Diễn biến vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên

14/05/2017 19:05

CHDCND Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo từ khu vực Đông Bắc nước này trong sáng 14/5. Đây là hành động được cho là mang tính khiêu khích đầu tiên mà họ đưa ra kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức hồi tuần trước, với cam kết sẽ mở đường đàm phán với Bình Nhưỡng về giải giáp hạt nhân.

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ phóng tên lửa Triều Tiên tại thủ đô Seoul. (Nguồn: Yonhap).

Giới chức Mỹ ước tính rằng tên lửa trên đã rơi xuống ở vùng biển cách thành phố miền Nam của Nga,Vladivostok, nơi có Hạm đội Thái Bình Dương của nước này, khoảng 100 km.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nói rằng vụ thử tên lửa trên đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và đó là hành động thách thức nghiêm trọng đối với an ninh và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và cả thế giới nói chung; theo người phát ngôn Nhà Xanh Yoon Young-chan.

Trong một cuộc họp khẩn, ông Moon nói rằng Hàn Quốc cần phải cho Triều Tiên thấy rằng, dù khả năng mở lại đàm phán là có thể, nhưng nó sẽ chỉ được mở lại nếu như Triều Tiên thay đổi thái độ. Ông cũng nói rằng Hàn Quốc sẽ đưa ra phản ứng đối với các hành động khiêu khích.

Hướng đi của tên lửa trên, gần với Nga, dường như là một thông điệp mà Bình Nhưỡng gửi tới cả Moscow và Bắc Kinh; ông Carl Schuster, Giáo sư thuộc ĐH Hawaii Thái Bình Dương và là cựu Giám đốc chiến dịch của Trung tâm Tình báo thuộc Bộ Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, nhận định.

Cũng trong hôm Chủ nhật, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khai mạc một hội nghị thượng đỉnh lớn về thương mại và cơ sở hạ tầng có sự góp mặt của nhiều lãnh đạo trên thế giới tại Bắc Kinh. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như phái đoàn Triều Tiên đã đến tham dự sự kiện.

“Thời điểm xảy ra vụ phóng này không phải là trùng hợp ngẫu nhiên” - ông Schuster nhận định.

Mỹ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra phản ứng trước sự việc.

“Do tên lửa trên ở vị trí quá gần với lãnh thổ Nga - trên thực tế là gần Nga hơn là Nhật Bản - nên Tổng thống không cho rằng Nga sẽ cảm thấy hài lòng. Hãy để hành động khiêu khích này như một lời kêu gọi với tất cả các nước nhằm thực thi các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn với Triều Tiên” – Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nói trong một tuyên bố.

Về phần mình, Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.

“Tình hình hiện tại trên bán đảo Triều Tiên hết sức phức tạp và nhạy cảm. Tất cả các bên nên kiềm chế và tránh các hành động có thể khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng” – Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.

Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã thảo luận về sự việc bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh; theo hãng tin Tass của Nga.

“Mối quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng đã được nêu bật, trong đó có liên hệ tới cả vụ phóng tên lửa” - người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói.

Hành trình 700 km

Tên lửa mà Triều Tiên phóng đi, xuất phát từ vị trí gần thành phố Kusong, và bay được khoảng 700 km; quân đội Hàn Quốc cho hay. Một quan chức Mỹ cũng xác nhận về tầm bay này, nhưng nói rằng Mỹ vẫn đang tiếp tục điều tra để đưa ra kết luận về loại tên lửa vừa được phóng.

Ông David Wright, đồng chủ tịch Liên hiệp các Nhà khoa học Quan tâm (UCS), cho hay Triều Tiên có thể đã phóng một loại tên lửa “có tầm bay xa hơn các loại tên lửa hiện tại của họ” trong vụ thử nghiệm hôm Chủ nhật vừa qua. Vị chuyên gia chỉ ra rằng báo cáo của phía Bộ Quốc phòng Nhật Bản, nói rằng tên lửa mà Triều Tiên mới phóng đã đạt được tầm cao 2.000 km, tức cao hơn đáng kể so với quãng đường di chuyển của tên lửa này, với thời lượng bay khoảng 30 phút.

Nếu tên lửa này thực sự đạt được tầm cao và bay được thời lượng lâu như vậy, nó hoàn toàn có thể bay tới lãnh thổ Mỹ, cụ thể là đảo Guam trên Thái Bình Dương; ông Wright nhận định.

Nhật Bản lên án

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án vụ phóng thử nghiệm trên trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhanh với báo giới.

“Bất chấp những lời cảnh báo từ cộng đồng quốc tế, Triều Tiên vẫn tiếp tục phóng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo” – Thủ tướng Abe nói – “Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận và chúng tôi cực lực phản đối nó. Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là một mối đe dọa nghiêm trong đối với Nhật Bản và rõ ràng đã vi phạm nghị quyết của LHQ”.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, Yasuhide Suga, nói rằng chính phủ nước này không áp dụng mức “báo động J”, một hệ thống cảnh báo các vụ phóng tên lửa trên phạm vi toàn quốc. Ông thêm rằng tên lửa trên không rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Liên tiếp thử tên lửa

Hàn Quốc lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

“Tổng thống... lấy làm tiếc trước việc Triều Tiên có sự khiêu khích liều lĩnh chỉ vài ngày sau khi chính quyền mới của Hàn Quốc bắt đầu nhiệm kỳ” – Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nói sau khi ông Moon họp với Hội đồng An ninh Quốc gia.

Vụ phóng tên lửa đạn đạo hôm Chủ nhật vừa qua là sự kiện tiếp nối sau một vụ thử tên lửa đạn đạo khác của Triều Tiên, mà phía Mỹ và Hàn Quốc cho là thất bại. Tên lửa nói trên được phóng vào hôm 29/4 vừa qua, và đã phát nổ ngay trên lãnh thổ Triều Tiên; theo một người phát ngôn thuộc Bộ Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương.

Trước đó, Triều Tiên từng thử nghiệm tên lửa ít nhất 9 lần trong 6 dịp khác nhau kể từ sau khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống hồi tháng 1 vừa qua.

Dù cho căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đẩy lên mức cao bất thường trong những tháng gần đây, một nhà ngoại giao Triều Tiên vẫn nói với hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc hôm 13/5 rằng Bình Nhưỡng luôn cởi mở với khả năng đàm phán với Washington “trong các điều kiện cho phép”.

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Trump từng nói ông luôn sẵn lòng tổ chức cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “dưới các điều kiện phù hợp”. Tuy nhiên, chưa từng có vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm nào từng gặp gỡ với lãnh đạo Triều Tiên khi còn đang nắm quyền, và ý tưởng này đặc biệt gây tranh cãi ở nước Mỹ.

“Triều Tiên đã trở thành một mối đe dọa trong khoảng thời gian quá dài. Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tiếp tục cùng chúng tôi theo dõi sát sao tình hình” - ông Spicer nói trong tuyên bố đưa ra hôm 14/5.

Hiện nay, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn đang tìm cách nâng cấp các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, trong khi chính quyền Washington đã phô trương sức mạnh quân sự trong khu vực nhằm ngăn chặn chương trình này tiếp diễn. Cố vấn an ninh quốc gia, ông H.R McMaster, đã thông báo cho Tổng thống Donald Trump bằng điện thoại về vụ phóng tên lửa mới nhất này; giới chức Nhà Trắng cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diễn biến vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO