Nghĩa địa nước của người di cư

Linh Chi 30/10/2016 08:47

Còn hơn 2 tháng là hết năm, nhưng con số người thiệt mạng khi đang cố gắng băng Địa Trung Hải để đến cửa ngõ châu Âu đã vượt qua mức tổng của cả năm ngoái, đánh dấu một năm tang tóc nhất đối với người di cư. Vậy, tại sao tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng hơn?

Do thỏa thuận ký kết giữa EU-Thổ Nhĩ Kỳ mà người di cư phải lựa chọn tuyến đường vượt biển nguy hiểm hơn.

Dùng xuồng cao su để vượt biển

Trong lúc cập nhật về con số người di cư và người tị nạn thiệt mạng hoặc mất tích tính từ đầu năm đến nay, người phát ngôn của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR)- ông William Spindler nói: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng có ít nhất 3.800 người đã được xác nhận thiệt mạng hoặc mất tích trên biển Địa Trung Hải, con số kỷ lục từng được ghi nhận”.

Con số được báo cáo trong lúc Giáo hoàng Francis kêu gọi hỗ trợ những con người đang cố gắng tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, thay vì “đóng cửa và xua đuổi” họ.

Phát biểu tại quảng trường St.Peter, Vatican, Giáo hoàng nói: “Ở một số khu vực thế giới, các bức tường và hàng rào đang được dựng lên. Đóng cửa biên giới không phải một giải pháp mà chỉ thêm phần khuyến khích nạn buôn bán người. Con đường duy nhất hướng tới một giải pháp là sự đoàn kết”.

Số lượng người chết và mất tích trên vùng biển Địa Trung Hải vẫn tiếp tục gia tăng, dù cho lượng người tham gia hành trình vượt biển đến châu Âu đang giảm. Theo UNHCR, tính từ đầu năm đến nay đã có 327.000 người đã lựa chọn tuyến đường tử thần này, so với 1 triệu người trong năm ngoái.

Trong năm 2016, người di cư băng biển có khoảng 1/88 tỷ lệ tử vong- tức cứ 88 người lại có 1 người thiệt mạng, trong khi năm ngoái chỉ là 1/269. Tỷ lệ tử vong tăng cao được cho là do người di cư ngày càng có xu hướng sử dụng các con tàu kém an toàn và bị quá tải.

Trong khi số lượng người di cư vượt vùng biển phía đông Địa Trung Hải để đến Hy Lạp đã giảm, thì số người đi theo tuyến đường vượt biển từ Bắc Phi đến Italy vẫn không giảm kể từ năm ngoái đến nay.

Tuyến đường biển trung tâm này luôn tiềm tàng ẩn họa nhiều hơn. Giới chức UNHCR còn cho hay những kẻ buôn người đã thay đổi chiến thuật, sử dụng xuồng cao su bơm khí vốn rất mong manh, hoặc các con tàu quá tải, có lúc nhồi nhét đến hàng nghìn người.

“Những kẻ buôn người đã sử dụng chiến thuật này để chúng khó bị phát hiện hơn, nhưng điều này đã khiến cho các lực lượng cứu hộ gặp khó trong công tác của họ”- UNHCR cho hay. Và hậu quả từ sự việc trên là rất thảm khốc, có thể thấy rõ qua 2 vụ tai nạn mới xảy ra trong hôm thứ Tư tuần này.

Hơn 90 người di cư được cho là đã mất tích sau một vụ chìm tàu ngoài khơi phía Tây Libya. Lực lượng bảo vệ bờ biển nước này cho hay họ đã cứu được 29 người; trong khi những người sống sót nói rằng có khoảng 126 người đã leo lên một chiếc xuồng cao su trước khi nó bị nghiêng về một bên và chìm xuống biển.

Trước đó, 25 người di cư cũng thiệt mạng khi một chiếc xuồng cao su ngoài khơi Libya. Những người đàn ông và phụ nữ này dường như bị chết do hít phải quá nhiều khí độc do đốt nhiên liệu chạy tàu. Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) đã tìm thấy các nạn nhân này đồng thời tổ chức cứu hộ 107 người khác khỏi con tàu này.

Ông Michele Telaro- Điều phối viên của tàu cứu hộ Bourrbon Argos của MSF, nói rằng họ đã phải mất 3 giờ đồng hồ để trục vớt 11 thi thể. “Do hỗn hợp xăng và nước quá độc hại nên chúng tôi không dám ở lâu trên con tàu này. Thật kinh khủng”; ông Telaro nói.

Trong số những người sống sót, có 23 người cần được điều trị y tế vì các vết bỏng hóa học, 11 trường hợp tổn thương nặng nề.
2 vụ việc xảy ra trong cùng ngày được cho là một thảm kịch kinh hoàng, MSF đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các tuyến đường thay thế an toàn hơn là chỉ tập trung vào ngăn chặn người di cư như hiện nay.

EU mới đây đã tăng cường làm việc với chính phủ các nước Ethiopia, Niger, Bigeria, Senegal và Mali, trong số các quốc gia là nguồn gốc dòng người di cư vượt biển đổ đến châu Âu.

Nhưng giới chuyên gia cho rằng các thỏa thuận này còn lâu mới có thể đem lại hiệu quả, trong khi các cơ quan cứu hộ đã cáo buộc EU gộp tất cả các chính sách ngoại giao của họ để hướng tới mục tiêu giảm người di cư.

Tuyến đường biển tử thần

Nguyên nhân khiến năm 2016 trở thành một năm chết chóc nhất đối với những người di cư lựa chọn vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu là rất phức tạp.

Đầu tiên, phải nhấn mạnh rằng các vụ chìm tàu người di cư ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ vốn gây ra rất ít tổn thất về sinh mạng. Trước tháng Ba năm nay, tuyến đường vượt biển ngắn từ Thổ Nhĩ Kỳ tới vô số hòn đảo của Hy Lạp vẫn là tuyến đường ưa thích để đến châu Âu, đặc biệt là với những người di cư đến từ Syria. Hơn 1 triệu người đã đến Hy Lạp thông qua tuyến đường này trong khoảng từ tháng 1/2015 đến tháng 3/2016.

Thế nhưng, trong tháng 3/2016, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết một thỏa thuận đột phá. Thỏa thuận này quy định tất cả những người di cư từng đến Hy Lạp sẽ bị trả ngược về Thổ Nhĩ Kỳ, nơi họ có thể nộp đơn xin tị nạn.

Tuy thỏa thuận không thể hoàn toàn ngăn chặn dòng người di cư sử dụng tuyến đường này, nhưng nó khiến nhiều người nản lòng mà chọn tuyến đường khác.

Chính điều này đã làm cho các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan chật cứng người. 50.000 người tị nạn, phần lớn là công dân Syria, đã bị kẹt lại ở Hy Lạp sau khi các quốc gia châu Âu từ bỏ cam kết sắp xếp chỗ ở cho họ trên khắp châu lục.

Những kẻ buôn người chuyển sang sử dụng các con xuồng bơm khí, khiến rủi ro khi di chuyển càng tăng cao.

Thực trạng này khiến cho dòng người di cư quyết định chuyển hướng sang tuyến đường “trung tâm Địa Trung Hải”, tức từ Bắc Phi đến Italy. Đây là tuyến đường có tới 50% lượng người di cư lựa chọn để đến châu Âu, nhưng lại là con đường chết chóc nhất. “Người di cư đang buộc phải lựa chọn một tuyến đường nguy hiểm hơn”- Chris Boian, một người phát ngôn của UNHCR, cho hay.

Một trong những nguyên nhân khiến cho tuyến đường biển này trở thành một “nghĩa địa nước” là điều kiện thời tiết và khoảng cách. Các con tàu tuần tra cần phải di chuyển quãng đường xa hơn để thực hiện công tác cứu hộ.

Một con tàu phải di chuyển trong thời gian lâu hơn đồng nghĩa với việc nó phải chịu rủi ro nhiều hơn trên biển, đặc biệt khi nó là xuồng cao su bơm hơi – vốn không được thiết kế để băng qua biển.

William Spindler, một đồng nghiệp của ông Boian tại Geneva (Thụy Sỹ), nói rằng các băng đảng buôn người ngày càng đưa ra các chiến thuật vận chuyển người rủi ro hơn nhằm che mắt lực lượng tuần tra.

“Buôn người trái phép đã trở thành một ngành kinh doanh béo bở, nó đang được thực hiện ở quy mô công nghiệp”- ông Spindler nói. “Hiện nay, những kẻ buôn người thường vận hành nhiều tàu cùng lúc, khiến cho các lực lượng cứu hộ gặp khó bởi họ cần phải cứu hàng nghìn người trên hàng trăm con tàu khác nhau”.

Chính kiểu chiến thuật “dàn trận” của những kẻ buôn người này đã gây nên hậu quả là dù chỉ xảy ra một vụ chìm tàu nhưng có thể gây nên tổn thất sinh mạng rất lớn, lên tới hàng trăm người cùng lúc.

Tình trạng này đã trở thành hồi chuông báo động khi một hồi tháng Năm vừa qua, có tới 1.000 người di cư chết chìm chỉ trong một tuần lễ. Gần đây hơn, hồi tháng Chín, 162 thi thể người di cư đã được trục vớt từ xác tàu ngoài khơi Ai Cập.

Thế giới hiện có khoảng 60 triệu người không thể trở về nhà của họ một cách an toàn- nghĩa là cứ 113 người thì có 1 người chịu cảnh này. Con số này tăng vọt từ 59,6 triệu trong năm 2014 và năm ngoái là 65,3 triệu; theo UNHCR. Nguyên chính gây ra tình trạng này là các cuộc xung đột kéo dài. Năm ngoái, thế giới có thêm 6 triệu người bị mất nhà cửa, nhưng chỉ 201.400 người có khả năng trở về nhà một cách an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghĩa địa nước của người di cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO