Australia nhận được thư từ Triều Tiên

Khánh Duy 22/10/2017 06:30

Trong một bức thư mở gửi tới Quốc hội một số quốc gia, CHDCND Triều Tiên đã tuyên bố họ là một “cường quốc hạt nhân” và cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump “đang cố gắng dẫn toàn thế giới tới một thảm họa hạt nhân khủng khiếp”.


Bà Bishop cho hay bức thư này là “chưa từng có tiền lệ”. (Nguồn: SBS).

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã gọi thông điệp trên là “chưa từng có tiền lệ”, nhấn mạnh rằng Triều Tiên thường đưa ra những cách thức liên lạc khác hơn nhiều. Văn phòng của bà Bishop cũng xác nhận rằng nội dung bức thư được đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald của nước này là chính xác.

Bức thư trên có ghi ngày 28-9, dường như được gửi đi khoảng 1 tuần sau khi Tổng thống Trump có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, khi mà ông nói rằng “Mỹ có sức mạnh cùng sự kiên nhẫn, nhưng nếu bị buộc phải tự vệ và bảo vệ các đồng minh, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”.

Trong bức thư, Triều Tiên đã gọi đó là một lời tuyên bố chiến tranh, điều mà giới chức nước này cũng nói ngay sau khi ông Trump có bài phát biểu. Trong khi đó, Mỹ đã bác bỏ thông tin cho rằng Tổng thống Trump tuyên chiến với Triều Tiên. Bức thư có đoạn: “Nếu ông Trump nghĩ rằng ông ấy sẽ buộc Triều Tiên, một cường quốc hạt nhân, phải quỳ gối bằng lời đe dọa chiến tranh hạt nhân, thì đó sẽ là một tính toán hết sức sai lầm”.

Thủ tướng Australia Malcolm Turbull đã gọi bức thư trên là “lời nói cường điệu về điều mà ông Trump nói”, trong một bài phỏng vấn với kênh 3AW Mornings.
“Chính Triều Tiên mới là nước đang đe dọa phóng tên lửa hạt nhân tới Nhật Bản và Hàn Quốc và nước Mỹ. Chính Triều Tiên mới là nước đe dọa tới sự ổn định của thế giới” - ông Turnbull nói.

Bà Bishop cũng đăng tải một bản chụp của bức thư nói trên lên tài khoản Facebook cá nhân của bà. Cả bà Bishop cùng ông Turnbull đều cho hay họ tin rằng bức thư trên cho thấy Triều Tiên đang tuyệt vọng trong lúc Mỹ và các đồng minh tăng cường các lệnh trừng phạt đối với họ. “Tôi coi đây là bằng chứng cho thấy chiến lược hợp tác để gây sức ép lớn về mặt ngoại giao và kinh tế đối với Triều Tiên đang có hiệu quả” - bà Bishop nói.

Các lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an LHQ thông qua mới đầy nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu hải sản, lao động nước ngoài và các công ty liên doanh với Triều Tiên. Ở Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố rằng họ đã có kế hoạch theo dõi nguồn ngoại tệ của Triều Tiên ở nước ngoài, với hy vọng rằng chính quyền Bình Nhưỡng sẽ ngừng các chương trình hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về việc Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân. Triều Tiên tin rằng vũ khí hạt nhân là đòn ngăn chặn cuối cùng của họ để đáp trả mọi nỗ lực xâm lăng của chính quyền Mỹ.

Khi Bình Nhưỡng đang tiến gần hơn tới công nghệ tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân, họ cảnh báo các đồng minh của Mỹ rằng sự ủng hộ của những nước này đối với Washington sẽ phải trả giá. Triều Tiên cũng từng liên tiếp gọi Australia là nước “lệ thuộc” vào Mỹ trong các bài viết trên hãng truyền thông nhà nước của họ.
“Australia sẽ không thể tránh khỏi một thảm họa nếu như cứ làm theo Mỹ để gây sức ép về mặt quân sự, kinh tế và ngoại giao đối với Triều Tiên” - KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên, tuyên bố.

Tuy nhiên, những lời đe dọa này vẫn không thể ngăn cản Thủ tướng Turnbull và Ngoại trưởng Bishop lên tiếng ủng hộ chính sách gây sức ép với Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Australia nhận được thư từ Triều Tiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO