Ngấm ngầm cuộc chiến truyền thông Nga - phương Tây

Linh Chi 17/09/2015 23:47

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine, xét về khía cạnh nào đó, đã làm nảy sinh một cuộc Chiến tranh Lạnh về truyền thông giữa Nga và phương Tây, khi các bên ganh đua giành được nhiều sự ủng hộ của độc giả trên khắp hành tinh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm
trụ sở Hãng RT hồi năm 2013. (Nguồn: AP).

Sứ mệnh nặng nề

Trong suốt hơn một thập kỷ qua, Điện Kremlin đã giành được trái tim và tâm trí của rất nhiều người trên thế giới thông qua hãng truyền thông quốc tế hàng đầu của họ, RT – thường được biết đến dưới cái tên Russia Today. Và sứ mệnh truyền thông của RT ngày càng nặng nề hơn kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ trong năm 2014.

Trong bối cảnh đó, các hãng truyền thông cùng các tổ chức chính phủ phương Tây cũng gia tăng nỗ lực nhằm thu hút các độc giả từ cộng đồng nói tiếng Nga. Trong tuần trước, Hãng BBC của Anh cho biết họ đang lên kế hoạch sản xuất hẳn một kênh truyền hình vệ tinh tiếng Nga mới, đi kèm là các dịch vụ cung cấp video tiếng Nga.

Trong khi đó, Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) cũng đang chuẩn bị cho ra mắt một lực lượng phản tuyên truyền đặc biệt nhằm vào cộng đồng nói tiếng Nga ở khu vực Liên minh châu Âu (EU) và nhiều phần khác của Đông Âu. Hồi tháng 1 năm nay, Nghị viện châu Âu (EP) đã thúc giục các nước thành viên EU phát triển “một chiến lược truyền thông nhằm chống lại chiến dịch tuyên truyền của nước Nga” - trong một bản nghị quyết mà họ đưa ra.

Kể từ đó, một số hãng truyền thông quốc tế được Chính phủ Đức và Mỹ bảo trợ như Deutsche Welle và Radio Liberty, cũng như Euronews - được rót kinh phí một phần bởi EU - cũng liên tục thúc đẩy các chiến dịch tuyên truyền bằng tiếng Nga. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy những nỗ lực hòng thu hút sự ủng hộ thông qua các chiến dịch tuyên truyền kiểu này không đạt được mấy kết quả.

Xóa bỏ thế độc tôn của phương Tây

Trong năm 2015, Nga đã chi mạnh tay cho Hãng RT, giúp ngân sách của Hãng này tăng đến 75%, lên 20,8 tỷ Rúp (300 triệu USD). Một hãng truyền thông khác được coi là “cánh tay phải” của Điện Kremlin là Hãng tin Rossiya Segodnya, cũng nhận được mức chi mạnh tay từ Chính phủ Nga - khoảng 89 triệu USD. Điều này cho thấy quyết tâm của Moscow trong việc tiếp tục duy trì các kênh truyền thông quốc tế trong nước, đối trọng với các hãng truyền thông phương Tây.

Khi Tổng thống Vladimir Putin đến thăm trụ sở của Hãng RT hồi năm 2013, ông đã hoan nghênh sự thành công của đội ngũ báo chí làm việc tại đây trong công cuộc phá vỡ thế độc tôn của các hãng truyền thông phương Tây.

Hiện vẫn không có thông tin chi tiết về số lượng độc giả của Hãng RT trên toàn thế giới, nhưng theo báo cáo của một số hãng truyền thông phương Tây, chính phủ nhiều nước thừa nhận rằng hình ảnh của ông Putin trên trang RT đã được nhiều người dân ở nước họ ủng hộ.

Báo cáo từ Broadcast Audience Research Board (BARB), chuyên nghiên cứu về lượng khán giả, cho thấy trong tháng 8 vừa qua Hãng RT thu hút được lượng khán giả trung bình khoảng 450.000 mỗi tuần, chiếm 0,8% lượng khán giả toàn thế giới.

Dù rằng đang có dấu hiệu giảm do sự trỗi dậy của một số hãng truyền thông quốc tế khác như Al-Jazeera phiên bản tiếng Anh, nhưng một số chiến dịch tuyên truyền mới đây, bao gồm cả các bài phỏng vấn độc quyền lãnh đạo Đảng Lao động Anh Jeremy Borbyn, hứa hẹn sẽ giúp RT thu hút được lượng lớn độc giả và khán giả.

Thắng thế

Tuy chiến thắng về khía cạnh tuyên truyền trên mạng và tin tức, nhưng RT lại bị tụt hậu hơn so với các hãng truyền thông phương Tây khi tham gia vào các mạng xã hội như Facebook hay Twitter. Nhưng bù lại, trên Youtube, RT lại trở thành người dẫn đầu khó có thể bị vượt mặt với hơn 1,5 triệu lượt người đăng ký và 1,5 tỷ lượt người theo dõi trên kênh chính thức của họ.

Điện Kremlin không chỉ có RT và Rossiya Segodnya để với tới thế giới mà còn nhiều phiên bản quốc tế của các kênh nội địa, với sự kết hợp rất mạnh mẽ của các chương trình giải trí và những bản tin gây xúc động lòng người. Đây được cho là những chương trình đã giúp dư luận quốc tế có cái nhìn rõ ràng hơn về chính sách hòa bình của Nga đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine – trong khi phương Tây cáo buộc rằng Moscow can thiệp quân sự vào nước này.

Trước sự thắng thế của truyền thông Nga, các nước phương Tây rất lo ngại rằng Nga ngày càng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, do đó họ thúc đẩy mạnh truyền thông ở một số nước Baltic và đã thu hút được khoảng 25% lượng khán giả của khu vực này.
Một số hãng truyền thông, như BBC, còn cáo buộc các kênh truyền thông nhà nước của Nga đang tích cực dọn đường cho các cuộc can thiệp quân sự ở một số điểm nóng hiện nay như Syria, Ukraine… nhằm hạ uy tín của Moscow.

Nỗi lo của phương Tây đã thể hiện rõ khi một số nước ở khu vực Baltic như Latvia và Lithuania đã phải áp dụng một số biện pháp thắt chặt quản lý truyền thông, cấm một số kênh nhất định…để ngăn chặn tầm ảnh hưởng to lớn của Hãng RT. Ở Estonia, chính quyền còn đang chuẩn bị cho ra mắt một kênh truyền hình mới nhằm thu hút khoảng 350.000 người nói tiếng Nga.

Sự thắng thế của truyền thông Nga hiện nay đã rất rõ ràng. Một khảo sát gần đây do cơ quan khảo sát vốn chính phủ VTsIOM và các học giả phương Tây phát hiện ra rằng 45% người dân Nga ủng hộ kiểm duyệt truyền thông nước ngoài. Cũng khảo sát này cho thấy chỉ có 2% coi truyền thông nước ngoài là kênh thông tin chính với họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngấm ngầm cuộc chiến truyền thông Nga - phương Tây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO