Campuchia: Mạnh tay ngăn ngừa bất ổn

Linh Chi 16/09/2016 23:13

Tình hình căng thẳng ở Campuchia trong những ngày qua đã khiến nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại, đặc biệt sau khi Chính phủ Campuchia tuyên bố sẽ mạnh tay với những hành động gây bất ổn.

An ninh được thắt chặt tại thủ đô Phnom Penh. (Nguồn: Phnom Penh Post).

Cộng đồng quốc tế quan ngại

Quan hệ giữa Chính phủ Campuchia và phe đối lập, đặc biệt là Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), từ lâu vốn đã có nhiều rạn nứt do bất đồng trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề. Mối quan hệ đó càng trở nên căng thẳng hơn trong thời gian gần đây, khiến 36 quốc gia trên thế giới đồng loạt lên tiếng thể hiện sự quan ngại.

Đại sứ Mỹ tại UNHCR, Keith Harper, đã đưa ra một Tuyên bố đại diện cho một nhóm gồm 36 quốc gia gồm Albania, Australia, Canada, Nhật Bản, Macedonia, Na Uy, Thụy Sỹ, Mỹ và 28 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) để nêu quan ngại về tình hình chính trị căng thẳng ở Campuchia. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Campuchia và người dân của họ trong việc giải quyết các mối quan ngại này theo cách phù hợp với Luật nhân quyền quốc tế”.

Tuyên bố đặc biệt đề cập đến vụ ông Kem Ley- một nhà phê bình chính trị nổi tiếng về những phát biểu chống Thủ tướng Hun Sen, bị sát hại hồi đầu tháng 7 vừa qua. Đại sứ Harper kêu gọi Chính phủ Campuchia mở cuộc điều tra “đầy đủ và minh bạch” về vụ việc này, đồng thời nỗ lực tiến tới giảm thiểu căng thẳng và xây dựng lòng tin.

Trong khi đó, phía Chính phủ Campuchia đã phản ứng mạnh mẽ về tuyên bố trên. Ông Ney Sam Ol, đại diện thường trực của Campuchia tại Văn phòng Nhân quyền LHQ tại Geneva, nói rằng: “Là một quốc gia dân chủ, Chính phủ có cam kết thực thi luật pháp để duy trì an ninh và sự ổn định vì các lợi ích chung và riêng”.

“Phái đoàn của tôi bác bỏ mọi hành động chính trị hóa, tiêu chuẩn kép, tính chọn lọc và sự can thiệp vào tình hình nội bộ của chúng tôi, đi ngược lại tinh thần của Hiến chương LHQ”- ông Ney Sam Ol cho biết thêm.

Ông Keo Remy- Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Campuchia hôm thứ Năm vừa qua cũng nhấn mạnh rằng tình hình nhân quyền ở nước này còn tốt hơn nhiều nước và thậm chí còn tốt hơn cả một số quốc gia trong số 36 quốc gia cùng ký vào tuyên bố chung phản ứng với họ.

Biện pháp cứng rắn

Tình hình căng thẳng bắt đầu kể từ lúc hàng loạt các vấn đề nhạy cảm đồng loạt xuất hiện ở Campuchia thời gian mới đây, trong đó gồm các vấn đề liên quan tới tự do ngôn luận, quyền biểu tình và một số hành động pháp luật chống lại một số thủ lĩnh và các thành viên của đảng đối lập CNRP ngay trước kỳ bầu cử và tổng tuyển cử dự kiến tổ chức lần lượt trong năm 2017 và 2018.

Hơn 10 thành viên của Đảng CNRP hiện đang bị bắt giam, trong khi Sam Rainsy và Kem Sokha, Chủ tịch và Phó Chủ tịch của CNRP, hiện đang là tâm điểm của các vụ bê bối và kiện tụng pháp lý. CNRP lo ngại rằng nếu tình hình chính trị như vậy còn tiếp diễn, các cuộc bầu cử sẽ thiếu tự do và công bằng. Đảng này thậm chí còn đòi tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ chống Chính phủ.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố rằng ông sẽ yêu cầu sử dụng vũ lực để dẹp các cuộc biểu tình nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và trật tự xã hội, điều mà ông khẳng định là vì người dân và quốc gia.

Để chứng minh điều mình nói, ông Hun Sen hồi đầu tuần đã ra lệnh điều hàng chục xe quân sự, bao gồm một số phương tiện thuộc lực lượng cận vệ của ông, cùng nhiều tàu cao tốc trang bị súng máy tuần tra khu vực trụ sở đảng đối lập CNRP, nơi Phó Chủ tịch CNRP Kem Sokha đang trú ẩn.

Trong hôm 15-9 vừa qua, nhiều tướng lĩnh trong quân đội cũng lên tiếng ủng hộ phản ứng mạnh tay của Thủ tướng Hun Sen. Theo tờ The Phnom Penh Post, một số Tư lệnh quân khu đặc biệt của quân đội Campuchia đã tuyên bố sẽ “loại bỏ tất cả những người muốn gây bất ổn” và sẽ “đối đầu” với cuộc biểu tình của CNRP.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Campuchia: Mạnh tay ngăn ngừa bất ổn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO