Bầu cử Tổng thống Mỹ: Kẻ khóc người cười sau siêu thứ Ba 2.0

Linh Chi 16/03/2016 21:58

Hai ứng viên Tổng thống ở hai đảng Hillary Clinton và Donald Trump tiếp tục thế thắng như “chẻ tre” của mình trong các cuộc bầu cử quan trọng ở 5 bang trong hôm siêu thứ Ba phiên bản hai vừa qua; trong khi đó chiến thắng đầu tiên của ứng viên John Kasich tại bang chủ nhà Ohio cũng mang lại cho ông chút ít hy vọng chiến đấu.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Kẻ khóc người cười sau siêu thứ Ba 2.0

Thêm một ứng viên nữa phải bỏ cuộc sau ngày bầu cử siêu thứu Ba 2.0 (Nguồn: ABCnews).

Đáng buồn nhất trong siêu thứ Ba 2.0 vừa qua chính là thất bại ê chề của ứng viên Marco Rubio, khi để thua ngay tại bang chủ nhà Florida, dù trước đây ông từng được tung hô là “kẻ cứu rỗi” của đảng Cộng hòa.

Về phía đảng Dân chủ, bà Clinton tiếp tục nắm ưu thế sau khi giành hai chiến thắng lớn tại hai bang Florida và North Carolina. Và trong các chiến thắng quan trọng, bà Clinton đã chặn đứng đà tiến của đối thủ Bernie Sanders tại khu vực công nghiệp Trung Tây nước Mỹ bằng cách chiến thắng 2 bang Ohio và Illinois.

Phía đảng Cộng hòa chứng kiến một cuộc ganh đua khá căng và cuối cùng Kasich đã chiến thắng ở bang chủ nhà, khiến nhà tài phiệt Trump mất 66 đại biểu. Điều này đã gây khó cho Trump trong cuộc đua giành đủ 1.237 đại biểu mà ông cần có để trở thành ứng viên địa diện cho đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Ngay sau đó, ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ này đã giành được toàn bộ 99 đại biểu của bang Florida. Chiến thắng áp đảo này đã khiến cho ứng viên Rubio buộc phải rời cuộc chơi. Nhưng kịch tính vẫn chưa dứt ngay sau đó, khi Trump và ứng viên Ted Cruz còn lao vào một cuộc ganh đua hết sức căng thẳng ở bang Missouri.

Quá vui mừng trước thắng lợi vang dội trong siêu thứ Ba phiên bản hai, Trump thậm chí còn tuyên bố nhắm đến cuộc tổng tuyển cử trong khi kêu gọi đảng Cộng hòa sát cánh bên nhau. “Chúng ta cần phải đoàn kết lại”, ông Trump tuyên bố. Tuy nhiên, các lãnh đạo đảng Cộng hòa vẫn đang trông đợi ở Kasich sẽ là cơ hội cuối cùng của họ với tư cách một ứng viên có khả năng thách thức Trump.

Theo ước tính, Trump cần phải giành thêm khoảng 60% tổng số đại biểu ở các bang còn lại trong cuộc đua của các ứng viên đảng Cộng hòa. Đây là nhiệm vụ khá khó khăn, bởi một số bang theo cơ chế người nào thu hút được nhiều đại biểu hơn sẽ chỉ được nhận số đại biểu đó, chứ không được chiếm luôn số đại biểu của bên thua cuộc - như trường hợp Ohio và Florida.

Ở đảng Dân chủ, bà Clinton đã giành chiến thắng ở Illinois và Bắc Carolina, Florida và Ohio - hàng loạt chiến thắng quan trọng để củng cố tuyên bố rằng bà là ứng viên duy nhất có thể giành chiến thắng ở các bang đa sắc tộc, điều quan trọng khi bước vào cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới.

Bà Clinton còn nói rằng, bà sẽ có thêm nhiều hơn ông Sanders 2 triệu lá phiếu nữa, và nắm giữ vị trí hàng đầu của đảng mình sau khi giành được thêm hơn 300 đại biểu. Trong khi không hề thúc ép đối thủ của mình từ bỏ cuộc đua trong đảng, bà Clinton lại quay sang công kích Donald Trump.

Chiến thắng của bà Clinton tiếp nối sau thất bại đầy bất ngờ của bà ở bang Michigan hồi tuần trước - một diễn biến đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về chiến lược vận động của bà và cũng khiến đối thủ Sanders có thêm chút hy vọng chiến thắng. Nhưng sau siêu thứ Ba này, mọi thứ lại trở về vị trí cũ của nó.

Sau chiến thắng, bà Clinton đưa ra một thông điệp đầy tự tin và mạnh mẽ, trong đó đặt trọng tâm nỗ lực vận động tranh cử của mình nhằm vào việc đối đầu với Donald Trump trong cuộc đua cuối cùng. Bà cũng nhấn mạnh rằng bà sẽ trở thành một vị Tổng thống tạo ra nhiều công ăn việc làm, và luôn sát cánh cùng tầng lớp trung lưu.

“Chúng ta sẽ đứng lên vì những người công nhân Mỹ và đảm bảo rằng không có ai lợi dụng họ cả - không phải phố Wall, không phải Trung Quốc, cũng như không phải các tập đoàn lớn” - bà Clinton nói.

Với thất bại nặng nề khiến ứng viên Rubio phải từ bỏ “giấc mơ Mỹ”, hiện phía đảng Cộng hòa chỉ còn 3 ứng viên là Trump, Kasich và Cruz. Trong lúc tuyên bố từ bỏ cuộc đua, ông Rubio đã cảnh báo rằng, chiến lược vận động của Trump là kiểu chính trị chia rẽ, điều sẽ khiến Mỹ trở thành một quốc gia “dễ rạn nứt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bầu cử Tổng thống Mỹ: Kẻ khóc người cười sau siêu thứ Ba 2.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO