Nga chuyển hướng về Đông

Xuân Phong 07/09/2015 22:25

Trong chiến lược chấn hưng nền kinh tế nói chung, Nga luôn coi sự trỗi dậy của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là trụ cột quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa, nhất là ở phía Đông.

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế phương Đông. Ảnh: Sputnik.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ nhất do Nga đăng cai tại Vladivostok, thuộc vùng Viễn Đông vừa kết thúc với thành công ngoài sự trông đợi. Trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh bao vây cấm vận, đây chính là một thông điệp có sức nặng của Moscow ra thế giới cho thấy sức mạnh nội lực và sức hấp dẫn đầu tư của nước Nga chưa hề suy giảm bất chấp những o ép từ bên ngoài.

Hơn 80 thỏa thuận trị giá khoảng 1.300 tỷ Rúp (tương đương 18,9 tỷ USD) được ký kết sau 3 ngày diễn ra EEF là kết quả mà nhà tổ chức không ngờ tới. Trong đó, 65 thỏa thuận trị giá 1.200 tỷ Rúp (tương đương 17,7 tỷ USD) được ký kết ngay trong 2 ngày đầu tiên của Diễn đàn.

Số khách đăng ký tham dự Diễn đàn là 4.000 người, vượt quá dự trù ban đầu (khoảng 1.000 người). Trong đó bao gồm các chính khách, doanh nhân, nhà đầu tư châu Á và thế giới cùng giới truyền thông quốc tế từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc...

Đặc biệt phải kể tới 75 doanh nghiệp Trung Quốc (trong số 180 công ty của nước này đăng ký) là những công ty lớn nhất Trung Quốc với tổng doanh thu chiếm 1/6 GDP nước này, tham dự. Quả là có nhiều điều hơn cả sự trông đợi của nước Nga ở một Diễn đàn mà họ mới lần đầu tiên tổ chức.

Nhưng điều được nước Nga kỳ vọng hơn là EEF sẽ trở thành một “sân chơi” quan trọng giống như Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Peterburg (SPIEF) diễn ra hằng năm cũng do Moscow chủ trì - Diễn đàn uy tín này vẫn được xem là một sự kiện quốc tế độc đáo trong lĩnh vực kinh tế và giới doanh nghiệp.

Kỳ vọng ấy hẳn là có nguyên do của nó. Trong bối cảnh bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận, nước Nga đang tìm mọi cách để chống chọi với suy thoái và vực dậy nền kinh tế. Và hơn thế nữa, nước Nga hùng cường, kiêu hãnh cần phải chứng tỏ rằng họ vẫn đang đứng vững trong khó khăn, thử thách bằng những bước đi được đánh giá là đầy sáng tạo thông qua thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế để phát triển kinh tế đất nước.

Một nước Nga độc lập, tự chủ cũng muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng mình không hề đơn độc và không thế lực nào có thể cô lập được nước Nga với thế giới bên ngoài.

Tổ chức EEF cũng là lời đáp trả đích đáng- cách phản ứng quen thuộc của Moscow trước các lệnh trừng phạt ngày một thít chặt từ phương Tây. Trả lời trên Sputnik, các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc và Hà Lan tham gia Diễn đàn đã không ngần ngại trả lời rằng họ sẵn sàng hợp tác làm ăn với Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt.

Nhìn vào mục tiêu và chương trình nghị sự của EEF thì có thể thấy nước Nga đã trông đợi ở Diễn đàn này nhiều như thế nào. Nga nhắm tới mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng Viễn Đông để biến nơi đây thành một trung tâm kinh tế-xã hội then chốt của nước Nga và mở rộng hợp tác quốc tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tại Diễn đàn, Nga đã giới thiệu tiềm năng của vùng Viễn Đông, bao gồm du lịch, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông... Với việc giới thiệu hơn 200 dự án kêu gọi đầu tư trị giá 500 tỷ Rúp cùng các chính sách ưu đãi đầu tư tuyệt vời, Nga đã cho thấy Viễn Đông là một điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn và Nga đã “trải thảm đỏ”.

Nga cũng nhấn mạnh vai trò của vùng Viễn Đông trong tổng thể kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và ngược lại, ý nghĩa của việc tăng cường quan hệ hợp tác với khu vực này của vùng Viễn Đông. Cụ thể, Tổng thống Vladimir Putin trong phát biểu tại Diễn đàn đã khẳng định tăng cường mối quan hệ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược quan trọng với Nga. Nhà lãnh đạo Nga tin tưởng các nước ở khu vực này vẫn là thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ quan trọng của thế giới.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong chiến lược chấn hưng nền kinh tế nói chung, Nga luôn coi sự trỗi dậy của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là trụ cột quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa, nhất là ở phía Đông.

Đặc biệt, ông Vladimir Putin nhấn mạnh mục tiêu hội nhập một cách hiệu quả giữa vùng Viễn Đông với khu vực châu Á-Thái Bình Dương- nơi có “bước nhảy vọt” ấn tượng mà Nga hy vọng một phần của sức mạnh năng động ấy sẽ được truyền tải đến vùng ưu tiên phát triển của Nga, góp phần tạo sức bật cho vùng Viễn Đông.

Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị các nước tại khu vực này cùng với Nga thành lập Trung tâm nghiên cứu chung để tạo ra các đột phá khoa học. Ông cũng bày tỏ tin tưởng đến năm 2025, vùng Viễn Đông của Nga sẽ hội nhập vào hệ thống vận tải của châu Á-Thái Bình Dương.

Và, Tổng thống Vladimir Putin cho biết một trong những ưu tiên chính của Nga là thiết lập một “cầu nối năng lượng” với các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nước Nga đã sớm tính tới mục tiêu này khi từ năm 2009, Nga đã đầu tư khởi công xây dựng đường ống dẫn dầu từ Đông Siberia đến Viễn Đông, nhằm kết nối nguồn dầu mỏ của Nga với các nền kinh tế ở châu Á.

Chiến lược năng lượng của Nga đến năm 2030 nêu rõ: “Mặc dù châu Âu vẫn là hướng xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt chủ yếu của Nga, nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Nga sẽ được quyết định chủ yếu từ sự phát triển hơn hẳn của hướng phía Đông”.

Ưu tiên mạnh mẽ hợp tác kinh tế với khu vực châu Á - Thái Bình Dương - địa bàn mà nước Nga vẫn xem là trọng yếu- một lần nữa tái khẳng định trọng tâm trong chính sách “hướng Đông” đã được Moscow sớm định hình nhằm phục vụ cho các mục tiêu chiến lược của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nga chuyển hướng về Đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO