Khi Hollywood xoay trục sang Trung Quốc

Linh Chi 14/07/2017 22:28

Trong vài năm trở lại đây, Hollywood ngày càng tập trung hướng tới thị trường người xem Trung Quốc hơn, do lo ngại thực tế rằng doanh thu từ các phòng vé ở Bắc Mỹ và Canada ngày càng giảm dần, trong khi doanh thu từ các phòng vé ở Trung Quốc lại tăng lên.

Phim bom tấn “Transformer: The Last Knight” của Hãng Paramount thu về 120 triệu USD từ phòng vé Trung Quốc, trong khi chỉ thu 45 triệu USD ở Bắc Mỹ. (Nguồn: NYT).

Doanh thu bán vé đối với các bộ phim nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng 34% trong năm nay, lên tới 2,3 tỷ USD, theo công ty nghiên cứu EntGroup có trụ sở tại Bắc Kinh. Lấy bộ phim bom tấn “Transformers: The Last Knight” làm ví dụ, doanh thu của nó trong tuần đầu tại Bắc Mỹ chỉ đạt 45 triệu USD trong khi ở Trung Quốc là 120 triệu USD.

Dữ liệu mới nhất từ ComScore, một công ty phân tích có trụ sở ở bang Virginia, cho thấy Hollywood đang có thời điểm khó khăn trên thị trường Trung Quốc. Từ ngày 1/1 tới 30/6 năm nay, các rạp phim Trung Quốc đã công chiếu 24 bộ phim của Hollywood, mang lại doanh thu bán vé 1,76 tỷ USD. Vào cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc chỉ chiếu 22 bộ phim Hollywood, nhưng mang lại doanh thu gần bằng, tức 1,73 tỷ USD.

Mức doanh thu của phim Mỹ chỉ tăng 1,7%, trong khi con số tăng doanh thu xét trên tất cả các phim nhập khẩu tại Trung Quốc lại tăng đến 35%. Các bộ phim ít danh tiếng hơn đến từ các nước khác, ví dụ như “Dangal”, một bộ phim của Bollywood (Ấn Độ) lại thu về mức thu khổng lồ là 191 triệu USD khi công chiếu ở Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua.

Xét tổng quan, doanh thu phòng vé ở Trung Quốc đạt 3,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, tức ở mức tăng trưởng đáng ngại. Chính điều này đã khiến cho Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA) phải thuê một công ty kiểm toán để đánh giá lại các con số doanh thu bán vé mà các rạp phim Trung Quốc công bố. Nhưng dù chưa đi đến kết luận rằng liệu các phòng vé Trung Quốc có đưa ra con số doanh thu thổi phồng hay không, thì Hollywood vẫn đang hướng tới thị trường khổng lồ của nước này.

Ở Bắc Mỹ, doanh thu bán vé trong dịp hè đã giảm tới 8% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi doanh thu tính từ đầu năm đến nay cũng ở mức thấp. Bởi vậy, để tìm cách thúc đẩy tăng trưởng, một số hãng phim lớn như 20th Century Fox và Universal đang cố gắng tìm cách len lỏi vào thị trường Trung Quốc, nước có số lượng các rạp chiếu tăng từ 12.407 năm 2012 lên 40.600 hiện nay. Công ty kiểm toán PwC mới đây ước tính rằng Trung Quốc sẽ sở hữu khoảng 80.377 phòng chiếu phim vào năm 2021- tức là gấp đôi số phòng chiếu ở nước Mỹ.

Một số hãng phim Mỹ cũng không gặp nhiều vấn đề với kiểm duyệt phim ở Trung Quốc. Nước này hiện hạn chế số lượng phim nước ngoài chiếu tại các rạp trong nước, cùng lúc yêu cầu cắt một số cảnh trong các bộ phim mà họ cho phép được công chiếu.

Thực tế cho thấy có nhiều bộ phim Hollywood đã thu được lợi nhuận cao từ thị trường Trung Quốc trong năm nay. “A Dog’s Purpose” sản xuất bởi Hãng Amblin Partners của đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg đã thu được 88,2 triệu USD ở Trung Quốc, trong khi chỉ thu về 64 triệu USD ở Bắc Mỹ- hiện duy trì vị trí thị trường phim ảnh số 1 của thế giới. Bộ phim bom tấn “Resident Evil: The Final Chapter” của Hãng Sony cũng thu về 160 triệu USD ở Trung Quốc trong khi chỉ thu 26,8 triệu USD ở Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng các hãng phim Mỹ thường xuyên phải đối mặt với nhiều thách thức trên thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Họ cho rằng người xem phim Trung Quốc đang trở nên khó tính hơn, mà chất lượng phim đối với người xem ngày càng cao. Ngay cả các rạp phim Trung Quốc cũng đang thoái trào do hơn 80 triệu dân số trẻ nước này đang có xu hướng dùng các ứng dụng xem phim trả tiền trực tuyến, tăng tới 32% so với năm ngoái- theo Analysys, một công ty nghiên cứu tại Bắc Kinh.

Bởi vậy, hiện nay Hollywood đã cố gắng thúc giục chính quyền Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế về phim nhập khẩu. Theo một thỏa thuận 5 năm đang dần đến thời hạn kết, Trung Quốc mỗi năm cho phép công chiếu 34 bộ phim nước ngoài. Nhưng Hollywood mong muốn nâng con số này lên 50.

Các hãng phim Mỹ cũng đang thúc đẩy Trung Quốc thu hẹp khoảng thời gian ngừng chiếu mà Trung Quốc sử dụng để khuyến khích phim nội địa – đối với họ và tăng thời gian thực hiện chiến dịch quảng cáo. Được biết các hãng phim Hollywood chỉ được phép thực hiện chiến dịch quảng cáo trong một tháng trước ngày công chiếu một bộ phim.

Hollywood cũng muốn nhận được khoản ăn chia lớn hơn từ doanh thu phòng vé. Thường thì các hãng phim sẽ nhận được 50% doanh thu phòng vé tại Mỹ, nhưng ở Trung Quốc họ chỉ nhận được 25%. Bởi vậy Hollywood đang đàm phán để nâng con số này lên 40%.

Hiện quá trình đàm phán liên quan tới nhập khẩu phim từ Hollywood sang Trung Quốc đang được thực hiện bởi giới chức Bắc Kinh và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, và quá trình này có thể sẽ bị kéo dài tới năm sau.

Nhiều bộ phim Hollywood đã thu được lợi nhuận cao từ thị trường Trung Quốc trong năm nay. “A Dog’s Purpose” sản xuất bởi Hãng Amblin Partners của đạo diễn Steven Spielberg đã thu được 88,2 triệu USD ở Trung Quốc, trong khi chỉ thu về 64 triệu USD ở Bắc Mỹ. Bộ phim bom tấn “Resident Evil: The Final Chapter” của Hãng Sony cũng thu về 160 triệu USD ở Trung Quốc trong khi chỉ thu 26,8 triệu USD ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng các hãng phim Mỹ thường xuyên phải đối mặt với nhiều thách thức trên thị trường khổng lồ Trung Quốc vì rằng người xem phim Trung Quốc đang trở nên khó tính hơn và các rạp phim Trung Quốc cũng đang thoái trào do hơn 80 triệu dân số trẻ nước này đang có xu hướng dùng các ứng dụng xem phim trả tiền trực tuyến, tăng tới 32% so với năm ngoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi Hollywood xoay trục sang Trung Quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO