Nga - NATO nối lại đàm phán sau gần 2 năm

21/04/2016 06:05

Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tổ chức các cuộc họp cấp cao nhất lần đầu tiên trong suốt 2 năm qua với phía Nga trong hôm 20/4, trong nỗ lực nhằm giảm căng thẳng quân sự trên vùng biển Baltic và tình trạng bạo lực vẫn đang hoành hành ở khu vực miền Đông Ukraine.

Hàng loạt vấn đề căng thẳng giữa Nga - NATO sẽ được đem lên bàn nghị sự tại Brussels (Nguồn: Internet).

Cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga tổ chức hôm thứ Tư là cuộc họp chính thức lần đầu tiên giữa hai bên kể từ sau khi khối đồng minh này cắt đứt mọi mối quan hệ với Moscow để phản đối việc mà họ gọi là Crimea tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào nước Nga hồi đầu năm 2014.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO càng trở nên căng thẳng hơn sau khi Moscow mở chiến dịch không kích trên lãnh thổ Syria từ tháng 9 năm ngoái, và tiếp tục căng thẳng trong suốt tuần qua sau các vụ chạm trán liên tiếp giữa máy bay quân sự Nga và quân đội Mỹ trên vùng biển Baltic.

Văn phòng báo chí của NATO đã xác nhận rằng, các vị đại sứ từ 28 quốc gia thành viên NATO đã bắt đầu cuộc họp với quan chức Nga tại trụ sở của NATO ở Brussels, Bỉ.

“Chúng tôi không sợ phải đối thoại” - Tổng thư ký NATO Jens Stolenberg cho hay, thêm rằng, họ sẽ thảo luận về tình hình Ukraine, việc cải thiện quan hệ quân sự với Nga và cuộc chiến ở Afghanistan - “Chúng tôi nghĩ rằng, đối thoại có vai trò quan trọng trong các thời điểm khó khăn và trong lúc căng thẳng gia tăng”.

Sau khi hội họp với giới chức nước Nga, ông Stolenberg dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo để thông báo về kết quả đạt được.

Tuy chương trình nghị sự gồm nhiều tiêu chí, nhưng ai cũng có thể đoán được rằng vấn đề nổi trội nhất trong cuộc đàm phán này chính là sự kiện xảy ra hồi đầu tháng, khi các phi cơ chiến đấu của Nga bay chỉ cách vài mét trên đầu một tàu khu trục của Mỹ trên biển Baltic - một hành động mà phía Mỹ gọi là một “cuộc tấn công giả”.

Chỉ 2 ngày sau đó, một máy bay thuộc lực lượng không quân Mỹ cũng bị một phi cơ chiến đấu Nga chặn, khiến cho ông Stolenberg lên tiếng cáo buộc quân đội Nga có “thái độ không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”.

Cũng kể từ sau đó, Tổng thư ký NATO đã nói rằng, sự việc trên “càng nhấn mạnh tầm quan trọng của các kênh thông tin liên lạc quân sự, để tránh rủi ro và dự báo trước. Đây là một trong số các vấn đề mà chúng ta cần thảo luận với Nga”.

Các mối quan ngại rằng NATO và Nga sẽ lao vào tình trạng xung đột bạo lực đã xuất hiện kể từ khi Moscow khởi động chiến dịch không kích trên lãnh thổ Syria và đặc biệt là sau khi Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - bắn hạ một phi cơ chiến đấu của Nga hồi tháng 11 năm ngoái.

Về phần mình, Nga đã cáo buộc NATO làm gia tăng rủi ro xung đột vũ trang bằng việc tăng cường hiện diện của quân đội ở các quốc gia Đông Âu, mà rất nhiều nước trong số này đang tích cực vận động để giành được sự ủng hộ nhiều hơn từ phương Tây.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng chỉ ra rằng, chính NATO đã tự tay đóng băng mối quan hệ với giữa họ và nước Nga, thêm rằng khối đồng minh này nên “tự cảm thấy cần thiết phải liên lạc trở lại với chúng tôi một lần nữa”.

“Tuy nhiên, chúng tôi đã từng khiến cho họ hiểu rõ điều này, chúng tôi không thể hành động như thể mọi việc lại đâu vào đấy được” - ông Lavrov nói sau cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault tại Moscow.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Ayrault nói rằng các vòng đàm phán sẽ “giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về lợi ích chung, đó là hòa bình và an ninh”.

Đại diện Nga tham gia các cuộc đàm phán ở Brussels, ông Alexander Grushko, nói rằng ông sẽ tận dụng vòng đàm phán lần này để phản đối các hoạt động mà NATO đang thực hiện ở đường biên giới phía Tây của nước Nga.

“Ngay bây giờ, chúng tôi đang phải chứng kiến sự tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Baltic, mà theo quan điểm của chúng tôi là hoàn toàn phi lý” - ông Grushko từng nói - “Định hình mối quan hệ NATO-Nga hiện nay là rất xấu”.

Ngoài các vấn đề trên, hội nghị Brussels lần này cũng tập trung vào việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn Minsk ở Ukraine. Lệnh ngừng bắn này thời gian qua đã giúp tình hình miền Đông Ukraine yên ắng trở lại, nhưng nó lại đang bị đe dọa bởi hàng loạt các vụ đụng độ trỗi dậy gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nga - NATO nối lại đàm phán sau gần 2 năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO