Bất chấp cấm vận, Qatar tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao với Iran

24/08/2017 19:10

Chính quyền Qatar trong hôm 24/8 bất ngờ tuyên bố sẽ phục hồi hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Iran, trong một động thái chắc chắn sẽ khiến các nước Arab láng giềng tức giận và có thể khiến cho cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở khu vực Vùng Vịnh suốt nhiều thập kỷ qua thêm phần nghiêm trọng.


Động thái bất ngờ từ Qatar chắc chắn sẽ khiến khủng hoảng Vùng Vịnh tăng nhiệt. (Nguồn: CNBC).

"Nhà nước Qatar đã thể hiện mong muốn của mình trong việc tăng cường mối quan hệ song phương với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran trên mọi lĩnh vực" - Bộ Ngoại giao Qatar nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 24/8.

Ngoại trưởng của Qatar và Iran đã có cuộc điện đàm trong cùng ngày và thảo luận về "mối quan hệ song phương" cũng như "một số các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm", Tuyên bố trên nêu rõ, thêm rằng Đại sứ Qatar sẽ sớm trở lại Iran để thực hiện "các nhiệm vụ ngoại giao".

Việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Iran chính là một đề xuất chủ chốt mà các nước láng giềng của Qatar, gồm Arab Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập đưa ra cho nước này để đổi lấy việc gỡ bỏ lớp lệnh trừng phạt đối với chính quyền Doha. Các yêu sách còn lại bao gồm cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố, giảm sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar và đóng cửa mạng lưới truyền thông Al Jazeera.

Nhóm bộ tứ cấm vận đã tạm thời cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa các tuyến đường biển, đường không và trên bộ đối với Qatar kể từ hôm 5/6 vừa qua, cáo buộc nước này hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và gây bất ổn khu vực Vùng Vịnh. Chính quyền Doha đã bác bỏ các cáo buộc trên, gọi đó là "vô căn cứ" và "vô lý".

Yemen, Mauritius, Mauritania, Maldives và chính phủ ở miền Đông Libya hiện tại cũng đã ngừng quan hệ ngoại giao với Qatar do cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tính đến nay, Qatar phần lớn vẫn cương quyết chống lại sức ép từ các nước láng giềng, phớt lờ một thời hạn chót 10 ngày để phản ứng trước các yêu sách mà nhóm cấm vận đưa ra, và tiếp tục tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

Một trong số các biện pháp mà chính quyền Doha đưa ra để giảm bớt gánh nặng từ đòn trừng phạt chính là nhập thực phẩm từ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, trong khi cả Mỹ và Nga đều kêu gọi đưa ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

Được biết, Qatar là một đồng minh của Mỹ và Mỹ hiện đang duy trì một căn cứ quân sự lớn tại nước này, nơi lưu trú của khoảng 11.000 nhân viên quốc phòng Mỹ.

Tuần trước, Arab Saudi tuyên bố rằng họ sẽ tạm thời mở cửa đường biên giới đất liền với Qatar để cho phép những người hành hương Qatar tham dự lễ hội Hajj trên lãnh thổ của họ, và thậm chí còn sẵn sàng chi trả mọi chi phí cho hành trình hành hương của họ. Quốc vương Arab Saudi còn tuyên bố sẽ triển khai máy bay riêng để giúp người hành hương Qatar tới sân bay Jeddah.

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nói rằng đất nước ông hoan nghênh động thái của Arab Saudi, nhưng ông vẫn coi đó là hành động "có động cơ chính trị".

Động thái trên được đưa ra sau khi một số quốc gia Arab cáo buộc Qatar đang cố gắng "chính trị hóa" lễ hội Hajj khi phàn nàn rằng người hành hương ở nước họ không được cho phép tới địa điểm linh thiêng do lệnh cấm vận hiện tại.

Hiện cộng đồng quốc tế vẫn theo dõi sát sao các động thái từ Qatar, để xem nước này có tiếp tục chống lại sức ép từ các nước láng giềng hay không, trong lúc vẫn tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.

"Qatar có một số công cụ trong bộ công cụ của họ để chống lại sức ép đó. Ví dụ như họ đã nhận được nhiều nguồn đầu tư lớn, họ có nguồn dự trữ tiền tệ dồi dào và giờ còn đang nhận được nguồn hàng viện trợ - thực phẩm và nhiều mặt hàng thiết yếu khác - từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran" - Mehran Kamrava, chuyên gia phân tích thuộc ĐH Georgetown ở Qatar, nhận định.

Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích cho rằng chính cộng đồng doanh nghiệp của Qatar lại là bên hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ tình trạng hiện nay. Giới doanh nghiệp Qatar vốn thu được nhiều lợi ích từ việc làm ăn ở những nơi như Dubai và Arab Saudi, bởi vậy mà hứng chịu nhiều hậu quả từ việc mất đi các nguồn doanh thu lớn này.

Ngoại trưởng Arab Saudi Adel Al-Jubeir mới đây nói rằng nhóm bộ tứ cấm vận sẵn sàng đàm phán với chính quyền Doha, tuy nhiên "đối thoại không có nghĩa là sẽ có sự nhượng bộ".

Trong một bản tuyên bố chung đưa ra hồi cuối tháng 7 vừa qua, nhóm bộ tứ cấm vận nói rằng các vòng đối thoại sẽ chỉ được mở ra nếu như Qatar thể hiện "ý định thực sự" trong việc ngừng ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và ngừng can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước láng giềng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất chấp cấm vận, Qatar tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao với Iran

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO