Căng thẳng Nga-phương Tây: Lửa xung đột ngấm ngầm bùng phát

Khánh Duy 15/10/2016 09:35

Tuy đưa ra nhiều quan điểm khác nhau nhưng giới phân tích đều phải thừa nhận rằng rủi ro xảy ra một cuộc xung đột diện rộng giữa phương Tây và Nga đang ở mức cao chưa từng thấy, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh, liên quan tới vấn đề Syria.

Không giải pháp ngoại giao, không lệnh ngừng bắn, không thỏa thuận… tình hình Syria dần đẩy Nga-Mỹ vào khả năng xung đột. (Nguồn: RT).

Chiến sự ở Syria kéo dài suốt 5 năm qua đã gặp phải thời điểm bước ngoặt khi cuộc chiến của họ dần dần kéo theo nhiều quốc gia trên thế giới, dù trực tiếp hay gián tiếp, và có khả năng trở thành nơi diễn ra cuộc xung đột toàn cầu mới.

Nga, Iran, Iraq và Syria đã đạt thỏa thuận chung hồi cuối năm ngoái để hình thành nên một liên minh hợp tác tổ chức các chiến dịch chống khủng bố ở Syria, cùng với Jordan và Israel. Trung Quốc cách đây vài ngày cũng công khai ủng hộ quan điểm của Nga về nhiều vấn đề toàn cầu, trong đó có cả vấn đề Syria.

Về phần mình, Phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, Anh và Pháp cùng với liên minh quân sự của họ dù không nhận được lời mời chính thức của chính phủ Syria nhưng vẫn tổ chức các cuộc không kích trên lãnh thổ nước này, và bất cứ ai nhìn vào cũng có thể nói đây là hành động đi ngược luật pháp quốc tế. Một số quốc gia tham gia liên minh mà Mỹ dẫn đầu chỉ mang tính chất biểu tượng hay chính trị, nhưng một khi xung đột xảy ra, họ sẽ sớm buộc phải nhập cuộc sau đó.

Báo giới Anh sôi sục

Nói về khả năng xảy ra xung đột đang gia tăng căng thẳng trong những ngày gần đây, tờ The Metro của Anh hôm 4-10 có bài viết với tít dẫn “Nga nói với người dân rằng “cuộc chiến hạt nhân với phương Tây có thể sớm xảy ra””; trong đó có đoạn viết “Trong lúc căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, một kênh truyền hình của Nga đã đưa ra cảnh báo rợn người rằng cuộc chiến với phương Tây sắp xảy ra”. Zvezda, một kênh truyền hình phủ sóng toàn quốc được vận hành bởi Bộ Quốc phòng Nga hồi tuần trước nói rằng: “Mỹ đang mài giữa vũ khí hạt nhân vì Moscow”; theo tờ The Metro.

Tờ The Independent trong hôm 10/10 cũng có bài viết với tít dẫn “Căng thẳng Nga-Mỹ nguy hiểm hơn cả Chiến tranh Lạnh”, trong đó dẫn lời của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói rằng trong thời Chiến tranh Lạnh các siêu cường luôn có “lằn ranh đỏ và tôn trọng nó”. Vị quan chức này từng nói với tờ Bild rằng: “Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng nó giống như Chiến tranh Lạnh. Thời điểm hiện tại rất khác và nó nguy hiểm hơn nhiều”.

Tờ The Mirror hôm 3/10 cũng đề cập tới tình hình căng thẳng với bài viết có tựa đề “Nga chuẩn bị cho người dân trước chiến tranh hạt nhân với phương Tây và xây dựng nhiều hầm trú ẩn dưới lòng đất ở Moscow”. Tờ báo này đưa tin rằng “Giới truyền thông và giới chức Nga đã tuyên bố phương Tây muốn triển khai một cuộc tấn công nhằm vào họ để đáp trả sự can thiệp ở Syria. Giới chức cũng tuyên bố rằng các hầm trú ẩn dưới lòng đất đã được xây dựng đủ cho 12 triệu người dân Moscow trong trường hợp bị tấn công”.

Và còn nhiều bài viết khác đến từ nhiều nơi ở thế giới, trong đó tờ Newsweek cũng khiến nhiều người lo ngại với bài viết có tít dẫn “Người châu Âu đang âm thầm chuẩn bị cho chiến tranh với Nga”.

Tàu tên lửa mà Nga triển khai tới Địa Trung Hải hồi tháng 9 vừa qua. (Nguồn: Denfense.pk).

Nhiều tín hiệu về khả năng xung đột

Mới đây, một vị quan chức ngoại giao kỳ cựu của nước Anh khi phát biểu trong một cuộc họp khẩn ở Quốc hội hôm 11-10 đã công khai kêu gọi “biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Nga” ở thủ đô London liên quan tới chiến dịch không kích ở Syria. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hồi tháng 12 năm ngoái cũng từng bỏ phiếu thuận để Anh triển khai không kích ở Syria.

Nhà báo và phóng viên truyền hình nổi tiếng của Nga Vladimir Pozner cũng từng nói với kênh BBC: “Dường như Mỹ đang muốn chứng tỏ họ là siêu cường duy nhất. Việc NATO liên tiếp mở rộng được giới lãnh đạo Nga coi là một mối đe dọa hiện hữu. Khả năng xảy ra xung đột là có thực”.

Hồi tháng 6 vừa qua, NATO đã tuyên bố họ sẽ tổ chức cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lanh ở Đông Âu. Cuộc tập trận kéo dài 10 ngày này có sự góp mặt của 31.000 binh sỹ, những người được huấn luyện để phản ứng với “viễn cảnh tồi tệ nhất”. Nga sau đó cũng quyết định tổ chức tập trận.

Mới đây nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ hủy chuyến thăm tới Pháp trong hôm 11-10, một động thái được cho là phản ứng với Tổng thống Pháp Francois Hollande, người trước đó cáo buộc rằng “Moscow phạm tội ác chiến tranh ở Syria”.

Richard Shirreff, nguyên Phó Tư Lệnh liên quân ở châu Âu, hồi tháng 5 vừa qua cũng lên tiếng cảnh báo rằng châu Âu có thể lao vào một cuộc chiến hạt nhân với Nga trong năm 2017. Hãng tin FT lúc đó dẫn lời ông nói rằng: “Shirreff, vị quan chức châu Âu kỳ cựu nhất ở NATO, đã đưa ra thông điệp đơn giản: “Các quyết định chính trị và quân sự mà chúng ta đang đưa ra, và vừa đưa ra mới đây, giờ đang đẩy chúng ta vào một cuộc chiến trong tương lai với Nga””.

Đối đầu căng thẳng chưa từng thấy

Tính đến nay, vấn đề ngoại giao nghiêm trọng nhất liên quan tới vấn đề Syria chính là việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra một “tối hậu thư” cho Nga cách đây khoảng 3 tuần, trong đó cảnh báo Nga phải chấm dứt ngay không kích ở Aleppo bằng không Mỹ sẽ ngừng tất cả các hoạt động hợp tác và ngoại giao với Nga.

Để đáp trả, Nga tuyên bố ngừng thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Mỹ. Điều này dẫn tới việc Mỹ ngừng mọi cuộc đàm phán về hợp tác với Nga tại Syria. Chỉ một tuần sau đó, một quan chức quân đội chóp bu của Mỹ cảnh báo rằng thiết lập một “vùng cấm bay” ở Syria đồng nghĩa với một cuộc chiến với Nga.

Vào ngày 17/9, liên quân Mỹ cầm đầu đánh bom các vị trí của quân chính phủ Syria, khiến cho 83 binh sỹ thiệt mạng. Washington sau đó nói rằng cuộc không kích này là một sự “nhầm lẫn”, trong khi Damascus khẳng định rằng sự việc thể hiện “sự hung hăng rõ ràng”. Tình hình căng thẳng leo thang đến mức nguy hiểm kể từ đây.

Trong hôm 6/10, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, Tướng Mark Milly tung ra lời cảnh báo chiến tranh với Nga, nói rằng “Chúng tôi sẽ ngăn chặn các bạn và sẽ tấn công các bạn mạnh mẽ chưa từng thấy. Đừng hiểu sai về điều này”.

Ở thời điểm hiện tại, một vùng cấm bay trên bầu trời Syria đồng nghĩa với việc một cuộc chiến bằng bộ binh trên khắp lục địa sẽ bùng nổ. Trong lúc đó, cả liên minh mà Mỹ và Nga đang dẫn đầu vẫn đang trong tư thế đối đầu tại Hội đồng Bảo an LHQ với một cuộc khủng hoảng toàn các đề suất, phủ quyết trong khi không có thỏa thuận nào đạt được. Trong bối cảnh đó thì bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra.

Tờ Spiegel International của Đức mới đây đã có bài viết 5 kỳ lý giải về bản chất nguy hiểm của cuộc chiến tại Syria và nó có thể diễn biến nguy hiểm như thế nào. Tờ báo cho rằng tình hình căng thẳng gia tăng nghiêm trọng giữa Moscow và Washington sắp xảy đến và Syria có thể trở thành một cuộc chiến toàn cầu.

Tuy chỉ là phân tích nhưng thực tế cho thấy Nga mới đây đã triển khai thêm 2 chiến hạm cùng một tàu hộ tống tên lửa với khả năng phòng không đến vùng biển Địa Trung Hải. Bộ Quốc phòng Nga cũng công khai cảnh báo sẽ bắn hạ phi cơ chiến đấu của Mỹ ở Syria.

Viễn cảnh hiện nay là rất ảm đạm, khi các nỗ lực ngoại giao thất bại, các thỏa thuận ngừng bắn thất bại, các bên ngày càng tung ra nhiều lời đe dọa lẫn nhau và có thể đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột xâu rộng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng Nga-phương Tây: Lửa xung đột ngấm ngầm bùng phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO