Khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng

Linh Chi 18/01/2016 22:59

Khoảng cách giàu nghèo trên thế giới dường như ngày một tăng, như Báo cáo mới nhất của Tổ chức Oxfam đưa ra cho thấy 62 tỷ phú giàu có nhất thế giới sở hữu khối lượng tài sản của nửa dân số nghèo trên toàn thế giới.

Biểu đồ cho thấy số người giàu nhất có khối tài sản ngang
bằng 50% số người nghèo nhất trên thế giới. (Nguồn: Guardian).

Được công bố trong thời điểm mà các nước giàu đang hội tụ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức ở Davos, Báo cáo của Oxfarm đã kêu gọi hành động khẩn cấp để đối phó với một xu hướng đáng lo ngại, trong đó 1% một bộ phận người siêu giàu sở hữu nhiều tài sản hơn 99% dân số gộp lại.

Oxfam cho biết khối lượng tài sản của 50% dân số nghèo nhất thế giới đã giảm xuống chỉ còn có 41% trong khoảng từ 2010 đến 2015, dù cho dân số thế giới đã tăng thêm 400 triệu người. Trong cùng thời kỳ này, khối tài sản của 62 người giàu nhất thế giới lại tăng thêm 500 tỷ USD, lên con số 1,75 nghìn tỷ USD.

Tổ chức này cho hay, trong năm 2010, 388 người giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản tương đương với 50% dân số nghèo nhất thế giới. Con số này đã giảm xuống còn 80 người trong năm 2014 trước khi lại tiếp tục giảm trong năm 2015.

Mark Goldring, Giám đốc điều hành của Oxfam, nói rằng: “Thật không thể chấp nhận được khi một nửa dân số nghèo của thế giới lại sở hữu khối tài sản không thể vượt qua được một nhóm nhỏ của giới siêu giàu. Nhóm này nhỏ đến nỗi có thể xếp hàng đứng trên một bờ biển được”.

Hàng loạt các nhân vật có tầm ảnh hưởng từ Giáo hoàng Francis cho đến Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đều đã kêu gọi hành động để đảo ngược xu hướng bất bình đẳng này, nhưng đến nay vẫn chưa có hành động cụ thể nào được đưa ra. Oxfam ước tính rằng 1% số người giàu nhất này sẽ tiếp tục sở hữu số tài sản ngang bằng tài sản của 50% dân số nghèo nhất thế giới trong năm 2016.

WEF được tổ chức tại Davos lần này diễn ra trong bối cảnh nhiều mối quan ngại rằng sẽ có nhiều bất ổn trên các thị trường tài chính gây nên do sự trỗi dậy của các quốc gia từng được cho là kém phát triển. Oxfam cũng vạch ra một hướng tiếp cận mới gồm 3 điểm: Loại bỏ vấn nạn trốn thuế, tăng cường đầu tư vào các dịch vụ công, và nâng mức lương cho người có thu nhập thấp. Tổ chức này nói rằng ưu tiên hàng đầu là phải dẹp vấn nạn trốn thuế, một vấn đề ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

“Chúng ta cần phải chấm dứt kỷ nguyên của trốn thuế, khi mà những cá nhân giàu có và các công ty đa quốc gia trốn tránh trách nhiệm của họ đối với xã hội bằng cách che giấu số tài sản khổng lồ ở nước ngoài” - ông Goldring nói.

Oxfam đã chỉ ra những ước tính của họ rằng những cá nhân giàu có đã tích trữ khối tài sản khổng lồ của họ - khoảng 7,6 nghìn tỷ USD - trong các tài khoản nước ngoài, thêm rằng nếu đánh thuế vào mức lợi tức mà số tiền khổng lồ trên sinh ra, chính phủ các nước có thể có thêm được một khoản tiền trị giá 190 tỷ USD mỗi năm.

Tổ chức này cũng cho biết, khoảng 30% khối tài sản của tất cả người dân châu Phi gộp lại được tin là ở trong các tài khoản nước ngoài. Trong khi ước tính một khoản thất thu trị giá khoảng 14 tỷ USD tiền thuế đối với khối tài sản này đủ để chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ và trẻ em, và có thể cứu được 4 triệu sinh mạng trẻ em mỗi năm, thuê thêm giáo viên để mọi trẻ em ở châu Phi có cơ hội được đến trường.

Oxfam cho hay họ đang dự tính sẽ thách thức các giám đốc điều hành của hàng loạt tập đoàn đa quốc gia tham gia Diễn đàn ở Davos về chính sách thuế của các công ty này. Tổ chức này cho biết có đến 9 trong số 10 các công ty tham gia vào WEF đều có ít nhất một phương thức trốn thuế, và họ ước tính rằng việc trốn thuế của các công ty đa quốc gia này đã khiến các nước đang phát triển mất đi khoản tiền thuế lên đến 100 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, số tiền đầu tư để các công ty này tìm cách trốn thuế đã đội lên 2,5 lần trong khoảng từ năm 2000 đến 2014.

Equality Trust, một tổ chức đang lên chiến dịch chống lại sự bất bình đẳng ở nước Anh nói rằng, 100 gia đình giàu có nhất nước này đã có khối tài sản gia tăng lên 57 tỷ bảng kể từ năm 2010 đến nay, một thời kỳ mà thu nhập bình quân của nước này đang giảm.

Duncan Exley, Giám đốc của Equality Trust, nói rằng “Sự bất bình đẳng, hiện diện ở cả nước Anh và trên toàn thế giới, hiện đang ở mức độ đáng kinh ngạc. Chúng ta đều biết rằng sự chênh lệch giữa những người giàu nhất và phần còn lại là điều rất xấu cho nền kinh tế và xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO