3 tuần đầu đầy sóng gió của Tổng thống Trump

13/02/2017 09:00

Từ lúc bắt đầu chiến dịch, Tổng thống Donald Trump đã hứa hẹn sẽ lật đổ các quy tắc chính trị truyền thống tại Washington. Nhưng chỉ mới nhậm chức được 3 tuần, ông đã liên tiếp bị hứng chịu những đòn công kích từ các đối thủ, khiến nhiều người lo ngại về quyền lực của ông.

Khoảng thời gian 3 tuần đầu tại Nhà Trắng dường như khó khăn hơn là Tổng thống Trump từng mong đợi. (Nguồn: Reuters).

Trong 21 ngày đầu tiên tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã đưa ra hàng loạt chỉ thị hành động nhằm thực thi những cam kết chính sách mà ông từng đưa ra - trong đó có nhiều chỉ thị gây tranh cãi sâu sắc. Nhưng có lẽ lệnh cấm nhập cảnh mà ông ban hành vào ngày 27/1 là đáng chú ý nhất, khi bị biến thành một đòn phủ đầu đối với chính quyền mới, gây nên một cuộc chiến pháp lý dài kỳ.

“Bức tường” chưa được xây dựng

“Tôi sẽ xây dựng một bức tường lớn và không ai xây dựng các bức tường tốt hơn tôi. Hãy tin tôi, và tôi sẽ xây dựng chúng mà không tốn nhiều chi phí” - ông Trump từng nói trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 6/2015 - “Tôi sẽ xây dựng một bức tường lớn ở biên giới phía Nam và sẽ bắt Mexico phải trả tiền cho nó”.

Cam kết của ông Trump trong việc xây dựng bức tường ở biên giới phía Nam nước Mỹ đã trở thành điểm nhấn chiến dịch lúc bấy giờ, được nhiều người ủng hộ. Giới chính trị gia đảng Cộng hòa tại Quốc hội cũng tuyên bố sẽ rót tiền cho dự án này, nhưng lại không đưa ra nhiều chi tiết về cách thức xây dựng nó.

Cam kết của ông Trump rằng chính phủ Mexico sẽ trả tiền xây bức tường, trong đó lên tới trên 20 tỷ USD, được xem là điều thu hút sự quan tâm của cử tri Mỹ nhất. Nhưng Tổng thống của họ, dưới sức ép trong nước ở thời điểm hiện tại, đã nản lòng. Khi Nhà Trắng tuyên bố áp thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico để lấy tiền xây bức tường này, đã có sự bất đồng giữa hai đảng chính trị.

Không thể thay thế Obamacare

“Điều gì đó thật tuyệt vời”, đó là điều mà ông Trump nói trong một buổi phỏng vấn với hãng CNN hồi tháng 7/2015, sau khi được hỏi về việc ông sẽ thay thế đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare bằng thứ gì. Khi được yêu cầu đưa ra thêm chi tiết, ông Trump nói rằng sẽ cho phép người dân mua bảo hiểm liên bang, nhưng điều này lập tức vấp phải sự chỉ trích.

Đến nay đã 18 tháng trôi qua kể từ sau buổi phỏng vấn đó - và gần 7 năm kể từ khi Tổng thống Barack Obama đặt bút ký đưa đạo luật này vào hiện thực - nhưng ông Trump và các chính trị gia đảng Cộng hòa vẫn chưa có trong tay một đạo luật thay thế cho nó. Trong buổi phỏng vấn với hãng tin Fox News hôm 12/2, Tổng thống Trump nói rằng tiến trình này “rất phức tạp” và có thể kéo dài tới năm 2018.

Và trong bối cảnh hiện nay, khi có nhiều cử tri Mỹ đang lên tiếng phản đối kế hoạch chăm sóc sức khỏe mà phía đảng Cộng hòa đưa ra, việc thay thế Obamacare có thể còn kéo dài.

“Mất điểm” với cử tri Mỹ

Chỉ chưa đầy một tuần lễ trước khi tuyên thệ nhậm chức vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump từng tuyên bố tại một cuộc họp báo ở New York rằng “Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, tất cả các quốc gia sẽ tôn trọng chúng ta nhiều hơn, nhiều hơn nhiều so với các chính quyền trước”.

Trong lúc thực hiện chiến dịch tranh cử, và sau khi đắc cử, ông Trump liên tục nhắc lại quan điểm cho rằng chính vì Tổng thống Obama mà hình ảnh nước Mỹ trước con mắt của cộng đồng quốc tế đã bị hủy hoại. Ông cam kết sẽ đảo ngược điều đó và phụ hồi lại các tổn thất mà Mỹ từng gánh chịu.

Dù chưa rõ chính xác hình ảnh của nước Mỹ trong con mắt cộng đồng quốc tế đã thay đổi ra sao sau 3 tuần vừa rồi, nhưng hãng phân tích Gallup mới đây công bố bản thăm dò, trong đó chỉ ra rằng chỉ có 29% người dân Mỹ tin rằng “các quốc gia khác trên thế giới tôn trọng Tổng thống” của họ. 2/3 số người tham gia khảo sát nói rằng họ có quan điểm tương tự.

Lệnh cấm nhập cảnh bị chặn

Một trong những cam kết gây tranh cãi nhất mà ông Trump từng đưa ra từ hồi tranh cử đó là lệnh cấm nhập cảnh - ban đầu được đề xuất là cấm tất cả người Hồi giáo sau mới chỉnh sửa lại thành tập trung vào 7 nước Hồi giáo lớn - và lệnh cấm này đã trở thành đề xuất gây tranh cãi nhất mà chính quyền mới của Mỹ đưa ra tính cho đến nay.

Sắc lệnh hành pháp này, trong đó còn cho ngừng chương trình tị nạn Mỹ và cấm cửa dân tị nạn Syria vô thời hạn, đã gây nên làn sóng biểu tình khắp nước Mỹ. Chỉ trong vòng 24 giờ sau đó, các thẩm phán đã nhận được các tranh luận chống lại nó tại tòa. Giờ đây, sau khi lệnh cấm bị tòa án liên bang ngăn chặn, Tổng thống Trump sẽ phải quyết định liệu có tiếp tục đưa vụ việc lên tòa án tối cao hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    3 tuần đầu đầy sóng gió của Tổng thống Trump

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO