Năm 2018: 41,3 triệu người mất nhà cửa

Linh Chi 11/05/2019 08:00

Một báo cáo mới công bố trong hôm 10/5 của Trung tâm kiểm soát những người mất nhà cửa (IDMC) có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ cho thấy, con số người bị mất nhà cửa trong do chiến sự, bạo lực trong năm 2018 đã đạt mốc kỷ lục mới: 41,3 triệu người  trong đó 2/3 số người này tập trung chỉ ở 10 quốc gia bao gồm cả Syria, Colombia và Somalia.

Năm 2018: 41,3 triệu người mất nhà cửa

Con số người mất nhà cửa phải sơ tán trên toàn thế giới đã tăng thêm hơn 1 triệu. Nguồn: CAN.

Xung đột, chiến sự

Như vậy, số người mất nhà cửa và phải đi sơ tán ở trong nước (gọi tắt là IDP) trong năm 2018 đã tăng thêm 1 triệu người nếu so với năm 2017. Điều này cho thấy các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu có xu hướng kéo dài hơn - bà Alexander Bilak, Giám đốc Trung tâm kiểm soát những người mất nhà cửa (IDMC) có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ, cho hay.

“Tình trạng người dân mất nhà cửa và phải đi sơ tán ở trong một quốc gia đã gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng - một trong số đó là, những IDP ở thời điểm hiện tại có rủi ro trở thành những người tị nạn trong tương lai gần” - bà Bilak cảnh báo.

Số người bị mất nhà cửa và phải đi sơ tán ở ngay đất nước quê hương họ đã vượt xa số người đi tị nạn ở nước ngoài – trong đó có 25,4 triệu người tị nạn và 3,1 triệu người tìm kiếm diện tị nạn trên thế giới năm 2017; theo ước tính của Cơ quan phụ trách người tị nạn của LHQ (UNHCR).

Không giống như người tị nạn và người xin vào diện tị nạn đang chờ quyết định của chính quyền một nước ngoài, những người bị mất nhà cửa và sơ tán trong một quốc gia không thể nhận được sự bảo vệ của cộng đồng quốc tế và thường không có quyền tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế, không nhận được viện trợ thuốc men, thực phẩm…

Các cuộc xung đột đang tiếp diễn ở Syria và Cộng hòa Dân chủ Congo, cùng tình trạng căng thẳng ở Ethiopia, Cameroon và Nigeria đã đẩy 10,8 triệu người vào diện mất nhà cửa phải đi sơ tán trong năm 2018. Tình trạng ở các nước trên đều có liên quan tới tình trạng bạo lực và xung đột - theo IDMC.

Theo bà Bilak, tình trạng mất nhà cửa và sơ tán bên trong đường biên giới của một quốc gia chính là một vấn đề ẩn giấu ở nhiều nước, một ví dụ điển hình là ở Yemen, nơi mà IDMC ước tính có khoảng 2,3 triệu người dân bị buộc phải bỏ trốn khỏi nhà cửa trong năm 2018, và con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

“Những người mất nhà cửa phải đi sơ tán trong một nước rõ ràng là không được nhiều người quan tâm. Có rất nhiều quốc gia mà chúng tôi không thể ước tính nổi con số người thuộc diện này do không nắm được thông tin”- bà Bilak cho hay.

Thảm họa thiên nhiên

Theo IDMC, ngoài tình trạng xung đột, bạo lực tiếp diễn ở nhiều quốc gia, các thảm họa khác - phần lớn là tình trạng thời tiết cực đoan, lốc xoáy, siêu bão, lụt lội… cũng là nguyên nhân khiến khoảng 17,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong năm 2018.

Mới đây nhất, siêu bão Fani hình thành ở phía Bắc vịnh Bengal đã đổ bộ vào Ấn Độ khiến chính quyền nhiều bang phải sơ tán hơn 1 triệu người dân chỉ trong vòng 24 giờ. Sau đó, cơn bão này tiếp tục đổ bộ vào Bangladesh, khiến khoảng 1,2 triệu người dân phải đi sơ tán khẩn cấp.

Nền nhiệt độ trên toàn thế giới được các nhà khoa học dự báo sẽ tăng từ 3-5 độ C vào năm 2100, tức vượt xa mức mục tiêu mà thế giới đang đặt ra hiện nay ở mức dưới 2 độ C - Tổ chức Khí tượng thế giới thuộc LHQ cho hay. Điều này làm tăng rủi ro gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, cũng như làm trầm trọng hơn các cuộc khủng hoảng lương thực, nạn đói, nghèo, thiếu nước ở nhiều khu vực trên thế giới.

Theo IDMC, họ không thể đưa ra một con số chính xác, hoặc gần chính xác, những người bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên, vì rất khó để có thể thống kê số lượng người di cư trong một quốc gia do nguyên nhân này.

Hiện nay, theo IDMC, lượng người mất nhà cửa đi sơ tán trong một nước tăng dần đã tạo thêm gánh nặng cho các thành phố phải tiếp nhận họ, dù là nguyên nhân do chiến sự hay thảm họa thiên nhiên. Đặc biệt hứng chịu gánh nặng là các thành phố đang có chiến sự như thành phố Daraa của Syria, thành phố Hodeidah của Yemen hay thủ đô Tripoli của Libya.

Theo giới chuyên gia, các thành phố cần phải đưa ra được các biện pháp khẩn cấp để tiếp nhận những người sơ tán này. “Dù cho trách nhiệm chủ yếu trong việc giải quyết vấn nạn sơ tán này là của Chính phủ mỗi nước, nhưng vai trò của các chính quyền địa phương cũng rất quan trọng”- bà Bilak nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm 2018: 41,3 triệu người mất nhà cửa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO