Mỹ cảnh báo Iran sau vụ thử tên lửa đạn đạo

25/09/2017 08:05

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra cảnh báo cứng rắn trong hôm 24/9 liên quan tới thỏa thuận hạt nhân với Iran, sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo này thử nghiệm thành công một tên lửa tầm trung loại mới trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với nước Mỹ.


Tên lửa Khhoramshahr xuất hiện trong cuộc diễu hành tại Tehran, Iran hôm thứ Sáu tuần trước. (Nguồn: NYTimes).

Mỹ có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân

Kênh truyền hình nhà nước Iran trước đó đã công chiếu về vụ phóng thử nghiệm tên lửa Khoramshahr, loại tên lửa lần đầu tiên xuất hiện trong một cuộc diễu binh của quân đội nước này ở thủ đô Tehran hôm thứ Sáu tuần trước. Ngoài ra, một đoạn video khác cũng cho thấy tên lửa này, có tầm bắn khoảng 2.000 km và có khả năng mang nhiều đầu đạn cùng lúc.

"Iran vừa thử nghiệm một tên lửa đạn đạo có khả năng với tới Israel. Họ cũng đang hợp tác với Triều Tiên. Không giống thỏa thuận mà chúng ta có cho lắm!" - Tổng thống Trump bình luận trên tài khoản Twitter cá nhân.

Vụ phóng thử tên lửa diễn ra sau một tuần ngoại giao căng thẳng tại Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ), nơi mà Tổng thống Trump cáo buộc Iran gây bất ổn khu vực Trung Đông, gọi quốc gia này là "nhà nước có các mặt hàng xuất khẩu chính là bạo lực, đổ máu và hỗn loạn".

"Khi vẫn còn ai đó nói giọng điệu đe dọa, việc tăng cường khả năng phòng thủ của chúng tôi sẽ tiếp tục và Iran sẽ không tìm kiếm sự cho phép từ bất cứ quốc gia nào để được sản xuất ra vô số loại tên lửa" - Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami nói trong một tuyên bố mang tính đáp trả.

Các vụ thử nghiệm tên lửa trước kia của Iran từng khiến Mỹ đặt lệnh cấm vận cùng những lời cáo buộc rằng họ vi phạm tinh thần của thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Tehran và các cường quốc. Sau vụ thử mới nhất, Bộ Ngoại giao Pháp cũng lên tiếng cảnh báo rằng hành động trên đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

"Pháp yêu cầu Iran ngừng tất cả các hoạt động gây bất ổn trong khu vực và tôn trọng tất cả các điều khoản của Nghị quyết 2231, trong đó bao gồm lời kêu gọi ngừng kiểu hoạt động tên lửa đạn đạo này" - Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ - "Pháp sẽ cân nhắc các biện pháp, cùng các đối tác châu Âu, để khiến Iran ngừng các hoạt động gây bất ổn".

Iran, quốc gia từng có cuộc chiến với nước láng giềng Iraq hồi những năm 1980, xem việc phát triển tên lửa là chính đáng và là một phần sống còn của hoạt động phòng thủ - đặc biệt là khi mà các đối thủ của họ là Arab Saudi và Israel nhập khẩu số lượng lớn khí tài quân sự từ phương Tây.

Tổng thống Trump từng nhiều lần đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân, nói rằng Iran đang phát triển nhiều tên lửa có thể được sử dụng để lắp đặt đầu đạn hạt nhân ngay khi các hạn chế của thỏa thuận này được gỡ bỏ trong năm 2025.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Abvigdor Lieberman, cũng lên án vụ thử nghiệm tên lửa của Iran, mô tả nó là "hành động khiêu khích" nhằm vào nước Mỹ cùng các đồng minh, trong đó bao gồm cả Israel.

Phương Tây muốn giữ thỏa thuận

Tổng thống Trump dự kiến sẽ phải báo cáo trước Quốc hội Mỹ trong ngày 15-10 sắp tới về việc liệu Iran có đang tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân hay không và liệu việc giữ vững thỏa thuận hạt nhân này có còn là lợi ích của nước Mỹ hay không.

Trong trường hợp Tổng thống Trump không khẳng định Iran thực hiện đúng thỏa thuận, giới lập pháp Mỹ sẽ thảo luận về việc áp đặt trở lại các lệnh cấm vận đối với nền kinh tế Iran, điều dẫn tới khả năng sụp đổ hoàn toàn của thỏa thuận này. Hôm thứ Tư tuần trước, ông Trump cho hay đã có quyết định nhưng chưa sẵn sàng công bố nó.

Cấc bên cùng đặt bút ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran - Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU) - trong khi đó đang thúc đẩy để tiếp tục duy trì thỏa thuận này. Họ chỉ ra rằng việc từ bỏ thỏa thuận sẽ ngay lập tức tháo bỏ các rào cản đối với Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng đã liên tiếp xác nhận rằng Iran đang tuân thủ theo thỏa thuận.

Iran nói rằng tất cả tên lửa của họ được thiết kế chỉ để mang đầu đạn truyền thống và bị hạn chế tầm bắn dưới 2.000 km, mặc dù các tướng lĩnh của nước này nói rằng họ có đủ công nghệ để chế tạo tên lửa bay xa hơn. Điều này khiến các tên lửa của Iran bị hạn chế ở mức tầm trung, nhưng vẫn đủ để với tới Israel hay các căn cứ quân sự Mỹ ở Vùng Vịnh.

"Tên lửa đạn đạo mà Iran phóng thử nghiệm là một hành động khiêu khích" - Bộ trưởng Quốc phòng Israel nói - "Điều đó cũng có nghĩa là họ đang thử phản ứng của chúng tôi, và là bằng chứng mới cho thấy tham vọng trở thành một cường quốc của Iran để đe dọa khu vực Trung Đông".

Ngoài việc thực hiện nhiều vụ thử nghiệm tên lửa trong thời gian qua, Iran cũng phóng một vệ tinh không gian và phóng nhiều tên lửa nhằm vào các mục tiêu của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Đông Syria.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ cảnh báo Iran sau vụ thử tên lửa đạn đạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO