Những người quý bò hơn cả tính mạng

Linh Chi 23/04/2016 14:15

Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới và nó đã chứng kiến nhiều thay đổi mạnh mẽ kể từ khi độc lập hồi năm 2011. Nhưng đường đến hòa bình vẫn còn xa khi cuộc nội chiến chưa hết và xung đột giữa các bộ lạc ngày càng sâu sắc. Theo Liên Hợp Quốc, đã có khoảng 2 triệu người phải bỏ nhà trong khi hàng chục nghìn người khác thiệt mạng.

Những người quý bò hơn cả tính mạng

Bộ tộc Mundari luôn gắn bó cùng những gia súc quý giá của mình (Nguồn: CNN).

Và trong bối cảnh hỗn loạn đó vẫn còn một bộ lạc muốn tránh xa chiến sự và làm điều mà họ giỏi nhất: Chăn nuôi gia súc.

Khó có thể tìm đâu được những người chăn nuôi gia súc nghiêm túc hơn người Mundari, một bộ lạc sống bên bờ sông Nile, phía Bắc thủ đô Juba của Nam Sudan. Cuộc sống của họ luôn xoay quanh công việc chăm sóc loài bò Ankole-Watusi, một giống gia súc có sừng được mệnh danh là loài “Gia súc Vua”.

Những chú bò này nếu trưởng thành có thể dài tới 2,7 m và có giá tới 500 USD/con. Bởi vậy không có gì lạ khi người Mundari coi những con gia súc này như thứ tài sản quý giá nhất của họ, và thậm chí còn sẵn sàng bảo vệ chúng bằng cả súng máy.

Nhiếp ảnh gia Tariq Zaidi đã dành ra một khoảng thời gian dài hồi đầu năm nay để quan sát cuộc sống của người Mundari và chứng kiến sự tôn thờ của họ đối với giống bò Ankole-Watusi.

“Rất khó để có thể tả được tầm quan trọng của giống gia súc này đối với người Mundari” - Zaidi nói - “Loài vật này là tất cả đối với họ”.

Nhiếp ảnh gia này kể lại rằng, bất cứ thành viên nào trong bộ lạc khi được ông đề nghị chụp ảnh đều muốn đứng cạnh chú bò mà họ cưng chiều nhất, trong khi vợ con họ thì cũng chỉ làm qua loa cho xong.

Có lẽ phong tục này bắt nguồn từ chức năng cũng như biểu tượng của giống bò Ankole-Watusi. Mỗi cá thể bò này đều có giá trị cao đến nỗi người ta hiếm khi mang nó ra giết thịt. Thay vào đó, nó đóng vai trò như một tủ đựng thức ăn, một tủ thuốc, của hồi môn hay thậm chí là người bạn thân của người Mundari.

Người dân bộ lạc Mundari ai cũng có vóc dáng cao to, cơ bắp như vận động viên, nhưng khẩu phần ăn của họ phần lớn là sữa và sữa chua. Đương nhiên các sản phẩm này đều từ những chú bò quý của họ.

Ngay cả những phần nước thải của giống bò này cũng được người Mundari tận dụng. Những người đàn ông trong bộ lạc thường thu thập nước tiểu bò để làm thuốc khử trùng và cả sản phẩm làm đẹp. Người Mundari thường dùng nước tiểu bò làm chất nhuộm tóc họ thành màu da cam.

Trong khi đó chất thải của loài bò này cũng được người Mundari chất thành từng đống để đốt. Làn khói từ đó được người trong bộ lạc tận dụng như một chất khử trùng và chất chống nắng, giúp họ tránh khỏi cái nóng gay gắt vào ban ngày ở đây.

Giống bò Ankole-Watusi cũng được xem là giống bò được cưng chiều nhất trên thế giới. Theo ông Zaidi, người Mundari thường xoa bóp cho những chú bò của họ 2 lần trong ngày, và đều đặn 7 ngày mỗi tuần. Lượng tro sau khi đốt phân bò được coi như một loại “phấn rôm” dùng để bôi lên da của chúng nhằm tránh ruồi và giúp tạo mùi khó chịu để tránh các loài thú ăn thịt.

Người Mundari thậm chí còn ngủ giữa bầy bò quý của họ, đặc biệt là gần những chú bò mà họ yêu quý nhất, và thường mang theo cả súng trường để bảo vệ chúng. Và đương nhiên có lý do để những con người này phải thận trọng đến nỗi vậy.

Những kẻ bắt trộm gia súc là một vấn đề lớn đối với người Mundari. Đàn gia súc của họ có giá trị rất cao nên cũng dễ bị những kẻ bắt trộm dòm ngó. Kể từ khi cuộc nội chiến kết thúc, hàng nghìn người đàn ông đã trở về Nam Sudan để cưới vợ lập gia đình, tuy nhiên cái giá “thách cưới” không hề rẻ. Bởi vậy mà giống bò Ankole-Watusi cũng trở nên có giá hơn và biến thành mục tiêu cho những kẻ săn trộm.

Những chuyến săn trộm kiểu này là đòn chí mạng đối với người Mundari, nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn nhiều mặt khác của nó.

Các quả mìn còn sót lại khiến cho việc tìm kiếm các đồng cỏ mới trở nên hết sức nguy hiểm. Cuộc xung đột đã khiến người Mundari phải sống co cụm lại trên một ốc đảo nhỏ ở lưu vực sông Nile.

“Chiến sự tiếp diễn ở Nam Sudan đã khiến người Mundari bị tách ra khỏi phần còn lại của thế giới” - ông Zaidi nói - “Họ không dám mạo hiểm vào các thị trấn, mà chỉ dám sống trong bờ bụi, và đó đã trở thành lối sống của họ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người quý bò hơn cả tính mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO