Nước Pháp - cầu nối Mỹ với châu Âu

Khánh Duy 15/07/2017 08:35

Bằng cuộc đón tiếp hết sức đặc biệt, cùng dự bữa tối thân mật tại nhà hàng trên tháp Eiffel, cùng tham dự cuộc diễu binh chung nhân ngày Quốc khánh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nỗ lực biến nước Pháp trở thành “cây cầu nối” giữa châu Âu và nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ - Pháp thân thiện hơn nhiều so với những lần gặp trước. (Nguồn: AFP).

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc chuyến công du Pháp của mình sau khi tham dự buổi diễu binh tại Đại lộ Champ Elysse hôm 14/7 vừa qua nhân lễ Quốc khánh Pháp và cũng đánh dấu 100 năm kể từ ngày Mỹ chính thức tham chiến Thế chiến I.

Đối với Pháp, lễ Quốc khánh năm nay cũng là thời điểm lễ tưởng niệm đầu tiên các nạn nhân thiệt mạng trong loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu mà nước này hứng chịu trong những năm gần đây. Sau lễ Quốc khánh, ông Macron sẽ tới thành phố Nice để tham dự Lễ tưởng niệm 86 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công bằng xe tải hồi năm ngoái.

Trong chuyến công du lần này của ông Trump, Tổng thống Macron đã nhấn mạnh mối quan hệ lâu năm giữa Pháp và Mỹ, và cả các lĩnh vực mà cả hai bên đang bất đồng. Tuy nhiên, ông Macron nêu rõ rằng tinh thần của cuộc gặp gỡ lần này chính là củng cố tình bạn và quan hệ đồng minh.

Trước đó, hai Tổng thống đã cùng tới thăm một đài tưởng niệm ở Paris và sau đó tham dự một bữa tối thân mật tại một nhà hàng sang trọng trên tháp Eiffel. Trên hết, Tổng thống Trump cùng phu nhân Melania đã trở thành hai vị khách danh dự trong buổi diễu hành nhân lễ Quốc khánh.

Trong lần đầu gặp gỡ hồi tháng 5 vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã có phút đối diện đầy khó khăn bằng một cú bắt tay mạnh mẽ quá mức cần thiết. Nhưng trong cuộc gặp vừa qua, hai nhà lãnh đạo đều thể hiện rõ nỗ lực gạt bỏ sự khác biệt.

Dường như đã thay đổi chiến thuật từ “cú bắt tay mạnh mẽ” sang xây dựng hình ảnh một người bằng hữu thân thiết, Tổng thống Macron đã đưa ra một lịch trình đón tiếp hết sức thân thiện đối với Tổng thống Trump và phu nhâm Melania. Chỉ riêng quyết định mời Tổng thống Trump sang thăm trùng ngày Quốc khánh Pháp đã không khỏi khiến nhiều người bất ngờ.

Lễ đón tiếp ông Trump không được tổ chức tại Điện Elysee mà tại Điện Invalides, nơi được xây dựng từ thế kỷ 17 dưới thời Vua Louis XIV, và cũng là nơi an nghỉ của Hoàng đế Napoleon Bonaparte cùng nhiều anh hùng khác của nước Pháp. Trong chuyến thăm Điện Invalides, Tổng thống Mỹ đã hết lời ngợi khen “lịch sử vĩ đại” của nước Pháp.

Sau đó, không tham gia yến tiệc tại Điện Elysee như các cuộc tiếp đón thông thường, Tổng thống Macron cùng phu nhân đã mời vợ chồng ông Trump tới ăn tối tại một nhà hàng sang trọng trên tháp Eiffel, với bữa tối được chuẩn bị bởi đầu bếp trứ danh Alain Ducasse. Không có gì lạ khi Tổng thống Pháp sau đó mô tả dịp này như “bữa tối cùng những người bạn”.

“Tổng thống Macron rất có kỹ năng trong việc xoa dịu Tổng thống Trump và tránh các vấn đề có thể khiến suy giảm sự đoàn kết”- ông Spencer Boyer, cựu quan chức tình báo quốc gia tại châu Âu và hiện đang làm việc tại Viện Brookings, nhận định. “Ông Macron cũng đặc biệt tránh nói về các vấn đề chính trị đang gây tranh cãi ở Mỹ, điều mà ông Trump rõ ràng cũng muốn tránh”.

Kết quả là, sau chuyến thăm này, cả hai bên đã đạt được một số bước tiến nhất định. Tổng thống Trump khẳng định tình bạn giữa hai nhà lãnh đạo nói riêng và mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp nói chúng là “không thể bị bẻ gãy”. Hai bên cũng đạt được một số bước tiến về vấn đề biến đổi khí hậu, thương mại, đạt nhất trí về tình hình Syria và chống khủng bố.

Liên quan đến tình hình Syria, Tổng thống Macron cho biết ông Trump đã đề nghị các nhà ngoại giao phác thảo một sáng kiến nhằm chuẩn bị cho tương lai của Syria. Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh, đồng thời kêu gọi lực lượng đồng minh đang chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng quyết tâm bảo vệ thành phố Mosul của Iraq.

Đáng chú ý nhất có lẽ là việc Tổng thống Trump để ngỏ khả năng sẽ cân nhắc lại việc rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu- vốn là nguồn gốc gây bất đồng giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thời gian qua. Nhưng ông cũng nói rằng nếu điều đó không xảy ra, “thì mọi chuyện vẫn sẽ ổn”.

“Về Hiệp định Paris, có thể sẽ xảy ra điều gì đó. Chúng ta hãy đợi xem. Chúng tôi sẽ nói về vấn đề này trong thời gian tới. Nhưng nếu không có gì xảy ra, thì điều đó cũng vẫn ổn”- Tổng thống Trump để ngỏ khả năng không rút khỏi Hiệp định Paris.

Tổng thống Trump từng khiến người dân Pháp bất bình khi nói rằng “Paris không còn là Paris nữa”, ám chỉ tới hàng loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra tại nước này trong những năm trở lại đây. Nhưng trong hôm thứ Sáu, khi được hỏi lại về bình luận này, ông Trump đã bác bỏ tuyên bố đó, thêm rằng Paris “sẽ tốt đẹp hơn” bởi Pháp giờ đã có một vị Tổng thống “vĩ đại và cứng rắn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Pháp - cầu nối Mỹ với châu Âu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO