Gian nan cuộc chiến chống khủng bố

Khánh Duy 18/06/2017 08:00

Kể từ những tuần sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố nhằm vào buổi diễn của ca sỹ Ariana Grande (ngày 22/5) tại nhà thi đấu thành phố Manchester (Anh), thế giới đã chứng kiến thêm 12 vụ tấn công khủng bố xảy ra trên phạm vi toàn cầu, với tổng số người thiệt mạng lên tới 298 người cùng 650 người khác bị thương.

Hiện trường vụ đánh bom ở một ngã tư đông người qua lại ở Kabul, Afghanistan khiến 150 người thiệt mạng. Nguồn: Reuters.

Vụ việc mới đây nhất xảy ra vào ngày 7/6, khi những kẻ vũ trang thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố tự phát nhằm vào tòa nhà Quốc hội Iran và lăng mộ của cố lãnh đạo cách mạng Ruhollah Khomeini. Trong vụ tấn công, trách nhiệm được cho là thuộc về tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã có ít nhất 12 người thiệt mạng và 40 người bị thương.

Giới chức Tehran cho hay có 6 kẻ tấn công, tất cả đều bị tiêu diệt bởi lực lượng an ninh nước này.

Trong lúc mà các vụ tấn công này được xem là vụ tấn công khủng bố đầu tiên xảy ra ở Tehran trong vòng hơn một thập kỷ qua, thì hàng loạt các vụ tấn công khủng bố khác xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới trong những tuần qua, mà trong đó trách nhiệm phần lớn được tổ chức IS đứng ra nhận.

1. Trước đó, vào ngày 22-5, một kẻ tấn công kiểu “sói đơn độc” 22 tuổi đã thực hiện một vụ đánh bom tự sát nhằm vào nhà thi đấu Manchester, Anh vào thời điểm buổi biểu diễn của ca sỹ Mỹ Ariana Grande vừa kết thúc. Vụ việc cướp đi sinh mạng của 22 người và 119 người khác bị thương.

Kẻ đánh bom tự sát, được xác nhận là Salman Ramadan Abedi, đã kích nổ một trái bom tự chế bên trong có chứa nhiều mảnh kim loại để tăng sát thương. Theo nhiều báo cáo, Salman từng nằm trong tầm ngắm của các cơ quan an ninh Anh, tuy nhiên chính quyền lại không coi gã như một mục tiêu có mức đe dọa cao.

Dù từng nghi ngờ rằng Salman là thành viên của một mạng lưới khủng bố quốc tế, nhưng sau đó cảnh sát Anh tuyên bố rằng kẻ này đã hành động một mình.

Người bị thương bên ngoài nhà thi đấu Manchester sau khi một trái bom phát nổ.

2. Tiếp đến, vào ngày 24/5, một trạm xe buýt đông đúc ở khu Kampung Melayu, Đông Jakarta, đã rung chuyển vì các khối chất nổ. Vụ nổ khiến 3 sỹ quan cảnh sát thiệt mạng, 11 người khác bị thương trong khi 2 kẻ đánh bom cũng chết tại hiện trường. Được biết những kẻ tấn công có mối liên hệ với nhóm phiến quân ở Poso, miền Trung Selawesi.

Theo hãng Strait Times, một nguồn tin cảnh sát đã xác nhận kẻ tấn công đầu tiên là Solihin, một nhân viên quản lý làm việc tại Darul Anshor - một trường học Hồi giáo ở Poso - và kẻ còn lại là Ichwan Nurul Salam, một người đàn ông 34 tuổi đến từ Bandung, Tây Java.

Các nhà điều tra chống khủng bố, mặt khác, đang cố gắng tìm hiểu xem liệu 2 nghi phạm trên có mối liên hệ với tàn dư của nhóm phiến quân Mujahidden ở Đông Indonesia hay không do nhóm này đang hoạt động ở Poso.

3. Chỉ 2 ngày sau, tức vào ngày 26-5, những kẻ tấn công có vũ trang đã sát hại ít nhất 28 tín đồ Công giáo đang trên đường di chuyển tới một nhà thờ ở tỉnh Minya, Ai Cập, cách thủ đô Cairo 220 km. Dù không có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng tờ New York Times của Mỹ đã mô tả rằng vụ tấn công “mang nhiều dấu ấn của IS”.

Trong một bài viết trên tờ Washington Post, những người sống sót sau vụ tấn công cho hay, sau khi những tay súng này ập vào xe buýt, chúng đã yêu cầu họ phải lựa chọn giữa “chuyển sang đạo Hồi, sống và theo đạo Hồi, hoặc bị giết chết”. Nhiều người trên chuyến xe sau đó từ chối và bắt đầu cầu nguyện.

“Chúng tôi càng cầu nguyện, chúng càng trở nên tức giận và bắt đầu xả súng”- Boshra Kamel, người tài xế sống sót dù bị dính nhiều phát đạn, kể lại.

Hiện trường vụ đánh bom ở Kampung Melayu, Indonesia.

4. Trong đêm ngày thứ Ba, 30/5, một kẻ đánh bom thuộc tổ chức IS đã tấn công cửa hàng bán kem ở thủ đô Baghdad, Iraq nơi nhiều gia đình đang tụ họp nghỉ ngơi sau một ngày dài cầu nguyện trong tháng lễ Ramadan. Vụ nổ đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng trong đêm hôm đó.

“Cửa hiệu này là một nơi dành cho tất cả người dân Iraq, dù họ đến từ đâu. Nhưng bỗng chốc nó đã từ một nơi rất đẹp đẽ biến thành địa ngục đen tối” - Mustafa Aljibour, quản lý cửa hiệu trên, nói với tờ New York Times.

Chưa kết thúc, chỉ vài giờ sau đó, IS tiếp tục tấn công khủng bố nhằm vào giữa trái tim thủ đô Baghdad. Những tay súng của tổ chức này đã kích nổ một trái bom ngay bên ngoài văn phòng hưu trí chính phủ, nơi có nhiều người đang đi mua sắm. Vụ nổ khiến 14 người thiệt mạng và 34 người bị thương.

Tuy nhiên, chủ cửa hiệu kem, ông Al Faqma, đã mở cửa trở lại chỉ trong vòng 5 ngày sau vụ tấn công. Người này đã đưa ra một thông điệp chống chủ nghĩa khủng bố trên tài khoản Facebook của mình: “Chúng tôi đã làm việc bất kể ngày đêm để mở cửa trở lại, thách thức chủ nghĩa khủng bố. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, chúng ta phải đối diện với khủng bố”.

5. Đến ngày 31/5, những kẻ phiến quân tiếp tục cho nổ một chiếc bom xe ngay giữa một ngã tư đông người qua lại ở thủ đô Kabul, Afghanistan, khiến 150 người thiệt mạng và 413 người khác bị thương, trong vụ việc được xem là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất từ trước đến nay từng xảy ra ở thành phố này. Những kẻ tấn công đã sử dụng một chiếc xe tải lớn và nhồi vào bên trong nó 1,5 tấn thuốc nổ.

Trong khi Taliban và IS từng khuấy động hàng loạt vụ tấn công mới đây ở Afghanistan, nhưng cả hai tổ chức này đều bác bỏ mọi trách nhiệm liên quan tới vụ việc trên.

Sự việc chưa dừng ở đó, khi đến ngày 3/6, trong một tang lễ của một trong số các nạn nhân vụ đánh bom trên, những kẻ đánh bom tự sát lại thực hiện thêm một vụ tấn công khác khiến 20 người thiệt mạng và 87 người khác bị thương.

6. Đáng chú ý nhất trong thời gian vừa qua có lẽ là chuỗi sự kiện khủng bố xảy ra ở Anh, khi chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần sau vụ khủng bố ở Manchester, nước này lại trở thành mục tiêu một lần nữa.

Vào ngày 3/6, người dân London chứng kiến 3 kẻ khủng bố Hồi giáo lái xe tải con tông bừa vào người đi bộ trên cầu London Bridge cắt ngang sông Thames sau đó dùng dao đâm chém người dân tại khu vực một quán bar ở chợ Borough gần đó. Có tổng cộng 8 người thiệt mạng và 48 người bị thương trong vụ tấ công. Trong số 8 nạn nhân này thì có tới 4 là sỹ quan cảnh sát không được trang bị vũ khí, những người đã cố ngăn chặn những kẻ tấn công.

3 kẻ tấn công, bị cảnh sát tiêu diệt sau đó, được nhận diện là Khuram Shazad Butt, Rachid Redouane, và Youssef Zaghba. Hãng thông tấn Amaq của phiến quân IS tuyên bố rằng những kẻ này là chiến binh dưới trướng của chúng.

7. Ngoài nước Anh thì Afghanistan cũng liên tiếp hứng chịu các đợt khủng bố, ít nhất là lần thứ ba chỉ trong một tuần lễ.

Trong hôm 6/6, những tay súng phiến quân đã kích nổ một trái bom bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Jama Masjid ở Heart, khiến 7 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Đây là nhà thờ cổ kính đã được xây dựng từ thế kỷ 12 và là địa điểm nổi tiếng nhờ có các khối gạch lát màu xanh tinh xảo.

Vụ nổ xảy ra khi nhiều tín đồ đang đổ tới nhà thờ này để cầu nguyện trong tháng lễ thánh Ramadan; theo cảnh sát thành phố Herat. Một người phát ngôn của phiến quân Taliban cũng bác bỏ dính líu tới vụ tấn công này.

8.Trong cùng ngày, tại thủ đô Paris của Pháp, một người đàn ông trên tay cầm búa và dao làm bếp đã tấn công một sỹ quan cảnh sát tại khu vực quảng trường bên ngoài nhà thờ Notre-Dame.

Kẻ tấn công, người đã bị vô hiệu hóa sau khi bị bắn bởi một sỹ quan cảnh sát khác, còn mang theo một thẻ căn cước trong đó tự mô tả mình là một sinh viên người Algeria tên Gerard Collomb, theo Bộ Nội vụ Pháp. Cơ quan này sau đó cũng tuyên bố rằng kẻ tấn công dường như đã hành động đơn độc.

Hàng loạt các vụ khủng bố diễn ra ở nhiều nước thuộc nhiều châu lục khác nhau đã mang tới một bầu không khí tang thương đồng thời bao trùm cả thế giới bằng nỗi quan ngại về chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy mạnh mẽ, ngay trong tháng lễ thánh Ramadan của người Hồi giáo. Các sự kiện trên cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới chính trường một số quốc gia đang tổ chức bầu cử, đơn cử như Anh, nơi mà cử tri dường như lo về vấn đề an ninh quốc gia hơn là Brexit.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan cuộc chiến chống khủng bố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO