Lãnh đạo phương Tây nhất trí tiếp tục trừng phạt Nga

09/06/2015 15:00

Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Bavaria trong ngày 8-6 đã tập trung thảo luận về những vấn đề nóng bỏng như cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó nhiều lãnh đạo kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt nặng hơn đối với nước Nga bất chấp một số nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo phương Tây nhất trí tiếp tục trừng phạt Nga

Lãnh đạo các nước phương Tây tạ Hội nghị thượng đỉnh G7 (Nguồn: DW)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk, trong bài phát biểu tại khách sạn Bavarian, Schloss Elmau, Đức, đã thể hiện sự ủng hộ việc tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Nga, với hy vọng rằng nó sẽ có hiệu lực vào cuối tháng này, sau một cuộc họp giới lãnh đạo EU ở Brussels.

"Tất cả chúng tôi đều muốn Nga tham gia hội nghị G7... Nhưng nhóm này không chỉ chia sẻ những lợi ích về chính trị hay kinh tế, trên hết nó là một cộng đồng các giá trị. Và đó là lý do tại sao Nga hôm nay không có mặt tại đây” – ông Tusk nói.

Các nhà ngoại giao thuộc EU cũng cho biết, tại cuộc họp vào cuối tháng này ở Brussels của Bỉ, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thêm 6 tháng do Moscow can dự vào các vấn đề Ukraine.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng chia sẻ cùng quan điểm với ông Tusk, thúc giục các lãnh đạo EU tiếp tục đoàn kết trong việc áp đặt lệnh trừng phạt Nga bất chấp những khó khăn kinh tế mà các nước đang phải hứng chịu do phản ứng ngược.

Bên lề cuộc họp thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đó đã tổ chức một cuộc gặp riêng để thảo luận về vấn đề này. Phía Nhà Trắng đã ra một tuyên bố chung, nói rằng hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng "thời hạn áp đặt các lệnh trừng phạt nên được làm rõ, chiếu theo việc thực hiện Thỏa thuận Minsk và tôn trọng chủ quyền Ukraine của phía Nga”.

Theo nhận định của giới quan sát, dường như các chính trị gia phương Tây đang bị cuốn theo luận điểm của Mỹ về việc liên kết lại để đối phó với Nga.

Thời gian qua, tình trạng bạo lực leo thang ở Ukraine đã khiến nhiều người lo ngại rằng lệnh ngừng bắn được các bên ký kết ở Minsk hồi tháng 2 vừa qua có khả năng bị phá vỡ. Nhiều khu vực tập trung dân cư ở miền Đông nước này liên tục bị pháo kích trong các tuần qua, gây nhiều tổn thất về nhân mạng. Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) cũng báo cáo rằng Thỏa thuận Minsk đang bị cả hai bên vi phạm.

Moscow trước đó từng nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây thúc giục Chính phủ Kiev tuân thủ Thỏa thuận Minsk. Trong một cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ hồi cuối tuần qua, Đại sứ Nga Vitaly Churkin nhấn mạnh rằng "sự vi phạm và phớt lờ trắng trợn đối với Thỏa thuận Minsk” từ phía Kiev đã khiến nhiều nước phương Tây thất vọng.

Việc EU dự định tiếp tục kéo dài lệnh trừng phạt đối với Nga không hề bất ngờ khi Moscow vừa tuyên bố sẽ kéo dài lệnh cấm vận thực phẩm đối với phương Tây nếu các lệnh trừng phạt chống Moscow không được huỷ bỏ. Trước đó, Nga cũng công bố danh sách 89 chính trị gia thuộc các quốc gia EU bị cấm đến Nga.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng lý do mà G7 quyết định gia tăng lệnh trừng phạt đối với Nga có thể không liên quan gì đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Sự trỗi dậy của Nga như một thế lực mới trên các thị trường dầu khí của thế giới đã khiến nhiều tập đoàn lớn và các lợi ích tài chính lớn gây sức ép cho các chính trị gia phải loại Nga khỏi bàn Hội nghị thượng đỉnh năm nay.

Hội nghị G7 năm nay cũng bàn thảo về vấn đề nóng bỏng khác là khủng hoảng nợ công của Hy Lạp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nói rằng việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu không phải là một lựa chọn, nhưng cảnh báo Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras không bóp méo các đề xuất của các bên cho vay nhằm giúp Athens tránh tình trạng vỡ nợ.

Khánh Duy

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãnh đạo phương Tây nhất trí tiếp tục trừng phạt Nga

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO