Giành vé đại diện đảng Dân chủ, Hillary Clinton làm nên lịch sử

Khánh Duy 07/06/2016 20:15

Bà Hillary Clinton đã tạo nên một dấu ấn mới trong lịch sử chính trị nước Mỹ sau khi giành đủ số đại biểu để trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống vào tháng 11 tới và trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử 240 năm của nước Mỹ giành tấm vé dẫn đầu một chính đảng lớn trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Bà Hillary Clinton làm nên lịch sử sau khi trở thành nữ ứng viên đầu tiên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ. (Nguồn: ABC).

Chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của đảng Dân chủ ở Puerto Rico hôm Chủ nhật tuần trước cùng sự ủng hộ từ các siêu đại biểu đã giúp bà Clinton, 68 tuổi, trở thành ứng viên đại diện của đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Bà đã cán đích sau khi giành được 1.812 đại biểu và 572 siêu đại biểu và nắm tổng số 2.384 đại biểu - tức hơn cả số đại biểu cần có để giành vị trí này.

Số đại biểu của bà Clinton còn dự kiến tiếp tục tăng khi 6 bang, trong đó gồm các bang có nhiều đại biểu như California và New Jersey, tổ chức tranh cử trong ngày 6/6 (giờ Mỹ). Phát biểu tại Long Beach, California hôm đầu tuần (giờ Mỹ), bà Clinton cho hay bà vẫn sẽ tập trung vào các bang sẽ diễn ra các cuộc tranh cử.

“Chúng ta đã đến rất gần một khoảnh khắc lịch sử chưa từng có, nhưng chúng ta vẫn còn việc phải làm” - Bà Clinton nói - “Chúng ta có 6 cuộc bầu cử trong ngày mai và sẽ tiếp tục tranh đấu vì các lá phiếu, đặc biệt là ở ngay đây, California”.

Sau 3 thập kỷ bươn trải trong trung tâm chính trị nước Mỹ với tư cách là một biểu tượng nữ chính trị gia hàng đầu, chiến thắng này đã đưa bà Clinton gần hơn tới đỉnh cao sự nghiệp chính trị mà cách đây 8 năm từng để trượt mất vào tay ông Barack Obama, người sau đó trở thành Tổng thống Mỹ.

Cựu Đệ nhất phu nhân, Thượng nghị sỹ bang New York và cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ chính thức trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng Dân chủ vào đại hội của đảng này tổ chức trong tháng tới, và sẽ đối mặt với ứng viên đại diện đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc tổng tuyển cử được đánh giá là khốc liệt nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ.

Mới tuần trước, người ta đã được chứng kiến màn dạo đầu của trận chiến khốc liệt đó, khi bà Clinton bắt đầu công kích mạnh mẽ kinh nghiệm làm ăn, tính cách của Trump để cố biến ông thành một người không phù hợp với vị trí Tổng thống trong con mắt cử tri. Trump, về phần mình, lại cố gắng mô tả bà Clinton như một người dối trá và không thể tin tưởng.

Dù đã vạch sẵn chiến lược đối phó Trump, nhưng bà Clinton cũng còn nhiều việc phải làm trong đảng của bà, và từng cam kết rằng sẽ tái đoàn kết lại đảng Dân chủ sau khi giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh gay gắt với đối thủ Bernie Sanders. Ông Sanders vẫn tham dự vòng bầu cử “Siêu thứ Ba” cuối cùng của mình (hôm 6/6) và tuyên bố chiến dịch của ông chỉ kết thúc khi tới đại hội đảng vào tháng 7, nhưng khi so sánh số đại biểu về mặt toán học thì ông đã bị “tiêu diệt”.

Đỉnh cao sự nghiệp chính trị

Chính trị đã bắt đầu đồng hành cùng bà Clinton kể từ khi bà còn là một sinh viên lanh lợi từng có bài phát biểu trước toàn thể Học viện Wellesley năm 1969, để rồi sau đó gặp gỡ với một người đàn ông trẻ tuổi sau đó trở thành chồng bà và cũng là vị Tổng thống đời thứ 42 của nước Mỹ.

Giới chuyên gia Mỹ không thể ngờ rằng, từ chỗ là một hình tượng chính trị gia xuất thân từ cuộc khủng hoảng chính trị những năm 1990 cuối cùng lại có thể đạt được một sự nghiệp vinh quang đến vậy - ứng viên đại diện cho một chính đảng lớn.

Bà Clinton sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử sắp tới với tư cách là ứng viên Tổng thống ấn tượng nhất từ trước đến nay. Bà từng chứng kiến những áp lực và gánh nặng của vị trí người đứng đầu nước Mỹ khi còn sát cánh cùng chồng, Tổng thống Bill Clinton, hơn bất cứ ứng viên nào trước đây. Bà cũng từng sống sót vô số lần sau những cuộc khủng hoảng chính trị; tất cả đều nhờ vào bản lĩnh chính trị và sức phục hồi khó tin của bản thân.

Dù vậy, vào thời điểm này, bà Clinton vẫn sẽ gặp vô số khó khăn trước mắt. Những lá phiếu thăm dò cho thấy, cũng giống như Donald Trump, bà Clinton là một trong số những ứng viên đại diện có nhiều tai tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Vụ bê bối liên quan đến việc bà sử dụng tài khoản thư điện tử cá nhân hồi còn giữ vị trí Ngoại trưởng Mỹ đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính minh bạch và sự trung thực trong suốt quá trình hoạt động chính trị của bà. Và phía đảng Cộng hòa tin rằng chính sách ngoại giao của bà, thể hiện qua việc ứng phó với Libya hay Nga trước đây, có thể là điểm yếu để họ công kích và giành chiến thắng.

Bà cũng cần phải tái đoàn kết lại đảng Dân chủ, hiện đang có nhiều tín hiệu chia rẽ sâu sắc - điều đã giúp ứng viên Sanders giành chiến thắng ở một loạt bang trước đây. Để giành chiến thắng tổng tuyển cử tháng 11 tới, bà Clinton chắc chắn phải làm được điều này, nếu như không muốn để thua trước một ứng viên sừng sỏ như Donald Trump phía đảng Cộng hòa…

Chặng đường thử thách còn ở phía trước

Cũng giống như phần lớn sự nghiệp chính trị của mình, con đường phía trước đang chờ đón bà Clinton đầy rẫy những chướng ngại và hầu hết trong số những thách thức mà bà sắp phải đối mặt lại chính là những sai lầm trước kia - có thể là bê bối sử dụng email cá nhân, những lời chỉ trích về kỹ năng tổ chức chiến dịch hay cách xử lý sự kiện ở Libya trước kia…

Cũng tương tự như trong năm 2008, bà Clinton luôn được xem là một ứng viên tiềm năng và không thể thiếu - nhưng bà luôn phải đối mặt với những đối thủ bất ngờ trỗi dậy, trong trường hợp cuộc tranh cử lần này là ông Bernie Sanders, một ứng viên tự do.

Nhưng sau tất cả, bà Clinton đã giành được vị trí cao nhất về phía đảng của mình. Điều này là xứng đáng. Cuộc chiến khốc liệt đang chờ đợi ở phía trước, nhưng nếu nhìn lại cả chặng đường bầu cử vừa qua - từ những chiến thắng lớn ở Iowa, New York, Pennsylvania hay những thất bại như ở New Hampshire - người ta có thể thấy rằng bà Clinton đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giành vé đại diện đảng Dân chủ, Hillary Clinton làm nên lịch sử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO