Liên kết chống khủng bố

Linh Chi 06/12/2015 09:50

Thế giới hơn một năm qua đã từng chứng kiến vô số tội ác của các tổ chức khủng bố: Hàng loạt du khách nước ngoài bị nã đạn trên bờ biển Tunisia, các vụ đánh bom ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), Beirut (Lebanon), máy bay Nga bị đánh bom, thảm sát ở Paris… Đó là lý do mà ngày càng có nhiều quốc gia cam kết thúc đẩy nỗ lực chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Liên kết chống khủng bố

Các nước đang liên kết để chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Mỹ triển khai đặc nhiệm đến Iraq

Cuộc chiến chống lại tổ chức ma quỷ mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chưa bao giờ sôi động hơn thời điểm hiện nay, khi trong tuần qua đã có thêm rất nhiều động thái quân sự mới từ một loạt quốc gia từng cam kết tiêu diệt tổ chức khủng bố này.

Hôm 1/12, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố sẽ triển khai lực lượng đặc nhiệm đến Iraq để thực hiện các cuộc truy kích đơn phương trên lãnh thổ Syria, trong nỗ lực truy quét các thủ lĩnh khủng bố và thực hiện các chiến dịch giải cứu con tin. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói rằng lực lượng đặc nhiệm của họ sẽ phối hợp với quân đội Iraq và lực lượng người Kurd, củng cố nỗ lực tiêu diệt IS.

“Điều này sẽ hướng sự quan tâm của mọi người đến Syria. Những kẻ khủng bố sẽ không biết được rằng ai sẽ luồn vào cửa sổ nhà chúng trong đêm, đó là thứ cảm giác mà chúng tôi muốn những kẻ cầm đầu IS cùng những kẻ ủng hộ chúng cảm nhận được” – ông Carter tuyên bố.

Trong phiên chất vấn trước Ủy ban quân lực của Hạ viện, ông Carter nhấn mạnh rằng, lực lượng đặc nhiệm này sẽ tổ chức các cuộc truy kích, giải cứu con tin, thu thập thông tin và bắt giữ các thủ lĩnh IS. Lực lượng này cũng sẽ đóng tại một vị trí để nhận lệnh thực hiện các chiến dịch đơn phương trên lãnh thổ Syria.

Cách đây khoảng 1 tháng, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng hé lộ về phương án triển khai vài chục binh sĩ đặc nhiệm đến Iraq, nhưng chỉ dừng lại ở mức “cố vấn và hỗ trợ” cho các binh sĩ người Kurd ở khu vực miền Bắc Syria.

Động thái mới đánh dấu lần đầu tiên Mỹ chính thức triển khai bộ binh đến quốc gia này, sau nhiều lần bác bỏ do không muốn bị sa lầy vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông. Tuy được coi là “bước tiến muôn màng”, nhưng động thái này được giới phân tích đánh giá là có thể mang lại tiến triển mới trong chiến dịch chống khủng bố của liên minh chống IS mà Mỹ đang dẫn đầu.

Tuy số lượng lính tinh nhuệ này vẫn chưa được công bố, nhưng theo một số nguồn tin có thể là trên 50 người. Hiện Mỹ vẫn duy trì 3.400 binh sĩ ở Iraq.

Anh quyết hủy diệt “ví tiền” của IS

Cũng trong tuần này, các nhà lập pháp Anh đã bỏ phiếu tán thành một đề xuất của chính phủ nhằm mở rộng chiến dịch không kích chống khủng bố của nước này từ Iraq sang lãnh thổ Syria.

Ngay sau quyết định này, lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã triển khai 4 chiến đấu cơ lớp Tornado đến căn cứ Akrotiri trên đảo Cyprus theo từng cặp trong khoảng một giờ. Hiện chưa rõ vị trí mà những máy bay này nhắm tới nhưng các nguồn tin chính phủ Anh cho hay các cuộc không kích đầu tiên đã được thực hiện. Những phi cơ này đều được trang bị bom Pavewave 226 kg và được nhìn thấy trở về căn cứ khi khoang chứa bom trống rỗng.

Theo đánh giá của giới phân tích, sự hiện diện của máy bay chiến đấu Anh sẽ góp phần củng cố sức mạnh của liên quân do Mỹ dẫn đầu, đồng thời cho phép mở rộng quy mô của các chiến dịch chiến đấu chống IS. Chiến dịch này được cho là sẽ tập trung vào việc cắt đứt “túi tiền” của IS, khi nhằm các cuộc không kích vào các cơ sở dầu mỏ, các đoàn xe chở dầu của tổ chức khủng bố này.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ và Pháp, đang liên tục gia tăng các nỗ lực nhằm đẩy lùi và tiến tới tiêu diệt hoàn toàn IS. Đây cũng là động thái vô cùng đáng chú ý của London nhằm đối phó với nguy cơ bị tấn công khủng bố sau sự kiện đẫm máu ở thủ đô Pháp hôm 13/11.

Động thái trên của Anh đã nhận được sự hoan nghênh của Nga, khi Điện Kremlin nói rằng họ sẽ ủng hộ mọi sự giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại IS, tuy khẳng định rằng Moscow là quốc gia duy nhất đang hoạt động một cách hợp pháp trên lãnh thổ Syria.

“Chúng tôi tiếp tục hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và đặc biệt là IS. Chúng tôi tin rằng nếu các nỗ lực này được kết hợp với nhau trong một liên minh duy nhất, nó sẽ còn trở nên hiệu quả hơn nhiều” - Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nhận định.

Pháp mở chiến dịch quy mô lớn; Đức nhập cuộc

Chuỗi sự kiện trên cũng không thể không nhắc tới động thái mới của Pháp, quốc gia đã liên tục đẩy mạnh các chiến dịch không kích nhằm vào IS thời gian qua, kể từ sau sự kiện đẫm máu ở Paris. Sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Francois Hollande và người đồng cấp Iraq Fuad Masum hôm 2-12, Điện Elysee tuyên bố rằng họ và Iraq đã nhất trí tăng cường phối hợp trong cuộc chiến chống IS.

Bắt đầu từ ngày 23/11, lần đầu tiên Pháp sử dụng các máy bay chiến đấu Rafale cất cách từ tàu sân bay Charles de Gaulle đang được triển khai ở phía Đông Địa Trung Hải để tấn công vào các mục tiêu của IS trên lãnh thổ Iraq. Ngoài tàu sân bay Charles de Gaulle mang theo 26 máy bay chiến đấu, Pháp còn có 6 phi cơ chiến đấu lớp Mirage và 6 chiếc lớp Rafale tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Jordan để tham gia chống IS.

Trước đó, Tổng thống Hollande đã tiến hành một loạt các chuyến thăm và làm việc với một số quốc gia, trong đó có cả Nga và Mỹ, nhằm thúc đẩy việc thành lập một liên minh rộng lớn chống chủ nghĩa khủng bố.

Trong khi đó, ở Berlin, nội các Đức cũng công bố kế hoạch đưa 1.200 binh sĩ hỗ trợ liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống IS ở Syria. Đức cũng có kế hoạch điều máy bay trinh sát, máy bay tiếp nhiên liệu và một tàu chiến tới khu vực để hỗ trợ.

Hà Lan cũng đang có kế hoạch tham gia các cuộc không kích mà liên minh do Mỹ dẫn đầu thực hiện nhằm tiêu diệt IS, sau khi một số thành viên Quốc hội nước này đưa ra lời kêu gọi tham gia chiến dịch. Tuy nhiên, nội các nước này cho hay họ sẽ chỉ đưa ra quyết định sau khi “mọi khía cạnh quân sự và chính trị” của cuộc xung đột ở Syria được thảo luận triệt để.

Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố chưa bao giờ sục sôi như trong lúc này khi kéo theo hàng loạt quốc gia tham gia. Tuy nhiên, thế giới đã từng học được rằng đưa ra một biện pháp hành động quân sự chưa bao giờ là một điều dễ dàng, và luôn đi kèm một mặt trái của nó. Do vậy mà những nỗ lực chống khủng bố cần phải được phối hợp trong một liên minh duy nhất và có chiến lược rõ ràng hơn.

Hôm 1/12, IS đã cảnh báo một vụ thảm sát máu lạnh hơn có thể sẽ xảy ra nếu như các nghị sĩ Anh bỏ phiếu tán thành việc tiến hành các cuộc không kích tại Syria. Lời đe dọa được in trên tạp chí tuyên truyền Dabiq của IS nêu rõ: “Pháp và những kẻ theo sau nên biết rằng họ vẫn là mục tiêu của IS và họ sẽ tiếp tục ngửi thấy mùi của chết chóc nếu xúc phạm nhà tiên tri của chúng tôi, tiếp tục khoe khoang về cuộc chiến chống Hồi giáo ở Pháp và tấn công người Hồi giáo trên đất của “đế chế” bằng không kích”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết chống khủng bố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO