Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về dự luật trừng phạt Nga, Iran

Khánh Duy 26/07/2017 07:00

Hạ viện Mỹ trong ngày hôm nay (26/7) dự kiến tổ chức cuộc bỏ phiếu để thông qua một dự luật cho phép áp đặt lớp lệnh trừng phạt mới nhằm vào các nước Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên, và có thể khiến cho nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Moscow của Tổng thống Trump bị tê liệt.

Dự luật mới nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng tới hy vọng hàn gắn quan hệ Nga-Mỹ của Tổng thống Trump. (Nguồn: Reuters).

Dự luật bất lợi cho Trump

Biện pháp mà cả hai chính đảng Mỹ đưa ra được cho là để trừng phạt Nga sau sự kiện Crimea trở lại thành một phần nước Nga hồi năm 2014, cùng các cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Số phận của dự luật này ở Thượng viện đã trở nên đầy bất trắc sau khi một thượng nghị sỹ có vị trí quan trọng của cơ quan lập pháp này nói rằng thỏa thuận mà họ đạt được hồi cuối tuần trước chưa phải là thỏa thuận cuối cùng.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã nói trước báo giới rằng, các nhà đàm phán thỏa thuận trên đã có một “cuối tuần vui vẻ” nhưng tuyên bố về thỏa thuận trên “dường như là đã đưa ra quá sớm”.

“Chúng tôi sẽ lại thảo luận, vẫn còn một số vấn đề về thủ tục mà chúng tôi đang thảo luận nhưng tôi nghĩ rằng vẫn còn một số thứ mà chúng tôi cần bàn thêm liên quan tới Triều Tiên” - ông Corker cho hay.

Nếu như Thượng viện - hiện đang trong tầm kiểm soát của đảng Cộng hòa - thông qua dự luật trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cần phải quyết định xem liệu có ký kết dự luật này để biến nó thành bộ luật thực thi hay phủ quyết nó.

Việc phủ quyết dự luật này sẽ mang tới rủi ro rằng, quyền phủ quyết của Tổng thống Trump có thể bị vô hiệu hóa nếu giới lập pháp tiếp tục gom đủ sự ủng hộ cần thiết cho dự luật.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã cực lực phản đối việc xem xét về dự thảo luật trừng phạt Nga. Dự thảo luật này đặc biệt khó chịu đối với Tổng thống Trump bởi nó quy định Tổng thống cần phải được Quốc hội thông qua nếu có bất kỳ đề xuất gỡ bỏ trừng phạt nào đối với Moscow.

“Ông ấy sẽ sớm biết thêm về dự thảo luật này và để xem kết quả cuối cùng sẽ ra sao” - người phát ngôn Nhà Trắng, Sarah Sanders, nói trước báo giới trong hôm đầu tuần khi được hỏi liệu ông Trump có ủng hộ dự luật này hay không.

Mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và nước Nga đã trở thành tâm điểm chú ý trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ của ông, trong bối cảnh các cuộc điều tra nhằm vào các cố vấn của ông vẫn tiếp diễn nhằm tìm ra mối liên hệ giữa chính quyền Trump và giới chức Nga hay không.

Nga đã bác bỏ thẳng thừng cáo buộc vô lý cho rằng họ can thiệp vào kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, trong khi ông Trump cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng chiến dịch tranh cử của ông có liên hệ với Moscow.

Nhưng ngay trong lúc mà Hạ viện tiếp nhận dự luật trừng phạt Nga, con rể của Tổng thống Trump, Jared Kushner, phải tới Đồi Capitol trong hôm thứ hai liên tiếp để tham gia điều trần về các mối liên hệ của ông với giới chức Nga trong khoảng thời gian tổ chức chiến dịch tranh cử năm 2016 và quá trình chuyển tiếp quyền lực ở Nhà Trắng.

Một phiên bản trước đó của dự luật trừng phạt này, bao gồm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và Iran, đã được Thượng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ phiếu ủng hộ áp đảo 98-2 vào hôm 15/6 vừa qua. Một dự luật trừng phạt nhằm vào Triều Tiên cũng được Hạ viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo 419-1 hồi tháng 5.

Giới lập pháp tại Hạ viện ngày càng trở nên mất kiên nhẫn hơn khi Thượng viện thất bại trong việc thông qua dự luật này. Các thành viên Hạ viện hiện xem dự luật trừng phạt Nga và Iran như một cơ hội để tiếp tục thúc đẩy Thượng viện thông qua dự luật trừng phạt Triều Tiên.

Nga, EU phản ứng

Ngay sau khi Mỹ đưa ra động thái trên, EU đã cảnh báo rằng, “các biện pháp đơn phương” có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự đoàn kết của khối liên minh xuyên Đại Tây Dương và có khả năng gây ra “những hậu quá khó lường”.

Nhấn mạnh rằng “dự luật về các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga/Iran chủ yếu được đưa ra do quyết định từ bên trong nước Mỹ”, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu các đối tác Mỹ hợp tác hơn trong nỗ lực cấm vận Nga, cụ thể là hợp tác với EU và các thành viên còn lại của nhóm các nền kinh tế hàng đầu G7.

Ngoài ra, tuyên bố từ phía EU cũng kêu gọi Quốc hội cùng chính quyền Mỹ cam kết với các đối tác của mình, trong đó có EU, rằng sẽ đảm bảo sự hợp tác giữa hai bên trong vấn đề cấm vận Nga để tránh các hậu quả mà các biện pháp này có thể gây ra.

Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, hôm cuối tuần trước nói rằng chính quyền Moscow có quan điểm “cực kỳ tiêu cực” về các diễn biến mới liên quan tới dự luật trừng phạt được Quốc hội Mỹ thảo luận.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã cảnh báo rằng, bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào nhằm vào Nga sẽ chỉ khiến cho mối quan hệ Nga-Mỹ càng trở nên tồi tệ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về dự luật trừng phạt Nga, Iran

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO