặt vấn đề đồng thời đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt trong tinh giản biên chế.

Cùng chung quan điểm, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, để giảm chi thường xuyên có 2 trụ cột là tinh giản biên chế và sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao tính tự chủ. Theo ông Hàm, tinh giản biên chế không đạt lộ trình, 3 năm mới chỉ đạt 1%. Ông Hàm phân tích: Tư duy giảm đơn vị sự nghiệp không đúng chủ trương của Đảng, tức là giảm 10% cấp chi ngân sách thường xuyên cho khối sự nghiệp chứ không phải cắt giảm biên chế. Như ngành Y tế, giáo dục chẳng hạn, dân số phát triển thì tăng bác sĩ, tăng giáo viên chứ giờ cắt giảm biên chế khối đó là không hợp lý. Ta phải tăng tự chủ, giảm ngân sách chi thường xuyên, còn người ta làm được người ta tuyển biên chế là bình thường. Và theo ông Hàm thì: “đây là tư duy mà một số nơi đang hiểu nhầm”.

Trên cơ sở đó, ông Hàm đề nghị, phải sắp xếp lại khối này, không thể bắt tất cả đơn vị sự nghiệp tự chủ. Phải phân định lại ai tự chủ được thì tự chủ, ai không được thì phải tính bài toán đặt hàng.

Nếu không hành động thì khó có chuyển biến

Phát biểu tại tổ, nhắc đến yếu tố phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đảm bảo an toàn, hạnh phúc cho nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chính điều này khiến ông trăn trở nhất và phải tìm động lực phát triển mới tốt hơn. Theo Thủ tướng, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu với thế giới bên ngoài, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi tổng GDP, chỉ một tác động nhỏ từ bên ngoài cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chính vì vậy, phải đột phá vào khoa học công nghệ, phải tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm.

“Trong ngân sách, mình có ít tiền thì mình phải sử dụng hiệu quả, đừng có lãng phí, đừng có mặc áo quá đầu. Phải liệu cơm gắp mắm trong chi tiêu để giữ cân đối ngân sách. Từ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người lãnh đạo phải có khát vọng phát triển, có cảm hứng mạnh mẽ trong phát triển thì mới có thể đưa đất nước tiến lên. Nếu cứ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không có hành động quyết liệt thì rất khó có chuyển biến mạnh mẽ”- Thủ tướng bày tỏ.

Trong tháng 11 sẽ tiếp tục gặp gỡ người dân để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm

Ngày 24/10, liên quan đến vấn đề Thủ Thiêm, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tập thể lãnh đạo Ban Thường vụ Thành ủy đang chỉ đạo giải quyết đúng theo tinh thần Kết luận của Thanh tra Chính phủ. “Quan điểm của Ban Thường vụ là cần xây dựng một số phương án để đưa ra thảo luận với người dân nhằm tạo sự đồng thuận chứ không áp đặt. Chính quyền thành phố sẽ đưa ra phương án và bà con nêu vấn đề muốn giải quyết như thế nào”-bà Tâm cho hay.

Bà Tâm cũng cho biết, sau khi bà con nêu ý kiến, chúng tôi sẽ ghi nhận và Thường vụ Thành ủy sẽ lắng nghe với tinh thần tôn trọng ý kiến người dân, bám chắc các quy định pháp luật liên quan còn những vấn đề bà con nêu không đúng quy định pháp luật cần giải thích trên tinh thần thảo luận với người dân rõ ràng. Trong tháng 11 tới, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục gặp gỡ, thảo luận với người dân để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tinh giản, biên chế chưa giảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO