1 năm sau đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Dân chủ và Đoàn kết đất nước

Linh Chi 16/07/2017 22:05

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi cuối tuần qua đã có những lời tuyên bố đầy cảm xúc trước hàng chục nghìn người ủng hộ ông, nhân Lễ kỷ niệm tròn một năm cuộc đảo chính nhằm lật đổ Chính phủ của ông diễn ra ở thành phố thủ đô nhưng bất thành.

Tổng thống Erdogan phát biểu trước những người ủng hộ trong Lễ kỷ niệm 1 năm sau sự kiện đảo chính. (Nguồn: France24).

Quan trọng hơn là người dân có niềm tin

Trong bài phát biểu, ông Erdogan đã hết lời ca ngợi những người dân đã đổ ra đường chống lại cuộc đảo chính trong đêm ngày 15/7/2016, gọi họ là những người bảo vệ nền dân chủ và Chính phủ của ông. Ông cũng nhắc lại quan điểm ủng hộ việc hồi phục bản án tử hình đối với những kẻ âm mưu đảo chính.

“Trong đêm hôm đó nhiều người không có súng, họ chỉ mang theo một lá cờ và quan trọng hơn, họ có niềm tin”- Tổng thống Erdogan nói trước hàng nghìn người ủng hộ và nhấn mạnh: “Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những con người trong đất nước này, những người đã bảo vệ đất nước họ”. Theo ông Erdogan, 250 người đã thiệt mạng trong sự kiên năm ngoái, nhưng cả đất nước lại giành được tương lai.

“Những kẻ nổi dậy đã phong tỏa các cây cầu trong đêm hôm đó muốn cho thế giới thấy rằng chúng đang nắm kiểm soát, nhưng lại vấp phải sự phản kháng của hàng triệu người đổ ra đường phố để bảo vệ danh dự quốc gia của họ”- ông Erdogan nói tiếp.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho hay ông đã nói chuyện với Thủ tướng Binali Yildirim về những kẻ chủ mưu cuộc đảo chính: “Khi chúng xuất hiện trước tòa, hãy bắt chúng phải mặc bộ áo tù nhân như ở nhà tù Guantanamo”.

Gần 250 người đã thiệt mạng và 2.196 người khác bị thương trong lúc chống lại cuộc đảo chính mà một phe phái quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện năm ngoái. Kể từ đó, Chính phủ của ông Erdogan đã thực hiện một chiến dịch thanh trừng quy mô lớn đối với những kẻ liên quan tới âm mưu này, trong đó sa thải trên 150.000 nhân viên nhà nước và bắt giữ khoảng 50.000 người.

Theo giới quan sát, cuộc đảo chính thất bại là do thiếu sự ủng hộ từ một số quan chức cấp cao trong lực lượng vũ trang nước này và thiếu sự ủng hộ về mặt chính trị của người dân. Những kẻ âm mưu đảo chính đã cố gắng bắt cóc ông Erdogan trong khi ông đang đi nghỉ tại khu nghỉ dưỡng Aegean, nhưng ông đã rời khỏi đó trước khi các binh sỹ ập tới. Cuộc đảo chính sau đó bị các binh sỹ và người dân trung thành với Tổng thống dập tắt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sự chia rẽ đã bắt đầu len lỏi trong cộng đồng người dân nước này. Các đối thủ của ông Erdogan đã tẩy chay sự kiện trên, họ cho rằng các hành động của Chính phủ trong suốt 1 năm qua đã biến thành một cuộc thanh trừng những người chống đối.

Ngày Độc lập thứ hai

Tại thủ đô Ankara, ông Erdogan đã có bài phát biểu trước Quốc hội, nơi từng bị các máy bay chiến đấu đánh bom trong sự kiện đảo chính năm ngoái. Ông nói rằng vào đêm xảy ra đảo chính, “đất nước của chúng ta đã chứng tỏ cho toàn thế giới thấy rằng chúng ta là một đất nước như thế nào”.

Tuy nhiên, trong sự kiện tưởng niệm này, nhiều người cũng bày tỏ nỗi ám ảnh của họ trong cuộc đảo chính xảy ra đêm ngày 15/7 năm ngoái. Một trong số người ủng hộ ông Erdogan, có tên là Murat, tham gia sự kiện này nói với Hãng tin Reuters rằng: “Nếu điều đó xảy ra lần nữa, tôi sẽ ở trong nhà như năm ngoái. Đêm hôm đó như một cuộc chiến tranh vậy. Chúng tôi đã giành lại quyền kiểm soát đất nước này”.

Sau sự kiện đảo chính bất thành, ngày 15/7 được tuyên bố là ngày lễ hàng năm ở Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi “Ngày Dân chủ và Đoàn kết đất nước”.

Trước đó, trong một phiên họp đặc biệt tại Quốc hội, Thủ tướng Yildirim nói rằng ngày 15/7/2016 là “Ngày Độc lập thứ hai” của đất nước, tiếp nối sau cuộc xung đột đã dẫn tới sự thành lập Nhà nước hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1920.

“Đã trải qua tròn một năm kể từ đêm đen tối nhất và dài nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ được chuyển biến thành một ngày tươi sáng, và kể từ khi cuộc đảo chính của kẻ thù biến thành một huyền thoại của người dân”- Thủ tướng Yildirim nói.

Tuy nhiên, ông Kemal Kilicdarouglu, lãnh đạo đảng đối lập Nhân dân Cộng hòa, lại nói rằng: “Trong năm vừa qua, công lý đã bị hủy hoại. Thay vì thực hiện tiến trình bình thường hóa nhanh chóng, thì tình trạng khẩn cấp toàn quốc lại được thiết lập”.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc một phong trào ủng hộ giáo sỹ người Hồi giáo Fethullah Gulen đã đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành này. Ông Gulen hiện đang sống lưu vong ở Mỹ, đã bác bỏ mọi cáo buộc trên, trong khi chính quyền Washington đến nay vẫn phớt lờ lời kêu gọi dẫn độ ông Gulen từ phía chính quyền Ankara.

Về chiến dịch thanh trừng hiện nay, giới phê phán cho rằng Tổng thống Erdogan đã lợi dụng nó để dập tắt các phe phái chính trị đối lập. Hồi tuần trước, hàng trăm nghìn người dân đã đổ tới thành phố Istanbul để phản đối cuộc thanh trừng mà Chính phủ vẫn đang thực hiện. Tuy nhiên, đại đa số người dân nước này tin rằng, nếu như cuộc đảo chính không sớm bị dập tắt và lực lượng ủng hộ đảo chính không bị thanh trừng thì Thổ Nhĩ Kỳ không có được như ngày hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    1 năm sau đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Dân chủ và Đoàn kết đất nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO