Nhật Bản loay hoay vì... già hóa

Linh Chi 06/08/2017 08:30

Nhật Bản được đánh giá là một đất nước có dân số “siêu già” trong khi tỷ lệ sinh đẻ thấp kỷ lục- điều đó khiến nước này rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực trầm trọng và kinh niên.

Thiếu hụt lao động cùng tình trạng dân số già khiến những người ở độ tuổi gần 60 như ông Yuichi Aoki (trái) vẫn phải tiếp tục đi làm Nguồn: CNN.

Yuichi Aoki, một công nhân tháo dỡ nhà, tỏ ra lo lắng khi nói về tương lai của đất nước Nhật Bản. “Tôi đã nghỉ hưu tại một công ty công nghệ thông tin khi ở tuổi 55”- ông Aoki, 59 tuổi, nói khi đang ngồi cạnh một ngôi nhà cần tháo dỡ ở Saitama. “Giờ tôi gần 60 nhưng vẫn phải làm việc. Tôi lo rằng ngay cả con cháu tôi cũng phải đối mặt với tình trạng dân số già hóa”.

Có tuổi cao hơn phần lớn đồng nghiệp của mình, ông Aoki còn là một số ít công dân Nhật Bản được thuê bởi công ty phá dỡ nhà có chủ sở hữu là một người Kurd từng xin diện tị nạn ở nước này. Công ty có trụ sở ở Saitama này có phần lớn công nhân đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và nhiều phần của châu Phi, và được xem là khá đặc biệt ở Nhật Bản, nơi mà người nước ngoài chỉ chiếm khoảng 1,6% dân số quốc gia.

Được vận hành bởi Mehmet Yucel, 28 tuổi, công ty này đang đóng góp một phần nào đó trong việc giảm tải sự thiếu hụt lao động trong một số ngành nghề mà ít người Nhật muốn làm, như tháo dỡ nhà và xây dựng. Kể từ khi thành lập năm 2016, Yucel nói rằng anh đã nhận được các cuộc gọi mỗi ngày từ những người nhập cư muốn tìm việc- một số có quyền được lao động hợp pháp, một số thì không.

“Nhật Bản đang quay lưng với những công nhân này bởi họ cần có lao động nhưng lại không có một chiến lược dài hạn cho họ”- Yucel nói.

Yucel đã đến Nhật Bản xin diện tị nạn từ 12 năm trước để tránh xung đột sắc tộc. Nhưng giờ anh đã kết hôn với một phụ nữ Nhật và có quyền công dân vĩnh viễn ở đất nước này. Nằm trong số khoảng 2,23 triệu người nhập cư hợp pháp của Nhật, Yucel tự nhận mình là người may mắn. Dù Nhật là nhà tài trợ đứng thứ 4 cho Cơ quan Tị nạn LHQ (UNHCR) trong năm 2016, nhưng họ chỉ tiếp nhận 28 trên tổng số 10.901 đơn xin tị nạn.

Dân số siêu già

Nhật Bản hiện được xem là một quốc gia “siêu già”, khi có trên 20% dân số của họ ở độ tuổi trên 65 trong khi tỷ lệ sinh đẻ đã đạt mức thấp kỷ lục.

Đến năm 2060, dân số của Nhật Bản ước tính sẽ giảm hơn 40 triệu người so với năm 2010, xuống 86,74 triệu người; theo Bộ Y tế nước này. Và trong khi chỉ một bộ phận ít nhân công đóng thuế để hỗ trợ một lực lượng dân số cần lương hưu và dịch vụ y tế đang ngày càng gia tăng, nền kinh tế Nhật đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có tiền lệ.

Trong năm 2017, tình trạng thiếu lao động ở Nhật lên tới mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, trong khi giới phân tích cho rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Điều này khiến cho Thủ tướng Shinzo Abe phải khuyến khích cả những công dân lớn tuổi tham gia lại lực lượng lao động, dù rằng giới quan sát nước ngoài cho rằng biện pháp hữu hiệu nhất chính là tiếp nhận thêm số lượng nhân công nhập cư để bù lấp chỗ trống trong cuộc khủng hoảng lao động và vấn đề già hóa dân số.

Nhưng do quan điểm bảo thủ của phần lớn chính trị gia nước này, nên dù cho mức độ cấp thiết có như thế nào, họ vẫn không muốn tiếp nhận người nhập cư.

Năm 2005, Giám đốc Cơ quan nhập cư Tokyo lúc bấy giờ, ông Hidenori Sakanaka, đã thúc đẩy một kế hoạch tiếp nhận 10 triệu người nhập cư trong vòng 50 năm, nhưng rất ít người ủng hộ ý tưởng này khiến nó bị hủy bỏ sau đó.

“Nhật Bản không hề có một chính sách nhập cư”- Chris Burgess, chuyên gia nghiên cứu nhập cư kiêm giảng viên nghiên cứu về Nhật Bản tại ĐH Tsuda Juku, nhận định. “Nhiều người ở Nhật tin rằng sự hài hòa và hòa bình ở nước này là nhờ vào sự chung nguồn gốc và ít người nước ngoài”.

Một cụ bà vẫn bán hàng mỗi ngày.

Cánh cửa hẹp với người nước ngoài

Quan điểm của người Nhật đối với thế giới bên ngoài không còn là chuyện mới lạ, và đất nước này đã có lịch sử ngăn chặn tầm ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác.

Trong khoảng thời gian cô lập 1641-1853, Nhật Bản đã cấm công dân rời khỏi đất nước và cấm người nước ngoài tới nước này. Chỉ có các thương nhân từ Trung Quốc và Hà Lan là được cho phép cập cảng Nagasaki, thuộc đảo cực Nam Kyushu. Nhật cũng không dựa vào nguồn lao động nước ngoài ngay cả trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh vào khoảng 1955-1973.

Chỉ mãi tới cuối những năm 1980, khi đối mặt với mối đe dọa từ thiếu hụt nhân công, đất nước này mới tranh luận về kế hoạch tiếp nhận lao động nước ngoài. Kể từ năm 1988, Bộ Lao động Nhật Bản đã tiếp nhận một số lượng nhỏ nhân công nước ngoài có kỹ năng cao.Đến khoảng 1990, Nhật bắt đầu khuyến khích sự trở về của “Nikkeijin”- thế hệ con cái của những người Nhật xa xứ, theo một chương trình thị thực đặc biệt.

Gần đây, dù Thủ tướng Abe đã nhắc tới sự cần thiết của “lực lượng kỹ sư nước ngoài” để xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho Thế vận hội Tokyo 2020, nhưng ông vẫn nhấn mạnh rằng điều đó không nên bị hiểu nhầm là ông đang thực thi một chính sách nhập cư.

Tuy thế, lao động nước ngoài vẫn khó vào Nhật.

Tại một văn phòng nhỏ tại Đông bắc thủ đô Tokyo, Ippei Torii, người đã thúc đẩy quyền của người nhập cư trong suốt 2 thập kỷ qua, nói rằng Nhật Bản vẫn đang trong tình trạng thiếu nhân công kéo dài, và nó chỉ có thể được giải quyết nếu như chính phủ cấp thị thực thật sự cho những lao động tự do tìm đến Nhật Bản.

Torii - Giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận Mạng lưới thống nhất người nhập cư Nhật Bản (SNMJ), nói rằng thay vì tạo ra chiến lược nhập cư dài hạn để cho phép các công nhân kỹ năng thấp có quyền như công dân Nhật Bản, chính phủ chỉ đưa ra các biện pháp tạm thời cho phép nhân công kỹ năng thấp nước ngoài làm việc trên cơ sở ngắn hạn. Ông cũng chỉ trích một biện pháp khác, trong đó cho phép sinh viên nước ngoài học tập tại Nhật Bản được làm thêm tới 28 giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, phía Bộ Tư pháp Nhật đã bác bỏ sự việc trên. “Chúng tôi không sử dụng các chính sách ngầm hay khuyến khích nhập cư trái phép để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động”- một người phát ngôn Bộ này nói với hãng tin Reuters. “Những người nhập cư trái phép đã lợi dụng lá đơn xin tị nạn và chúng tôi tin rằng phần lớn đơn xin tị nạn đến từ những người này”.

Năm 2016, Nhật Bản đã phải tiếp nhận số lượng đơn xin tị nạn lên tới 44%, trong đó phần lớn đến từ công dân ở 3 quốc gia gồm Indonesia, Nepal và Philippines. Một đợt xem xét lại bộ luật năm 2010 ở Nhật Bản cũng khiến làn sóng người nhập cư diện kinh tế đổ tới Nhật để xin tị nạn; theo ông Takizawa Saburo, chuyên gia chính sách tị nạn thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, cho hay.

“Do Nhật Bản không tiếp nhận nguồn lao động kỹ năng thấp, rất nhiều người đến từ các nước Đông Nam Á không có cách nào đến Nhật làm việc, trừ khi là thông qua cửa tị nạn” - ông Saburo nói.

Đợt xem xét luật năm 2010 cho phép người nước ngoài có thị thực hợp lệ, những người tìm kiếm diện tị nạn, được làm việc trong vòng 6 tháng sau khi đơn của họ được chấp nhận. Dù sửa đổi này cho phép những người xin tị nạn nhận được sự hỗ trợ cần thiết trên nước Nhật, nhưng những người không có thị thực hợp lệ vẫn không có cơ hội làm việc nào.

Hồi tháng 5 vừa qua, khoảng 20 người xin tị nạn đã bị bắt giữ bên ngoài trụ sở Cơ quan Nhập cư Khu vực Tokyo, khi tổ chức một cuộc tuyệt thực đình công. Những người này cho rằng hệ thống của cơ quan trên quá chậm trong việc xử lý đơn xin của họ và yêu cầu nới lỏng quy định về cấp thị thực lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhật Bản loay hoay vì... già hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO