Hơn 200 nghìn công ty bị nêu danh trong Panama Papers 2.0

Khánh Duy 11/05/2016 09:05

Chỉ chưa đầy một tháng kể từ khi vụ rò rỉ mang tên Panama Papers xuất hiện gây chấn động toàn thế giới, Hiệp hội các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã tiếp tục công bố một lượng dữ liệu lớn có liên quan tới các hoạt động che giấu tài sản ở nước ngoài của giới siêu giàu và giới chính trị gia. Đáng chú ý, trong số này có nhiều cá nhân và tổ chức của Việt Nam.

Hơn 200 nghìn công ty bị nêu danh trong Panama Papers 2.0

Panama Papers tiếp tục nêu danh hơn 200.000 công ty
có liên quan đến các hoạt động tài chính ngầm (Nguồn: Internet).

Hôm đầu tuần, ICIJ đã công bố chi tiết về 214.000 công ty nước ngoài trong một dữ liệu có thể tra cứu được trên website chính thức của họ. Gói dữ liệu này là một phần của 11,5 triệu tài liệu mà họ thu được từ công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama trước đó.

Gói dữ liệu được công bố hôm đầu tuần đã đưa ra thông tin cơ bản về các công ty, quỹ ủy thác và tổ chức được thành lập ở 21 khu vực khác nhau, từ Hong Kong, Sinagapore, New Zealand cho đến bang Nevada của nước Mỹ. ICIJ cũng cho hay, họ đã tỏ ra cẩn trọng khi không công bố các thông tin riêng tư như tài khoản ngân hàng, các đoạn trao đổi qua thư điện tử hoặc các giao dịch tài chính…

Đợt công bố hôm đầu tuần, mà ICIJ gọi là vụ phanh phui lớn nhất thế giới thông tin về các công ty nước ngoài và những cá nhân đứng đằng sau chúng, và là một phần của quá tình điều tra mà họ đang tiến hành nhằm đưa ra ánh sáng các cá nhân đang cố gắng tại nên các công ty bí mật - như các công ty vỏ bọc - mà giới chuyên gia cho rằng đang làm giàu bằng cách rửa tiền và trốn thuế.

Và không chỉ có các công ty vỏ bọc, mà Panama Papers còn đưa ra cái nhìn sâu hơn về các quỹ ủy thác. Theo ICIJ, các quỹ ủy thác này vận hành không giống một công ty: Bạn sẽ gửi tiền cho một người khác và người này quản lý nó cho bạn và theo cách này, bạn có thể nói rằng bạn không sở hữu số tiền kia.

New Zealand hiện là một trong số các quốc gia chịu sức ép nặng nề nhất sau đợt công bố mới hôm đầu tuần. Hàng loạt các kênh truyền thông nước này đã đưa ra báo cáo nói rằng Mossack Fonseca khuyến khích khách hàng tìm đến New Zealand bởi đây là một địa điểm tốt để làm ăn kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nhân người Mỹ Latin giàu có thì lại thường sử dụng các công ty vỏ bọc và quỹ ủy thác để chuyển tiền đi khắp thế giới, báo cáo của ICIJ cho hay.

Được biết, New Zealand và Samoa là 2 địa chỉ trong số 21 khu vực “thiên đường thuế” mà ICIJ đưa cả thông tin về các cổ đông của các công ty vỏ bọc.

Mỹ, hóa ra cũng là một trong số các “thiên đường thuế” lớn nhất thế giới khi các bang như Delaware, Wyoming và Nevada có nhiều bộ luật cho phép che giấu thông tin tài sản hơn cả đảo Virgin của nước Anh. Theo Chỉ số Bí mật Tài chính 2015 thì các bang này đứng đầu quốc gia về việc “cung cấp các cơ sở bí mật” cho các chủ sở hữu.

Hơn 200 nghìn công ty bị nêu danh trong Panama Papers 2.0 - 1

Hàng loạt công ty Việt Nam xuất hiện trong dữ liệu mà ICIJ cung cấp (Nguồn: ICIJ)

Công ty Việt Nam có tên trong Panama Papers

Đợt công bố dữ liệu hôm đầu tuần cũng gây chú ý khi nêu ra hàng loạt các tên tuổi những doanh nhân nổi tiếng thế giới như Janie và Victor Tsao, 2 nhà sáng lập công ty mạng - dữ liệu Linksys, được cho là có tham gia một quỹ ủy thác chung. Raj Rajaratnam, tỷ phú và là nhà sáng lập Quỹ đầu tư Galleon, cũng nằm trong Panama Papers. Ông Rajaratnam đã bị tuyên án 11 năm tù giam hồi năm 2011 vì 9 tội danh gian lận và lừa đảo.

Ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng xuất hiện trong danh sách được công bố lần này.

Cũng theo dữ liệu được công bố, có 19 công ty tại các “thiên đường thuế” như Panama và đảo Virgin của Anh có liên quan đến Việt Nam trong xuất hiện trong phần tra cứu dữ liệu rò rỉ trên website chính thức của ICIJ. Có 189 cá nhân và tổ chức, cùng 185 địa chỉ tại Việt Nam có liên quan tới các công ty vỏ bọc trong hai vụ điều tra này. Các cái tên đáng chú ý gồm Tập đoàn khách sạn và Nhà nghỉ Furama, công ty bất động sản Việt Nam SGL…

Theo giới chuyên gia tài chính, việc thành lập các quỹ ủy thác hoặc công ty vỏ bọc không hề vi phạm pháp luật, nhưng thực tế rằng các chủ sở hữu có thể hoàn toàn ẩn danh mới là vấn đề thực sự, cùng lúc kêu gọi ICIJ công khai những bên sở hữu các tài khoản nước ngoài, quỹ ủy thác nước ngoài.

“Các tài khoản ngân hàng nước ngoài, quỹ ủy thác nước ngoài và các tập đoàn sở hữu tài khoản nước ngoài cần phải được công bố… bởi việc bảo vệ bí mật các tài sản nước ngoài không còn là một chiến lược khả thi trong thế giới ngày nay” - ông Asher Rubinstein, chuyên gia về bảo vệ tài sản thuộc hãng luật Rubinstein&Rubinstein, nhận định.

“Đợt công bố lần này đã đưa ra thêm chi tiết về điều gì đang diễn ra đằng sau 200.000 công ty bị nêu danh. Bất cứ một nhà nghiên cứu, học giả hay nhà báo nào quan tâm cũng có thể tra cứu từ dữ liệu này và lần ra mối quan hệ giữa những người bị nêu danh với tên các công ty” - ông Tom Cardamone, Giám đốc điều hành Global Financial Integrity,một công ty chuyên nghiên cuus về tài chính, nhận định.

Ông Cardamone cũng nhận định rằng, đợt phanh phui lần này mang đến những hậu quả to lớn đối với hệ thống tài chính toàn cầu, như nó đang diễn ra kể từ sau đợt phanh phui đầu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hơn 200 nghìn công ty bị nêu danh trong Panama Papers 2.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO